Hiểu biết về rối loạn nhân cách Paranoia: Hóa giải nhiều xung đột trong cuộc sống

15-01-2015 22:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Do ảnh hưởng trực tiếp từ các nét tính cách trên mà dẫn đến những hậu quả cho bệnh nhân là: sự kém hay không thích ứng với cuộc sống xã hội.

Tiếp theo số 8

Do ảnh hưởng trực tiếp từ các nét tính cách trên mà dẫn đến những hậu quả cho bệnh nhân là: sự kém hay không thích ứng với cuộc sống xã hội. Bệnh nhân thường sống cô độc, ít quan hệ xã hội, ít quan hệ tình cảm. Họ thường hay gặp phải các xung đột với những người đại diện chính quyền (đồng nghiệp, thủ trưởng...). Họ thường có xu hướng thiên về các hoạt động biểu lộ sự quá khích như: cuồng tín, say mê chính trị hay tôn giáo, tham gia vào các giáo phái bí mật một cách kiên trì nồng nhiệt... Tuy nhiên, do lối sống cách li nên một số người có khả năng tự học rất tốt, có khả năng trí tuệ cao nên có những thành công về mặt xã hội một cách đáng kinh ngạc. Các rối loạn của bệnh nhân thường mang tính chất khu vực, tức là có khi chỉ ảnh hưởng đến một lĩnh vực nào đó trong đời sống sinh hoạt còn các mặt khác vẫn hoạt động bình thường.

Có thể dùng thuốc ít tác dụng phụ khi bệnh nhân bị kích động hay lo âu.

Các biến chứng của RLNC Paranoia

Trong cuộc đời của bệnh nhân thường hay gặp phải những biến chứng sau:

- Bệnh nhân gặp phải những vấn đề như xung đột vợ chồng, xung đột với đồng nghiệp và gặp rắc rối với chính quyền dễ dẫn đến những hành vi tấn công gây thương tích, thậm chí giết người liên quan đến pháp y tâm thần.

- Bệnh nhân thường có phản ứng thái quá do ghen tuông bệnh lý dẫn đến bạo hành, nhất là khi bệnh nhân lạm dụng rượu, nghiện rượu.

- Họ dễ bị trầm cảm do không đạt được những đòi hỏi vô lý, đôi khi bệnh nhân tự sát vì thất vọng hay để chứng minh cho mọi người thấy lý tưởng của mình.

- Đôi khi RLNC tiến triển nặng tới mức hoang tưởng dẫn đến phải nhập viện điều trị.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân khi lớn tuổi và trong điều kiện môi trường thuận lợi ít xung đột, các nét tính cách khác thường dần giảm đi nhiều và có một cuộc sống gia đình xã hội chấp nhận được.

Điều trị rối loạn nhân cách Paranoia

Thực sự đây là một trong những dạng rối loạn nhân cách khó điều trị nhất, đúng như câu ngạn ngữ: “Giang sơn dễ đổi bản tính khó dời’’. Tuy nhiên, sự lựa chọn hàng đầu trong điều trị RLNC Paranoia là liệu pháp tâm lý cá nhân vì các bệnh nhân này thường phản ứng xấu với liệu pháp nhóm, các liệu pháp hành vi và các liệu pháp thâm nhập quá sâu vào cuộc sống đời tư của bệnh nhân. Với bệnh nhân RLNC kiểu này, người làm liệu pháp tâm lý phải luôn thẳng thắn và trung thực trong định hướng của mình. Khi đối mặt với sự kết tội hoặc khi phạm một sai lầm đáng ra không xảy ra thì nhà liệu pháp tâm lý thừa nhận sai lầm và xin lỗi sẽ tốt hơn việc giải thích các sai lầm đó bởi trong thực tế, sự tin tưởng và khoan hồng tha thứ ở bệnh nhân này là không có. Cũng phải coi chừng sự lý giải phân tích quá vội vàng có thể dễ dàng gây phản ứng nghi ngờ ở bệnh nhân RLNC Paranoia. Đôi khi các hành vi của bệnh nhân có thể quá đe dọa đến mức nhà liệu pháp tâm lý phải kiểm soát và đặt lại giới hạn với bệnh nhân. Việc phê phán sự kết tội phải gắn liền với thực tế rõ ràng chắc chắn nhưng không mang tính làm nhục bệnh nhân. Nhà trị liệu tâm lý luôn giữ vai trò trung lập khi tiếp cận với bệnh nhân không ủng hộ cũng như không coi thường các ý tưởng lệch lạc của bệnh nhân. Với những bệnh nhân bị RLNC Paranoia, điều đáng sợ với họ khi nghĩ rằng những người mang đến sự giúp đỡ cho họ là những người yếu đuối, kém cỏi hơn họ.

Trong trường hợp bệnh nhân kích động hay lo âu, người ta có thể dùng thuốc. Thuốc thường ưa dùng là các thuốc bình thần nhóm benzodiazepin hoặc các an thần kinh liều thấp như melleril, haldol... có tác dụng tốt cho kích động và những ý tưởng gần giống hoang tưởng của bệnh nhân. Chú ý, các thuốc dùng phải ít gây tác dụng phụ nếu không bệnh nhân sẽ chống đối, bỏ điều trị.

BS. Lê Đào Nghĩa (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương)

 

 


Ý kiến của bạn