Rối loạn nhân cách này có những đặc điểm nổi bật sau: tính đa nghi và dễ tự ái quá, phán đoán sai lầm khó có thể phê phán được, sự tự đánh giá cao bản thân thái quá.
Những bệnh nhân này thường từ chối việc họ có thể sai lầm và họ dễ dàng kết tội người khác. Loại bệnh nhân này có những nét tính cách là nguyên nhân dẫn đến những rối loạn hành vi được mô tả với những thuật ngữ kinh điển sau: Nhân cách hiếu chiến hay kiện cáo, dễ dàng tham gia vào các vụ kiện kéo dài; Lý tưởng hóa đam mê điên cuồng hay còn gọi là nhân cách luôn đòi hỏi mong chờ hi vọng không tưởng. Họ thích bới lông tìm vết tìm cái sai, thích làm sáng tỏ công lý, hay sùng đạo quá mức; Ghen tuông vô lý. Người ta thấy những người bị RLNC kiểu này hiếm khi tự đi khám bệnh. Thường thì chính người xung quanh như: vợ, chồng, thủ trưởng… yêu cầu họ phải đi khám vì những tình huống mà họ gây ra làm cho mọi người không chịu nổi.
RLNC Paranoia thường hay gặp ở nam nhiều hơn nữ. Người ta không thấy yếu tố gia đình cũng như không thấy mối liên hệ của RLNC này với bệnh tâm thần phân liệt. Những RLNC này hay gặp nhiều hơn một chút ở các cộng đồng thiểu số, ở những người nhập cư và cũng hay gặp ở những người khiếm thính và những người sống trong một chế độ chuyên chế giáo điều cứng nhắc thiếu dân chủ…
Các đặc điểm lâm sàng của rối loạn nhân cách Paranoia
Tính đa nghi và tự ái quá mức: Điều này dẫn đến việc lý giải hoàn toàn sai lệch các hành vi, cử chỉ, lời nói của người khác, các biểu hiện bình thường này được quy kết cho là làm nhục hay đe dọa… Bệnh nhân luôn sống trong sự lo sợ nghi ngờ bị người khác lừa gạt, từ đó dẫn đến các mối nghi ngờ đối với bạn bè, đồng nghiệp và bạn tình. Họ dễ dàng cảm thấy bị phật ý mất lòng, dễ dàng biểu lộ tự ái và có thể phản ứng một cách quyết liệt như: nổi khùng, kích động tấn công hay thù hận dai dẳng. Do luôn nghi ngờ như vậy nên bệnh nhân luôn luôn ở trong trạng thái tâm thần “tỉnh táo cảnh giác quá mức”.
Sự phán đoán sai lầm khó có thể phê phán được: Sự phán đoán này dẫn đến những lý giải lệch lạc, vô lý và thường bất chấp thực tế. Bệnh nhân thường phán đoán theo một logic riêng để bảo vệ quan điểm và những nghi ngờ của riêng mình. Người ta gọi là hiện tượng logic lệch lạc của tư duy không thể khắc phục được. Từ đó, họ từ chối tất cả những phê bình. Có tác giả gọi là sự cứng nhắc tâm thần.
Sự tự đánh giá cao bản thân quá mức: Đây là một nét cơ bản làm cho bệnh nhân luôn có sự đánh giá hay đề cao quá mức bản thân và dẫn đến cảm giác tự tôn và tính cách độc tài chuyên chế và ngạo mạn của họ. Chính sự chắc chắn quá mức về bản thân làm cho bệnh nhân ít có khả năng tự phê phán. Họ luôn chắc chắn về quyền chính đáng về tính đúng đắn trong quan điểm của họ mà họ muốn thực hiện sự chia sẻ hay áp đặt quan điểm này cho người khác. Nếu ai phản đối thường họ biểu lộ sự coi thường khinh miệt. Những người thân thường là những người phải chấp nhận sự độc đoán của họ. Người ta nhận thấy cảm xúc của bệnh nhân thường thu hẹp. Họ có vẻ lạnh lùng, xa cách, không có khả năng hài hước vui đùa. Họ luôn tỏ ra mình là người khách quan và hợp lý trên mọi phương diện. Nhưng bên dưới vẻ lạnh lùng xa cách là một sự kìm nén cảm xúc và căng thẳng cao độ. Nhưng đôi khi một số trường hợp che giấu sự kiêu ngạo của mình với biểu hiện bề ngoài giả khiêm tốn thái quá.
BS. Lê Đào Nghĩa (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương)