Hiểu đúng về tật khúc xạ

06-09-2019 10:19 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Đối với con mắt bình thường, khi nhìn một vật thì ảnh của vật đó sẽ rơi đúng vào võng mạc, giống như máy ảnh sẽ cho ra hình ảnh đẹp, rõ nét.

Nếu vì một lý do nào đó mà ảnh của vật không rơi trên võng mạc nữa làm cho hình ảnh của vật sẽ mờ nhạt, méo mó, sai lệch, đó chính là tật khúc xạ.

Có 3 loại tật khúc xạ, bao gồm: Khi ảnh rơi trước võng mạc gọi là cận thị. Khi ảnh rơi sau võng mạc gọi là viễn thị. Khi ảnh của vật trên võng mạc không còn là một điểm nữa, mà nó là một đoạn thẳng có thể nằm trước hoặc sau võng mạc gọi là loạn thị.

Dấu hiệu nhận biết

Tật khúc xạ thường xuất hiện vào lứa tuổi đi học, hơn 90% là tật cận thị nên người ta còn gọi là danh từ chung là cận thị học đường. Các triệu chứng khi xuất hiện tật khúc xạ gồm: Nhìn không rõ khi ngồi xa, nên thích ngồi gần bảng, gần tivi; khi đọc sách hay viết bài thường phải cúi sát xuống bàn; hay mỏi mắt, nhức đầu, nheo mắt, dụi mắt; kết quả học tập giảm sút, chép bài sai, chữ không thẳng hàng; ở một số trẻ nhỏ thường nháy mắt, nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn hoặc xuất hiện mắt lé.

Hình ảnh của vật trên mắt viễn thị.

Hình ảnh của vật trên mắt viễn thị.

Tuổi nào mắc và tiến triển?

Thông thường tật khúc xạ xuất hiện lúc 8 - 10 tuổi. Độ cận sẽ tăng dần và dừng lại khi 16 - 18 tuổi. Mỗi năm trung bình sẽ tăng từ 0,5 - 1 độ. Tuổi xuất hiện càng sớm thì mức độ tăng càng nhanh. Cũng có một số trường hợp tật khúc xạ xuất hiện khi còn rất nhỏ, thường liên quan đến yếu tố di truyền. Một số trường hợp xuất hiện ở người lớn khi có những biến cố về sức khỏe như sau khi thai sản, sau tai nạn hoặc những đợt ốm nặng, có thể xuất hiện tật khúc xạ mới hoặc những đợt tiến triển trên bệnh nhân đã bị tật khúc xạ trước đó.

Nếu được phát hiện kịp thời, đeo kính đúng độ và theo dõi định kỳ thì tật khúc xạ sẽ ổn định, trong độ tuổi từ 20 - 40, thường có rất ít thay đổi. Một số trường hợp (thường là cận và loạn thị) có một số biến chứng như hiện tượng ruồi bay, chớp sáng và nặng nề nhất là bong võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa.

Cách điều trị

Chúng ta gọi là tật khúc xạ chứ không gọi là bệnh khúc xạ vì tật khúc xạ là một tình trạng cấu tạo không hoàn toàn của mắt chứ không phải là một tình trạng bệnh lý, vì vậy người ta thường gọi là điều chỉnh tật khúc xạ.

Đối với tật cận thị: Người ta dùng thấu kính cầu phân kỳ, là thấu kính có rìa dày hơn phần tâm, để đưa ảnh từ trước võng mạc về đúng trên võng mạc.

Đối với tật loạn thị: Người ta dùng thấu kính trụ là thấu kính có tác dụng quang học ở một hướng nhất định để chỉnh lại sự bất đồng về công suất giữa các kinh tuyến trên giác mạc.

Tật khúc xạ được điều chỉnh bằng cách đeo kính gọng, hoặc kính tiếp xúc (còn gọi là contact lens), và việc đeo kính chỉ giúp thấy rõ và thoải mái chứ không làm cho tật khúc xạ biến mất được, khi gỡ kính ra thì vẫn thấy mờ.

Hiện nay, có một phương pháp điều trị tật khúc xạ làm giảm hoặc mất hẳn tật khúc xạ đó là mổ bằng leser excimer. Phương pháp này được áp dụng cho tật khúc xạ trung bình trở lên và ở người trên 18 tuổi, có thể điều trị được cả cận, viễn và loạn thị.

Hình ảnh của vật trên mắt cận thị.

Hình ảnh của vật trên mắt cận thị.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng tránh, phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời tật khúc xạ, nhất là ở lứa tuổi học đường cần lưu ý một số điểm sau đây: Hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế, lưng thẳng, mắt cách mặt chữ khoảng 30cm; phòng học đủ ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn theo từng cấp học, đèn học để phía đối diện với tay cầm bút; bố trí thời gian học và vui chơi ngoài trời hợp lý. Không đọc sách, xem tivi, chơi vi tính quá 2 giờ liên tục; không đọc sách trên tàu xe, khi nằm ngửa hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng; ăn uống điều độ, nhiều chất xơ, vitamin; đưa trẻ đi khám kiểm tra thị lực ngay khi thấy các biểu hiện lạ ở mắt như nhức mắt, dụi mắt, nheo mắt, nhìn mờ, kết quả học tập giảm sút; khi phát hiện bị tật khúc xạ cần cho đeo kính phù hợp và tái khám định kỳ để theo dõi và xử lý biến chứng.

Làm thế nào để hạn chế tăng số kính cận ở trẻ em?

Ở lứa tuổi học đường, mắt còn chịu tác động nhiều của các hoạt động nhìn gần và cấu trúc nhãn cầu còn nhiều thay đổi theo môi trường sống do vậy vẫn xảy ra hiện tượng tăng số kính. Tuy nhiên, việc bố trí thời lượng học tập và vui chơi giải trí sẽ giúp mắt được thư giãn, tránh được hiện tượng tăng số kính quá nhanh. Quan trọng nhất là tạo thói quen đừng nhìn gần quá và để mắt thường xuyên được nhìn xa. Hãy bố trí cho các cháu nhỏ một không gian sống và vui chơi thật thoáng mát và rộng rãi. Thỉnh thoảng uống một ít thuốc bổ mắt cũng tốt, tuy nhiên đừng quá lạm dụng không cần thiết.


Bs. Nguyễn Viết Giáp
Ý kiến của bạn