Hiểu đúng về bổ sung dinh dưỡng cho người lớn

14-10-2016 08:00 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Dinh dưỡng đúng chính là nền tảng cho sức khỏe tốt. Thế nhưng, không ít người vẫn chưa thật sự quan tâm đến điều này.

Dinh dưỡng đúng chính là nền tảng cho sức khỏe tốt. Thế nhưng, không ít người vẫn chưa thật sự quan tâm đến điều này. TS. BS. Lưu Ngân Tâm, Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng TP.HCM chia sẻ: Khi dinh dưỡng được chú trọng, được bổ sung đầy đủ và cân đối, không chỉ sức đề kháng được cải thiện, thời gian hồi phục với bệnh nhân nhanh hơn mà còn giúp mỗi người nâng cao chất lượng cuộc sống, sống vui khỏe mỗi ngày”.

dinh duong nguoi cao tuoiNguồn: Internet

* Thưa bác sĩ, nhiều người vẫn chưa biết vai trò cụ thể của bổ sung dinh dưỡng và những nguy cơ sức khỏe khi thiếu hụt dinh dưỡng ra sao. Bác sĩ có thể chia sẻ về điều này?

TS.BS. Lưu Ngân Tâm: Dinh dưỡng là yếu tố quyết định sức khỏe của con người. Đến giai đoạn trưởng thành, không ít người lơ là với chế độ dinh dưỡng hàng ngày, ăn uống theo sở thích hơn là chọn một chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ, tốt cho cơ thể. Trong khi đó, dinh dưỡng đúng lại đóng vai trò tiên quyết giúp một người trưởng thành duy trì sức khỏe, được cung cấp đầy đủ năng lượng cho các hoạt động thể chất và trí não, ngăn ngừa được nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về tim mạch, giúp chúng ta sống vui khỏe mỗi ngày.

Đặc biệt, cần lưu ý đến vấn đề thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn đau ốm. Trong giai đoạn này, cơ thể rất cần được “tiếp sức” bằng một chế độ dinh dưỡng thật tốt, để không chỉ nhanh chóng hồi phục mà còn giảm được các biến chứng sau đó, giảm nguy cơ tái nhập viện. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, tình trạng suy dinh dưỡng ở bệnh nhân lại vẫn rất phổ biến do tầm quan trọng của dinh dưỡng chưa được hiểu đúng.

* Vậy làm thế nào để có được một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, thưa bác sĩ?

TS.BS. Lưu Ngân Tâm: Với thói quen ăn uống của người Việt, khẩu phần thường chứa tinh bột nhiều, trong khi đó khẩu phần đạm chưa đủ. Ngoài ra, chúng ta ít có thói quen ăn rau củ quả và thực phẩm giàu can-xi, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dưỡng chất.

Chắc chắn nhiều người đã từng biết đến những lời khuyên như ăn đầy đủ các nhóm chất, ăn cá 5 lần/tuần, bổ sung lượng đạm phong phú từ cả đạm động vật và đạm thực vật, hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol cao, ưu tiên món luộc hấp hơn là món chiên xào, tránh ăn nội tạng động vật, tăng cường rau củ quả để cung cấp chất khoáng, vitamin và chất xơ.

Ngoài ra, tôi muốn đưa ra thêm một lời khuyên là người lớn ở độ tuổi nào cũng nên làm quen với việc uống bổ sung sữa. Trong giai đoạn làm việc căng thẳng, vận động thể chất nhiều, giai đoạn cơ thể mỏi mệt, cần hồi phục nhanh sau bệnh tật…, việc bổ sung thêm 2-3 ly sữa với công thức đầy đủ và cân đối lại càng quan trọng. Sữa có những ưu điểm như dễ uống, người đang mệt mỏi chán ăn vẫn uống được dễ dàng, thuận tiện sử dụng, tiết kiệm thời gian pha chế. Không chỉ có vậy, thức uống bổ sung dinh dưỡng này luôn cung cấp một cách đầy đủ và cân đối gần như mọi dưỡng chất cơ thể cần, theo tỷ lệ phù hợp đã được thử nghiệm trên các nghiên cứu khoa học.

