Hiểu đúng về bệnh do nhiễm não mô cầu

19-05-2022 15:48 | Y học 360
google news

Với diễn tiến nhanh, bệnh do nhiễm não mô cầu có thể gây tử vong, cướp đi sinh mạng của một người khỏe mạnh chỉ trong vòng 24h kể từ khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên.

Bệnh do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis (còn gọi là vi khuẩn não mô cầu) gây ra. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp... thậm chí tử vong.

Bệnh có triệu chứng sớm như đau đầu, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa… khá giống với các bệnh nhiễm siêu vi, bệnh cúm thông thường nên khó chẩn đoán chính xác trong giai đoạn sớm. Những triệu chứng không rõ ràng này thường khiến người bệnh chủ quan, không thăm khám sớm, dẫn đến các chuyển biến nghiêm trọng như nhiễm trùng màng não, tủy sống và máu, gây phù não; tổn thương thần kinh trung ương...

Khi không được điều trị kịp thời, bệnh nhân nhiễm não mô cầu sẽ bị sốc, rơi vào hôn mê và có thể tử vong chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Trẻ em mắc bệnh do nhiễm não mô cầu không kịp thời chẩn đoán và chữa trị có nguy cơ tử vong cao hoặc chịu những di chứng kéo dài.

Theo Quỹ quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (NFID), ngay cả khi được điều trị, cứ 10 người bị nhiễm não mô cầu thì có 1 người sẽ tử vong, đồng thời có đến 1/5 người sống sót bị khuyết tật vĩnh viễn như mất chi, điếc, gặp các vấn đề về hệ thần kinh hoặc tổn thương não. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ ra, tỷ lệ tử vong do nhiễm não mô cầu trong vòng 24 đến 48 giờ chiếm từ 5-10%. Tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời.

Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh cao

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cho biết, vi khuẩn não mô cầu lây lan qua việc trao đổi chất tiết đường hô hấp và họng như nước bọt hoặc khạc nhổ (ho, sống gần nhà, ôm hôn nhau.

Mặc dù bệnh ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) và thanh thiếu niên là hai nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất và dễ trở thành nguồn lây cho cộng đồng xung quanh. Nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở những nơi tiếp xúc, tụ tập đông người.  Chính vì vậy, trong bối cảnh bình thường mới, khi trẻ bắt đầu trở lại với các hoạt động tập thể, việc trò chuyện nhóm, ôm hôn, chia sẻ thức ăn, … được đánh giá là nguyên nhân chính làm lây nhiễm vi khuẩn não mô cầu.

Thanh thiếu niên có thể trở thành nguồn lây cho các thành viên khác trong gia đình. Trong đó, cứ 1 trên 5 thanh thiếu niên dù không có biểu hiện nào của bệnh nhưng lại đang mang vi khuẩn não mô cầu trong người. Nếu chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, cơ thể không đủ kháng thể bảo vệ, trẻ có thể dễ mắc các bệnh do nhiễm não mô cầu.

Vaccine giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn

Để bảo vệ và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho trẻ, phụ huynh nên hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, giữ vệ sinh cho trẻ và của chính bản thân mình, đảm bảo môi trường sống sạch sẽ thoáng mát và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cha mẹ cũng nên khuyến khích trẻ thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng và họng bằng dung dịch sát khuẩn. Đồng thời, tiêm vaccine để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ chuyển biến nặng nếu chẳng may mắc bệnh nhiễm não mô cầu. Tiêm vaccine cũng chính là chìa khóa quan trọng giúp tạo miễn dịch cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh do nhiễm não mô cầu.

Hiểu đúng về bệnh do nhiễm não mô cầu - Ảnh 1.

Tiêm vaccine giúp bảo vệ trẻ khỏi biến chứng nguy hiểm của bệnh do nhiễm não mô cầu. Ảnh: freepik.

Tại Việt Nam, có 2 loại vaccine phòng bệnh do nhiễm não mô cầu. Loại thứ nhất là vaccine ngừa não mô cầu 2 thành phần nhóm huyết thanh B, C gồm 2 liều tiêm, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều là 6 đến 8 tuần. Loại thứ hai là vaccine ngừa não mô cầu tứ giá cộng hợp A, C, W-135, Y, cần tiêm 1 liều duy nhất cho người từ 2 tuổi đến 55 tuổi và có thể tiêm 1 liều nhắc lại cho người từ 15-55 tuổi tiếp tục có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu, nếu mũi tiêm trước đây được tiêm ít nhất đã 4 năm. Trẻ từ 9 tháng đến dưới 24 tháng sẽ tiêm 2 liều cách nhau ít nhất 3 tháng.

Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để lựa chọn vaccine phù hợp cho con.


PV
Ý kiến của bạn