Để giữ gìn, bảo vệ an toàn cho thần kinh trung ương rất cần đảm bảo chế độ bổ dưỡng não bằng dinh dưỡng và thuốc hợp lý. Tuy nhiên, theo đó cũng cần phải hiểu đúng, hiểu đủ về thuốc và yêu cầu bổ dưỡng đúng nghĩa. Việc sử dụng các thuốc bổ não "vô tội vạ" có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm rủi ro.
1. Một số thông tin cơ bản về thuốc bổ não
Xét theo quan điểm của y học hiện đại, không có một định nghĩa hay quy chuẩn quy định chính thức nào về phân loại thuốc bổ.
Tuy nhiên, thuốc bổ được hiểu một cách cơ bản là các loại chế phẩm tân dược hay bào chế từ dược liệu, có tác dụng duy trì mọi hoạt động bình thường, thiết lập cân bằng sinh học và thúc đẩy các chức năng sinh lý của các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt. Rộng hơn là các thực phẩm chức năng có thành phần, nồng độ, hàm lượng phù hợp với liều điều trị cũng được "coi như" thuốc bổ.
Thuốc bổ bao gồm các hoạt chất cung cấp những thành phần cơ thể đang bị thiếu hụt như: Vitamin, acid amine (đạm), chất béo, đường, các loại men (enzym), khoáng chất, các nguyên tố vi lượng, các chất chống oxy hóa ngăn chặn gây tổn thương tế bào …
Cụ thể với bổ não còn cần các hoạt chất giúp tăng cường hoạt động dẫn truyền thần kinh, cải thiện chức năng não bộ, phục hồi trí nhớ; tăng cường lưu thông máu não ổn định, đầy đủ...
Các thuốc bổ não cần được hiểu đúng và dùng đúng cách.
2. Tác dụng của các thuốc bổ não
Có thể khái quát các tác dụng của thuốc bổ não như sau:
- Tăng cường khả năng tuần hoàn lưu thông máu não, hạn chế co thắt nghẽn mạch.
- Điều hòa chức năng của tế bào thần kinh, giúp an thần, cắt giảm tình trạng căng thẳng lo âu quá độ.
- Hạn chế các rối loạn chức năng thần kinh như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt...
- Hỗ trợ phục hồi tình trạng suy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung làm việc và tư duy; tăng khả năng minh mẫn ghi nhớ tốt hơn.
- Chống các gốc tự do, loại trừ các chất oxy hoá, ngăn chặn gây tổn thương tế bào não, làm chậm quá trình lão hoá...
Khi dùng thuốc bổ não hợp lý, đúng mục đích sẽ giúp cơ thể có một tinh thần sảng khoái và tư duy tỉnh táo, đi đôi có một cơ thể khỏe mạnh.
3. Những lầm tưởng của người bệnh sử dụng thuốc bổ não
Nhiều người lại cho rằng đã là thuốc bổ thì chỉ bao gồm những công dụng có ích. Điều này không đúng. Thuốc bổ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng có thể tương tác với các thuốc khác sử dụng đồng thời hay gây những tác dụng bất lợi không mong muốn cho người dùng. Việc sử dụng các loại thuốc này một cách dễ dãi sẽ vừa mang lại các lợi ích, vừa đem đến nhiều hệ quả xấu ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo các qui định về chế độ kê đơn, ngoài một số thuốc bổ và vitamin dạng tiêm truyền cần phải kê đơn, còn lại đa số các thuốc bổ khác đều thuộc nhóm thuốc không kê đơn, nên việc sử dụng các thuốc bổ trong đó có bổ não không cần thầy thuốc kê đơn chỉ định.
Rất nhiều người, chủ yếu gồm nhóm đối tượng lao động trí óc, học sinh, sinh viên do học hành và làm việc căng thẳng, rất dễ lạm dụng thuốc bổ não không đúng cách để "tẩm bổ" cho não. Bên cạnh đó, số đông phụ nữ tuổi trung niên, người cao tuổi rất hay đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ... luôn nghĩ rằng cần minh mẫn, thoải mái phải bổ não, từ đó bỏ tiền mua thuốc bổ não về uống vô tội vạ.
Đa phần người dùng tự cảm nhận khi bệnh nhẹ, không mấy khi kiểm tra thăm khám, tự tìm mua và sử dụng các thuốc có mác "hoạt huyết dưỡng não, bổ não..." hoặc các sản phẩm được quảng cáo. Sai lầm ở chỗ là cứ bổ não là tìm đến các sản phẩm gắn với tên gọi dưỡng não, hoạt huyết... tập trung vào những thuốc được quảng cáo nhiều như: Hoạt huyết dưỡng não, hoạt huyết bổ máu, "bổ não Mỹ", "bổ não Nhật", "bổ não tốt nhất"... Mặt khác, sử dụng kéo dài, triền miên một vài thuốc trong vài tháng liền, thậm chí có người cả năm chỉ với một thuốc vì lý do "quen thuốc".
