Hà Nội

Hiểu đúng về sốt xuất huyết và truyền dịch hạ sốt

16-09-2019 10:27 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Diễn biến bệnh sốt xuất huyết là quá trình tự nhiên giữa cơ thể với virut.

Có người nhẹ, có người nặng, nhưng không thể đoán trước được trường hợp nào sẽ diễn tiến nặng. Việc điều trị, tác động chỉ mang tính chất hỗ trợ. Một trong những biện pháp điều trị sốt xuất huyết là truyền dịch đúng thời điểm và tình trạng bệnh (chỉ được thực hiện tại cơ sở y tế).

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh do virut Dengue gây ra. Loại virut này có đến 4 typ, được gọi là D1, D2, D3, D4. Cơ thể con người phản ứng khác nhau với từng typ và không có miễn dịch chéo. Có nghĩa sau khi bị nhiễm 1 trong 4 typ vẫn có thể bị nhiễm các typ còn lại. Vì vậy, một người có thể bị sốt xuất huyết đến 4 lần và lần sau có thể sẽ nặng hơn lần trước. Diễn tiến bệnh tối đa là 1 tuần, có người kéo dài hơn.

Không thể hạ ngay cơn sốt

Sốt là phản ứng bảo vệ của cơ thể. Virut gây bệnh đã kích thích cơ thể gây sốt. Ở góc độ tích cực, chính những cơn sốt như thế có tác dụng khống chế virut, làm virut không phát triển. Có thực tế là nhiều người đang khỏe mạnh, tự dưng sốt, người mệt mỏi khi đến bác sĩ thì yêu cầu chữa hết sốt ngay. Đây là điều khó thực thi, đặc biệt là với bệnh SXH vì sốt do virut gây ra thường sẽ gây sốt cao trong vài ngày. Việc dùng thuốc hạ sốt (paracetamol) chỉ dứt sốt trong vài giờ rồi lại sốt cao ngay. Người bệnh SXH không được dùng ibuprofen hay aspirin để hạ sốt vì có thể gây xuất huyết nhiều hơn.

Nhiều người vì muốn hạ sốt nên đã dùng thuốc hạ sốt nhiều lần (4-5 lần một ngày) dẫn đến lạm dụng thuốc. Hậu quả là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể yếu, hồi phục kém, thậm chí gây hại gan. Nhiều bệnh nhân bị SXH đã có tình trạng tăng men gan, kết hợp uống nhiều thuốc hạ sốt thì càng làm suy gan nặng nề hơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không cần hạ sốt. Với những trường sốt quá cao (liên tục trên 39oC), thông thường sẽ được bác sĩ giữ lại điều trị nội trú và có các giải pháp can thiệp để tránh bị co giật.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết.

3 ngày đầu không nên truyền dịch

Trong 3 ngày đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện mất dịch: sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau mình mẩy, chán ăn, thậm chí có người nôn, sợ không dám ăn. Lúc này, nhiều người thường nghĩ đến truyền dịch nhưng điều này là không nên. Bệnh nhân đang bị sốt cao, phản ứng của cơ thể rất mạnh, nên nếu truyền dịch sẽ dễ bị sốc. Vì thế, giải pháp tốt nhất là nếu người bệnh còn ăn uống được thì bù bằng nước hoa quả, nước đun sôi để nguội, nước rau, oresol... Khi bù nước bằng oresol cần đặc biệt lưu ý: Thành phần chính của oresol là muối và đường. Khi được pha đúng liều lượng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất. Tuy nhiên, nếu pha oresol không đúng cách sẽ gây rối loạn chất điện giải, thậm chí là gây các biến chứng thần kinh nguy hiểm như: mệt mỏi, rối loạn tri giác, hôn mê, co giật.

Trường hợp người bệnh SXH không ăn uống được, nôn và muốn truyền dịch phải được bác sĩ chỉ định. Người bệnh không tự ý truyền dịch. Việc truyền dịch không đúng làm cơ thể bị dư dịch khiến bệnh tiến triển xấu. Tuyệt đối không truyền dung dịch đạm, hay có pha vitamin vì rất hay bị sốc. Trong quá trình truyền, phải theo dõi sát khi thấy người bệnh rét run, nhiệt độ tăng thì phải dừng truyền dịch ngay. Nếu không khi bị sốc sẽ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Từ ngày thứ 4 là giai đoạn nguy hiểm của bệnh SXH

Sau thời kỳ phát bệnh SXH, sau chừng 3 ngày, bệnh nhân sẽ giảm sốt, nhưng đây lại là thời điểm nguy hiểm nhất, đó là giai đoạn xuất huyết. Ngày này tuy bệnh nhân không còn bị sốt cao như 3 ngày trước đó, ai cũng tưởng rằng bệnh đã không còn nguy hiểm và sắp khỏi. Nhưng thực tế giai đoạn này có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Với bệnh SXH ngày thứ 4 nguy hiểm nhất. Bởi vì virut đã làm hệ miễn dịch suy yếu, số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm đáng kể. Người bệnh giảm sốt nhưng thoát mạch với biểu hiện là tràn dịch màng phổi, màng bụng, đau tức vùng gan, nề mi mắt, da căng và tay chân lạnh; Sốc, cơ thể vật vã, tim đập nhanh, huyết áp tăng giảm đột ngột; Biểu hiện xuất huyết dưới da (chảy máu cam, chảy máu chân răng, da bầm tím); Xuất huyết nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, tiêu phân đen, xuất huyết não, chảy máu phổi và chảy máu trong cơ). Ở phụ nữ, kinh nguyệt kéo dài nếu mắc SXH trùng vào thời kỳ kinh nguyệt.

Trong thời kỳ nguy hiểm của bệnh, người bệnh cần làm xét nghiệm máu để đánh giá mức độ giảm của tiểu cầu và bạch cầu. Từ đó bác sĩ sẽ cân nhắc truyền tiểu cầu, huyết tương nếu cần. Nếu bệnh nhân bị sốc, suy tạng nặng cần phải chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện tuyến trên để xử lý và điều trị kịp thời. Nếu được điều trị đúng phác đồ sẽ khỏi bệnh và không gặp biến chứng, thể trạng bệnh nhân sẽ ổn định, cơ thể hồi phục dần...

Khi bệnh nhân đã hồi phục thì không nên truyền dịch

Ngay cả khi đã xuất viện, bệnh nhân cũng phải mất 7-10 ngày để hồi phục. Dù đã khỏi, nhưng bệnh nhân vẫn có triệu chứng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt khi đứng dậy. Vì thế nhiều người muốn truyền dịch để mau chóng khỏe. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn thừa nước, truyền dịch vào sẽ rất nguy hiểm, có thể gây phù phổi, cấp cứu không kịp có thể tử vong.

Lưu ý: Dù chưa có thuốc đặc trị SXH, nhưng các cơ sở y tế đã có những giải pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, tránh các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy khi bị sốt cao người bệnh cần đi khám để có chẩn đoán SXH kịp thời và được tư vấn các biện pháp điều trị phù hợp.


BS. Trần Khang
Ý kiến của bạn