Hà Nội

Hiểu đúng và kiểm soát đúng cách cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành

05-05-2020 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh động mạch vành là tình trạng mạch vành tim bị nghẽn đưa đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Trong các triệu chứng của bệnh động mạch vành, đau thắt ngực là triệu chứng thường gặp và điển hình nhất.

../Desktop/Screenshot 2020-04-27 at 5.14.45 PM.png

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt:Đau ngực là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau và trên thực tế nhiều bệnh nhân đến phòng khám với triệu chứng đau ngực, nhưng 50% số đó không phải do các bệnh tim mạch. Đau thắt ngực có tính chất đặc biệt hơn. Phần lớn đau thắt ngực là do động mạch vành bởi khi mạch vành bị hẹp khiến dòng máu nuôi tim kém đi thì sẽ xuất hiện các cơn đau thắt ngực.

Đau thắt ngực bao gồm đau thắt ngực ổn định và không ổn định. Phần lớn đau thắt ngực do hẹp hoặc tắc mạch vành và chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong các bệnh lý tim mạch,trước đây bệnh lý nhiễm trùng nhiều (van tim, thấp tim) nhưng ngày nay các bệnh về tăng huyết áp và mạch vành tăng lên rất rõ.

“Khi bị bệnh động mạch vành thì sẽ mang theo bệnh đó suốt đời, nhưng hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện nay hoàn toàn có thể đưa chúng ta trở về cuộc sống bình thường mặc dù vẫn đang mang bệnh. Điều này phụ thuộc vào mức độ chúng ta bị bệnh động mạch vành như thế nào” - PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc kiến thức, cách xử trí và ứng phó khi bị đau thắt ngực tại nhà và bất kỳ đâu ngoài bệnh viện, người nhà người bệnh có thể truy cập ứng dụng NITROXIT hoặc website https://toiquantam.vn/ được phát triển bởi Hội Tim mạch học Việt Nam là 2 kênh thông tin chuyên bệnh mạch vành với đầy đủ các nội dung về nguyên nhân, triệu chứng, cách phát hiện phòng ngừa bệnh, các phương pháp để xử lý khi lên cơn đau thắt ngực cấp tại nhà, các video hướng dẫn sử dụng thuốc nitrates dưới lưỡi giúp theo dõi và kiểm soát bệnh tốt hơn.

Các thuốc điều trị bệnh tim mạch là thuốc phải kê đơn, dùng phải theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Đau thắt ngực ổn định

Các cơn đau thắt ngực ổn định thường xuất hiện ở vùng sau xương ức, nó là hậu quả của hẹp cố định động mạch vành và các mảng xơ vữa mạch vành ổn định. Cơn đau sẽ xuất hiện khi người bệnh hoạt động gắng sức hoặc gánh nặng tâm lý.

Đau thắt ngực ổn định thường làm cho người bệnh bị đau ngực đột ngột, không thể tiếp tục công việc đang làm, dừng luôn mọi hoạt động. Cảm giác đau tức ngực như có gì bóp chặt, đè nặng vùng sau xương ức hoặc phía bên quả tim. Cơn đau có thể lan sang 2 bên vai, lên 2 bên quai hàm dưới ra phía trong tay trái hay lên cổ. Cũng có một vài trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy đau ở bên phải, vùng thượng vị, khiến nhầm lẫn thành cơn đau dạ dày cấp.

Đối với những cơn đau thắt ngực ổn định thì người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi điều độ, giúp cho nhịp tim chậm lại thì động mạch vành sẽ đáp ứng được nhu cầu oxy của cơ tim và làm giảm hẳn các cơn đau.

Đau thắt ngực không ổn định

Ngược lại, đau thắt ngực không ổn định hay còn gọi là hội chứng mạch vành cấp xuất hiện do sự giảm đột ngột máu đến nuôi cơ tim mà nguyên nhân thường là do nứt vỡ mảng xơ vữa dẫn đến bít tắc đột ngột toàn bộ hoặc một phần lòng mạch. Đây là tình huống cần được cấp cứu khẩn cấp vì nó vô cùng nguy hiểm và  người bệnh tử vong đột ngột nếu không cấp cứu kịp thời. Ngay cả khi được cấp cứu kịp thì khả năng bị di chứng về sau cũng khá nặng nề

Chuyên gia tim mạch cho biết, triệu chứng đau thắt ngực không ổn định thường dữ dội, kéo dài hơn so với đau thắt ngực ổn định. Các cơn đau sẽ có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ đau tăng dần, có thể trở nên tồi tệ hơn trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Chia sẻ về những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng - tư vấn thêm:Bệnh động mạch vành gặp ở các đối tượng nguy cơ như người già, gia đình có người mắc bệnh hoặc người có lối sống không lành mạnh, ít vận động, thừa cân béo phì,…Hiện nay bệnh động mạch vành không chỉ gặp ở người có tuổi mà có xu hướng trẻ hóa, bị bệnh từ sớm, đặc biệt ở người có tiền sử hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, béo phì… Do đó bệnh này ai cũng có thể mắc và người có yếu tố nguy cơ như kể trên thì càng dễ mắc.”

GS.TS Nguyễn Lân Việt cũng tư vấn thêm:" Càng lớn tuổi các mạch vành càng hẹp nhiều, tỷ lệ mắc bệnh mạch vành càng nhiều hơn, điều nguy hiểm hơn là hiện nay kể cả người trẻ cũng mắc, chúng tôi đã gặp bệnh nhân có 27-28 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim. Bệnh mạch vành về nguyên tắc có thể phòng tránh được."

Trong quản lý điều trị bệnh động vành, có những giải pháp để phòng ngừa, kiểm soát triệu chứng đau thắt ngực, qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Cụ thể như dùng thuốc quản lý triệu chứng theo đơn bác sĩ kê, can thiệp mạch vành hay phẫu thuật.

Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn có thuốc đang ngậm hoặc xịt dưới lưỡi để kiểm soát triệu chứng nhanh chóng. Người bệnh nên mang theo bên mình để sẵn sàng tự kiểm soát cơn đau thắt ngực trong mọi tình huống kể cả di chuyển trên máy bay, tàu xe, đang đi du dịch...

Theo bác sĩ Hội Tim mạch Học Việt Nam, việc hướng dẫn dùng thuốc trong tình huống khẩn cấp rất cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh. Chẳng hạn, với dạng xịt dưới lưỡi, bệnh nhân cần ngồi ổn định, cầm lọ thuốc theo chiều thẳng đứng, xịt từ 5 đến 7 nhát ra ngoài không khí (để chắc chắn vòi xịt thuốc được làm đầy với dung dịch thuốc). Tiếp theo, bệnh nhân há miệng và để lọ thuốc gần nhất có thể, nhằm vào phía dưới lưỡi, dùng ngón trỏ ấn mạnh nút lọ để bơm thuốc vào dưới lưỡi.

Khi thuốc đã được đưa vào dưới lưỡi thì ngậm miệng lại ngay lập tức, lưu ý, bệnh nhân không được hít thuốc vào đường thở. Nếu sau 5 phút cơn đau vẫn chưa cải thiện, có thể thực hiện tiếp quá trình này một lần nữa. Bệnh nhân chỉ nên dùng tối đa 3 nhát xịt trong vòng 15 phút, sau 3 lần xịt cơn đau không kết thúc, cần nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế để nhận trợ giúp.

>> Xem thêm: Đầy đủ tư vấn “Ứng Phó Với Cơn Đau Thắt Ngực” từ GS Nguyễn Lân Việt và PGS Phạm Mạnh Hùng


Ý kiến của bạn