Cần nhớ rằng, các thuốc có gắn với yếu tố bổ não (nhất là thực phẩm chức năng) không đơn thuần chỉ gồm các thuốc tăng lưu thông máu não và dưỡng não (các vitamin và dưỡng chất) mà còn bao gồm rất nhiều hoạt chất khác đi kèm để cải thiện lưu thông máu, chống tắc nghẽn mạch, khắc phục suy nhược thần kinh, phục hồi cải thiện trí nhớ.
Do đó, đừng nghĩ rằng thuốc bổ thì thích dùng bao nhiêu và trong bao lâu cũng được. Bất cứ thuốc nào, kể cả thuốc bổ nào đều có thể gây tai biến cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách, đúng liều.
Xin điểm qua một vài tác dụng bất lợi của những hoạt chất thường dùng nhất trong các sản phẩm bổ não để thấy rõ:
- Ginkgo biloba (hoạt chất từ lá Bạch quả) có thể gây tăng hay giảm huyết áp ngoài ý muốn, tăng nguy cơ chảy máu, gây bồn chồn, thay đổi hành vi, có thể ảnh hưởng đến đường huyết không an toàn cho người bị đái tháo đường...
- Cao rễ đinh lăng quá liều có thể gây say thuốc, mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, tiêu chảy. Dùng quá dư thừa dài ngày có thể gây vỡ hồng cầu...
- Citicolin có thể xảy ra quá mẫn (shock), rối loạn nhịp tim, rối loạn vận mạch, tụt huyết áp...
- Piracetam có thể gây buồn nôn, tiêu chảy; mệt mỏi, bồn chồn, dễ bị kích động, đau đầu, mất ngủ hay ngủ gà...
- Thuốc chứa thành phần an thần kinh, dùng thừa có thể gây nhược cơ, ngủ rũ, tụt huyết áp...
Chính vì vậy, việc dùng thuốc bổ não cũng cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Việc sử dụng tùy hứng, hoàn toàn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn đối với người dùng và thâm chí có thể xảy ra tương tác bất lợi với chính các thuốc khác đang sử dụng điều trị.
4. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc bổ não
- Cần phải hiểu rằng thuốc không kê đơn cũng cần tham vấn bác sĩ, dược sĩ để dùng đúng, dùng hợp lý, không thể dùng tùy hứng hoặc theo mách bảo.
- Khi dùng thuốc bổ não cần xem xét, căn cứ các thiếu hụt, các yếu tố mất cân đối để chọn thuốc bổ dưỡng phù hợp với yêu cầu điều trị và thể trạng mỗi người bệnh.
- Chỉ đơn thuần các thuốc bổ não không thể chữa khỏi các chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh (dù là nhẹ) như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, căng thẳng stress... mà luôn cần có các thuốc khác dùng kèm để khắc phục nguyên nhân, giảm thiểu triệu chứng cũng như hỗ trợ cho các hoạt động sinh lý bệnh của toàn cơ thể.
- Thuốc bổ chỉ giúp tăng cường sự dẻo dai, bền bỉ cho cơ thể và đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan trong cơ thể, không thể thay thế thuốc trị nguyên nhân và cắt giảm mọi triệu chứng.
- Không nên dùng một thuốc bổ não quá dài ngày, dễ dẫn đến nguy cơ dư thừa thuốc, gây tai biến bất lợi. Mặt khác, dùng quá dài ngày dù chỉ là thuốc bổ, thì cũng gây quen thuốc, lệ thuộc thuốc. Nếu cần dùng bổ dưỡng não dài ngày, tốt nhất nên thay đổi từng đợt phù hợp bằng các thuốc có hoạt chất khác, cùng tác dụng, nhưng theo các cơ chế dược lý khác.
- Cần phải nhớ rằng, thuốc tốt không đồng nghĩa với giá thành và không nên nghĩ rằng thuốc giá cao mới là tốt. Thuốc tốt là thuốc được dùng đúng loại, dùng kịp thời, phối hợp hợp lý và đủ liệu trình. Với mọi loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng dùng điều trị bệnh, đừng quá chú ý tới biệt dược, tới thương hiệu nước ngoài mà cần quan tâm đến hoạt chất gốc, đến tính phù hợp của dạng bào chế và giá thành hợp lý.
- Riêng các loại thực phẩm chức năng có tên 'An cung ngưu hoàng hoàn' vốn được thổi phồng tác dụng như 'thuốc tiên' để dự phòng và điều trị đột quị, có nhiều thành phần vừa bổ dưỡng phục hồi các chức năng não, vừa khắc phục các tai biến não, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích bổ não như nhiều trang quảng cáo bán hàng đề cập. Thuốc chỉ tốt với tình huống cụ thể.
- Người điều khiển phương tiện tốt nhất không nên dùng thuốc bổ não khi tham gia giao thông vì nhiều loại có tác dụng an thần gây buồn ngủ nhẹ, không tỉnh táo.
- Khi sử dụng nếu phát hiện có các bất thường như ngứa ngáy, nổi mề đay, choáng váng, khó thở, có biểu hiện dị ứng thuốc... phải dừng ngay thuốc và xin trợ giúp từ bác sĩ, dược sĩ để có xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Mời độc giả xem thêm video:
Những Thức Uống Vừa Tốt Cho Sức Khỏe Lại Giúp Giảm Cân Hiệu Quả | SKĐS