* Một số bệnh nhân - đặc biệt là bệnh nhân ung thư - sợ uống sữa vì nghĩ sữa giúp tế bào ung thư “no đủ”, dễ phát triển hơn. Bác sĩ có lời khuyên nào về điều này?

TS.BS. Lưu Ngân Tâm: Đây là một câu hỏi thú vị và rất phổ biến mà tôi thường xuyên được hỏi trong quá trình điều trị dinh dưỡng cho bệnh nhân. Tôi đã từng thấy nhiều bệnh nhân ung thư nhịn ăn, với hi vọng nhịn ăn như vậy tế bào ung thư sẽ “chết”. Nhưng sự thật là bệnh nhân ung thư suy mòn (suy kiệt) vì thiếu hụt dưỡng chất trầm trọng hơn là suy mòn do chính khối u ung thư gây ra.

Nên nhớ, khi nhịn ăn, cơ thể vẫn sẽ sử dụng năng lượng dự trữ (mỡ và cơ của cơ thể) để chuyển hóa, tiếp tục “nuôi” các tế bào cho đến khi năng lượng dự trữ của cơ thể hoàn toàn cạn kiệt. Điều này nghĩa là tế bào ung thư không hề “chết” đi do nhịn ăn, mà hậu quả phải gánh là cơ thể kiệt sức hoàn toàn do suy mòn nặng, làm suy giảm nặng nề khả năng đáp ứng với các liệu pháp điều trị ung thư và thậm chí gây tử vong.

Lời khuyên của tôi với tất cả mọi người, kể cả bệnh nhân ung thư là hãy cố gắng duy trì dinh dưỡng cân đối và đầy đủ. Đối với bệnh nhân ung thư, trong trường hợp bệnh nhân không thể ăn được thức ăn bình thường, việc bổ sung thêm sản phẩm dinh dưỡng đầy đủ và cân đối các chất, phù hợp bệnh lý là rất cần thiết. Khi được cung cấp một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, cơ thể sẽ đủ sức chống chọi với bệnh tật và có cơ hội hồi phục tốt hơn.

* Khi chọn một sản phẩm dinh dưỡng cho người lớn nói chung, cần dựa trên những yếu tố nào, thưa bác sĩ?

TS.BS. Lưu Ngân Tâm: Trước tiên, nên ưu tiên chọn những sản phẩm dinh dưỡng của các hãng sản xuất uy tín, tuân thủ theo các tiêu chuẩn toàn cầu. Kế đến, tôi luôn khuyên chọn các sản phẩm có công thức, thành phần phù hợp với lứa tuổi, thể trạng và bệnh lý (nếu có) của mình, đã được chứng minh qua các nghiên cứu lâm sàng. Với một số người mắc đái tháo đường, bệnh nhân ung thư, sau phẫu thuật…, có thể chọn những sản phẩm với công thức chuyên biệt cho bệnh lý, qua đó giúp nâng cao thể trạng và tình trạng sức khỏe chung.

* Trước những thông tin gây băn khoăn về thành phần của thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, bác sĩ có lời khuyên gì?

TS.BS. Lưu Ngân Tâm: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dinh dưỡng, với những quảng cáo rất hấp dẫn. Bạn cần thận trọng khi lựa chọn sản phẩm cho mình hay cho người thân trong gia đình. Một sản phẩm dinh dưỡng tốt phải được nghiên cứu trên nền tảng nghiên cứu khoa học và sản xuất bởi công ty có uy tín. Đồng thời sản phẩm đó phải được kiểm nghiệm và chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền tại nước sở tại, được chứng minh là an toàn và hiệu quả trên khía cạnh nào đó đối với sức khỏe bằng các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có chất lượng. Bên cạnh đó, đối  với các sản phẩm nhập khẩu cần đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nước ta.

Trường hợp bệnh lý cần có thêm hướng dẫn của bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng để có được một sản phẩm dinh dưỡng phù hợp

* Xin cảm ơn bác sĩ.


Xuân Hoàng
Ý kiến của bạn