Hiện nay, nhiều người chuộng sử dụng, uống theo kiểu “uống triền miên, uống không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”.
Dầu cá thông dụng hiện nay chia là 2 loại: “dầu cá chứa vitamin tan trong dầu là vitamin A, D” và “dầu cá chứa acid béo omega-3”.
Omega 3 thực chất là chất béo và dầu cá omega-3 có tên như thế vì có chứa acid béo không no chứa một nối đôi có tên là acid omega-3 và thường chứa trong dầu gan cá.
Omega-3 không phải chỉ là một chất, mà là một nhóm acid béo không bão hòa.
Có ba loại acid béo omega-3 liên quan đến sinh lý hoạt động của con người là axít -linolenic (ALA),được tìm thấy trong dầu thực vật, eicosapentaenoic acid (EPA) và docosahexaenoic acid (DHA) tìm thấy trong cá ở vùng biển lạnh và sâu. Acid béo omega-3 cũng có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm khác nữa.
Các loại omega-3 là EPA và DHA là 2 loại có lợi cho sức khỏe nhất. Cơ thể chỉ có thể biến đổi một số lượng nhỏ ALA thành EPA và DHA.Cơ thể người thường không tổng hợp được cả ba loại acid béo vừa kể, mà phải lấy từ nguồn thực phẩm.
Chất béo chứa một nối đôi là omega-3 được xem là tốt cho tim mạch do dùng nó đúng liều có thể làm giảm cholesterol xấu trong máu xuống mà không ảnh hưởng đến cholesterol tốt. Nhiều công trình nghiên cứu còn chứng tỏ bổ sung EPA, DHA đúng liều, đúng cách có thể làm giảm lượng triglycerid máu, làm giảm tỷ lệ bệnh động mạch vành, giảm tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim..
Vì những lẽ vừa nêu, có khuyến cáo người bình thường mỗi ngày nên dùng chất béo không no chứa một nối đôi lên đến 15% tổng năng lượng do khẩu phần ăn mang đến. Thậm chí, để có lợi cho sức khỏe, có thể thay thế chất béo bão hòa và chất béo không no chứa nhiều nối đôi bằng chất béo không no chứa một nối đôi.
Dầu cá chứa omega-3 hiện nay được lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng (TPCN). Hiện có 2 loại TPCN chứa omega-3: loại dầu cá thiên nhiên chứa acid béo ở dạng triglycerid (acid béo kết hợp với glycerol) và loại dầu cá chế biến chứa acid béo ở dạng ethyl ester (acid béo kết hợp với ethanol).
Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên nên ăn cá ít nhất hai lần trong tuần
Như vậy, ăn uống đầy đủ, đa dạng và cân bằng tỷ lệ các chất dinh dưỡng nhiều khi không khác gì dùng TPCN, vì thực chất đa số TPCN đều bắt nguồn và chế biến từ thực phẩm.
Nhiều chuyên gia cho rằng ăn cá, nhất là cá biển tốt hơn dùng dầu cá.Nếu có điều kiện về tài chính, có thể dùng các loại TPCN thuộc loại hỗ trợ, bồi dưỡng như dầu cá chứa omega-3 (dùng bổ sung vì sợ ăn uống thiếu) với ý thức thận trọng như dùng thuốc. Chứ không dùng theo kiểu “phong trào uống omega-3, uống triền miên để không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”.
Cần mua chế phẩm có nguồn gốc rõ ràng, ở nơi có địa chỉ cụ thể như nhà thuốc.Nếu đang được điều trị bệnh bởi bác sĩ, nên thông báo bác sĩ biết để có ý kiến về việc dùng TPCN là omega-3.
Trong trường hợp nghi ngờ bị rối loạn mỡ máu, tốt nhất không mua dầu cá omega-3 về tự chữa bệnh.Mà nên đi khám ở bác sĩ, khi đó bác sĩ khám và chỉ định làm những xét nghiệm đầy đủ để đánh giá tình trạng mỡ trong máu. Việc dùng thuốc trị rối loạn lipid huyết (hay thuốc hạ mỡ máu) hay dùng những chế phẩm hỗ trợ hoàn toàn tùy thuộc vào bác sĩ khám và điều trị cho bạn.
. Dùng dầu cá được ghi là TPCN, ta vẫn phải dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn, mới an toàn. Hiện nay có tình trạng nhờ quảng cáo, tiếp thị rầm rộ nên nhiều người cả tin, cứ tưởng TPCN là “thần dược” chữa bá bệnh. Như có người uống “dầu cá omega-3” trong suốt cả một năm với hy vọng là giúp “mỡ trong máu” tốt nhưng không ngờ khi khám sức khỏe, bị rối loạn lipid máu, tức mỡ trong máu, trong đó cholesterol, tăng cao. Ở đây, đương sự không biết “dầu cá” chỉ có tác dụng hỗ trợ, còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu có chế độ dinh dưỡng không tốt, ăn quá thừa năng lượng như ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều bia rượu, hoặc người đó đã nhuốm bệnh gọi là rối loạn lipid máu dù uống bao nhiêu dầu cá người đó vẫn bị tăng mỡ máu như thường.
Do những lợi ích đã được chứng thực, Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên nên ăn cá ít nhất hai lần trong tuần (loại cá trong mỡ có chứa acid omega-3). Người ta nhận thấy người Eskimo hiếm bị bệnh động mạch vành (động mạch vành bị hẹp bít do cặn mỡ) vì dân tộc này ăn rất nhiều cá có chứa acid béo omega-3, kể cả omega-6.
Dùng omega-3 liều cao để trị bệnh cần có chỉ định của bác sĩ.