Hiểu đúng về châm cứu (Kỳ I)

SKĐS - Châm cứu là một trong những liệu pháp điều trị bệnh trong y học cổ truyền phương Đông. Tôn chỉ chữa bệnh của Đông y là tìm cách cân bằng năng lượng trong cơ thể con người.

Châm có nghĩa là dùng vật nhọn (như kim, que nhọn…) đâm vào hoặc kích thích vào huyệt. Còn cứu có nghĩa là dùng nhiệt (hơi nóng) tác động lên huyệt.

Châm và cứu là hai phương pháp chữa bệnh có rất sớm ở phương Đông. Người ta dùng kim thuộc chế thành các loại kim khác nhau, châm ở những bộ phận đặc biệt trên cơ thể con người (huyệt vị); sau khi châm vào da thịt, căn cứ vào bệnh tình và thể chất người bệnh khác nhau mà dùng thủ pháp phù hợp nhằm đạt đến mục đích thông kinh hoạt lạc, khử tà phù chính (khử bệnh tật, nâng cao sức đề kháng của cơ thể) mà chữa bệnh, phương pháp này gọi chung là châm.

Còn cứu dùng lá ngải khô để chế thành ngải nhung, rồi lại dùng ngải nhung chế thành viên to nhỏ như mồi ngải, hoặc cuốn thành điếu ngải, đốt lửa xong trực tiếp hoặc gián tiếp hơ hoặc đặt lên huyệt vị nhất định của cơ thể người bệnh, thông qua sự kích thích ấm nóng này làm cho thông kinh lạc đạt mục đích chữa bệnh và phòng trừ bệnh tật.

Hai phương pháp trên tuy khác nhau nhưng sử dụng huyệt vị giống nhau, có khi cùng châm và cứu, thông thường gọi là phép châm cứu.

Công dụng của châm cứu

Theo lý luận y học cổ truyền, trong cơ thể âm và dương phải cân bằng nhau thì cơ thể mới khỏe mạnh, khi âm dương mất cân bằng thì sinh ra bệnh tật. Bệnh tật phát sinh do nguyên nhân bên ngoài (tà khí), hoặc do nguyên nhân bên trong cơ thể bị suy yếu (chính khí hư). Nếu do nguyên nhân bên ngoài xâm nhập sẽ gây bế tắc sự vận hành của kinh khí, châm cứu vào các huyệt trên đường kinh để loại trừ tác nhân gây bệnh ra ngoài (gọi là khu tà). Nếu do nguyên nhân bên trong, chính khí hư, kinh khí không đủ thì châm cứu có tác dụng làm tăng kinh khí để đạt mục đích điều trị (gọi là bổ chính).

Hiểu đúng về châm cứu

Điều trị bằng châm cứu là nhằm điều hòa lại cân bằng âm dương. Cụ thể: nếu chính khí hư thì phải bổ, tà khí thực thì phải tả, bệnh nhiệt thì châm, bệnh hàn thì cứu. Điều hòa hoạt động bình thường của hệ kinh lạc.

Theo học thuyết thần kinh, đường đi của kinh mạch phần lớn trùng với đường đi của các dây thần kinh. Theo các nghiên cứu về thần kinh, có thể chia huyệt thành 3 loại:

- Loại thứ nhất tương ứng với các điểm vận động của cơ.

- Loại thứ hai, nằm trên vùng tập trung các sợi thần kinh bề mặt bắt chéo nhau trên một mặt phẳng nằm ngang.

- Loại thứ ba, nằm trên các đám rối thần kinh bề mặt.

Cả 3 loại huyệt nhìn chung đều là nơi tập trung rất nhiều các đầu mút thần kinh (thụ cảm thể), châm cứu là một kích thích gây ra một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế hay phá vỡ cung phản xạ bệnh lý.

Điều trị bằng châm cứu là nhằm điều hòa lại, giúp cân bằng âm dương

Cơ chế tác dụng của châm cứu

Phản ứng tại chỗ: châm cứu vào huyệt là một kích thích gây một cung phản xạ mới có tác dụng ức chế cung phản xạ bệnh lý như: làm giảm đau, giảm co thắt cơ: trong cùng một thời gian ở một nơi nào đó của hệ thần kinh trung ương có hai luồng xung động của hai kích thích đưa tới, kích thích nào có luồng xung động mạnh hơn và liên tục hơn sẽ kéo các xung động của kích thích kia về nó và tiến tới dập tắt kích thích kia.

Bệnh lý là một kích thích (như cảm giác đau) được truyền về hệ thần kinh trung ương rồi được truyền trở ra cơ quan có bệnh hình thành một cung phản xạ bệnh lý. Châm cứu là một kích thích gây ra cung phản xạ mới, với cường độ kích thích đầy đủ sẽ ức chế ổ hưng phấn do tổn thương bệnh lý, tiến tới làm mất hoặc phá vỡ cung phản xạ này.

Theo y học cổ truyền, khi châm cứu đúng huyệt sẽ thấy cảm giác đắc khí: tê tức nặng, da vùng châm đỏ hoặc tái, có cảm giác kim bị hút chặt xuống. Theo các nhà thần kinh, hiện tượng đó chỉ xảy ra ở vùng nhiều cơ, do kim kích thích làm co cơ, thay đổi vận mạch và tác động lên thần kinh cảm giác sâu.

Phản ứng tiết đoạn:

Khi nội tạng có tổn thương bệnh lý thì sẽ biểu hiện bằng những thay đổi cảm giác vùng da ở cùng tiết đoạn của nó. Ngược lại dùng châm cứu kích thích vào các huyệt ở vùng da đó sẽ có tác dụng điều chỉnh các rối loạn bệnh lý của tạng phủ tương ứng trong cùng tiết đoạn.

Phản ứng toàn thân:

Khi điều trị một số bệnh, người ta dùng một số huyệt không ở cùng với vị trí đau và cũng không ở cùng tiết đoạn với cơ quan bị bệnh, vậy tác dụng điều trị của nó thông qua phản ứng toàn thân. Cơ chế tác dụng toàn thân được giải thích bằng nguyên lý hiện tượng chiếm ức chế của vỏ não. Ngoài ra khi châm cứu gây những biến đổi về thể dịch và nội tiết, thay đổi các chất trung gian hóa học, như tăng số lượng bạch cầu, tăng tiết opiat nội sinh gây giảm đau, tăng tiết kích thích tố, tăng số lượng kháng thể. Thuyết về phản ứng toàn thân cho phép giải thích tác dụng châm cứu của các huyệt ở xa vị trí bệnh lý và một số huyệt có tác dụng toàn thân, như Hợp cốc, Nhân trung...

Châm cứu điều trị những bệnh lý gì?

Châm cứu có rất nhiều công hiệu giúp giảm đau lưng, đau cổ, đau sau phẫu thuật và nhiều cơn đau khác. Tuy nhiên tác dụng của châm cứu không chỉ dừng ở đó. Điều trị bằng châm cứu  áp dụng cho 3 nhóm bệnh lý: đau, liệt, rối loạn chức năng cơ thể. Cụ thể như sau:

Đau: đau do thần kinh (đau thần kinh tọa), đau sau zona, đau cơ xương khớp: giãn dây chằng, thoái hóa khớp gối, đau do thoái hóa cột sống cổ, lưng.

Liệt: liệt nửa người sau tai biến mạch máu não, liệt dây thần kinh III, IV, V, VI, VII, liệt dây thanh...

Rối loạn chức năng cơ thể: cảm cúm, mất ngủ, viêm xoang, các bệnh về dạ dày, ruột; các bệnh rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, di mộng tinh; tiểu dầm, tiểu bí.

Châm cứu ngày nay rất đa dạng về hình thức: điện châm, thủy châm, cấy chỉ (nhu châm)...

(Còn nữa)


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn