Hiểu đúng về các bệnh viêm khớp

10-03-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Một số bệnh viêm khớp thường gặp: thoái hóa khớp và cột sống (còn gọi là viêm xương khớp), viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vô căn thiếu niên, viêm khớp gút, viêm khớp nhiễm trùng…

Bệnh lý cơ xương khớp cần được chẩn đoán xác định sớm, theo dõi, điều trị và quản lý lâu dài, theo hệ thống chuyên khoa vì nhóm bệnh này đang là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế cho con người.

Việc chẩn đoán xác định sớm sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả giảm thiểu các tổn thương hủy hoại các cấu trúc của khớp như: sụn khớp, màng hoạt dịch, đầu xương, dây chằng… bảo vệ được chức năng vận động của khớp và hạn chế tàn phế.

Trong các bệnh lý khớp viêm, thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là 2 loại bệnh thường gặp và quan trọng nhất, có nhiều điểm khác biệt về tỉ lệ mắc, về tuổi khởi bệnh, về biểu hiện, về tiến triển, về tiêu chuẩn chẩn đoán, đặc biệt về nguyên tắc điều trị và thuốc điều trị… Vì vậy, cần được xác định chẩn đoán sớm để có các trị liệu và theo dõi thích hợp. Tuy nhiên, trên thực tế 2 bệnh này lại thường bị “bỏ chung một giỏ” với chẩn đoán chung chung và mơ hồ là viêm đa khớp. Đây là một điều hết sức tránh vì sẽ gây nhầm lẫn!

 

 

Đa số các bệnh nhân thoái hóa khớp không có viêm khớp dạng thấp, biểu hiện chủ yếu là sưng, đau, hạn chế vận động ở các khớp chịu lực như: khớp gối, cột sống thắt lưng, cột sống cổ… tình trạng viêm thường nhẹ và không thường xuyên.

Ở các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, nếu không được điều trị sớm, tình trạng viêm sẽ làm các khớp bị thoái hóa thứ phát, như vậy bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường mắc cả hai bệnh lý viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp. Theo sự tăng dần của tuổi tác, tình trạng mãn kinh, diễn biến của bệnh, tình trạng viêm, việc hạn chế chức năng vận động… người bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể mắc thêm loãng xương.

Trên các bệnh nhân viêm khớp nói chung, tỉ lệ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường, viêm, loét dạ dày tá tràng… đều cao hơn rất nhiều so với người bình thường.

Ở nước ta, với việc gia tăng tuổi thọ và thay đổi lối sống như hiện nay, các bệnh lý cơ xương khớp, đặc biệt các bệnh viêm khớp đang có xu hướng gia tăng rất nhanh khiến cho việc chăm sóc sức khỏe ở các tuyến chưa đáp ứng kịp, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa thấp khớp học chưa đủ ở các tuyến, rất nhiều bệnh lý xương khớp không được chẩn đoán, điều trị và quản lý hợp lý, gây nhiều hiệu quả xấu. Nhiều bệnh nhân, kể cả nhẹ, vừa, nặng và khó chữa (vì ở giai đoạn muộn hay giai đoạn di chứng của bệnh) tràn về tuyến trên gây tình trạng quá tải kéo dài ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế tuyến cuối.

PGS.TS.BS Lê Anh Thư, Bệnh viện Chợ Rẫy

Phó chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam

 


Ý kiến của bạn