Hiểu biết về PrEP hạn chế nguy cơ không tuân thủ điều trị

07-06-2024 13:56 | Dược

SKĐS – Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang, hiểu biết về PrEP còn giúp hạn chế một số nhóm cộng đồng, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nhóm MSM, nghiện chích ma túy, người bán dâm… không tuân thủ điều trị.

1. PrEP là gì?

ThS. BS. Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, PrEP viết tắt từ cụm từ tiếng Anh (Pre-Exposure Prophylaxis), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nó cũng có nghĩa là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV, nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao.

Tác dụng của PrEP là làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các nghiên cứu khoa học đã chứng minh PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt.

Hiện PrEP là 1 trong các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả, đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

2. Khách hàng thiếu kiến thức và mô hình cung cấp dịch vụ thân thiện hạn chế… dẫn tới không tuân thủ điều trị PrEP

Hiểu biết về PrEP hạn chế nguy cơ không tuân thủ điều trị- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Minh Trí - Khoa phòng,chống HIV/AIDS - Lao - Da Liễu - CDC tỉnh An Giang.

Ông Huỳnh Minh Trí - Khoa phòng, chống HIV/AIDS - Lao - Da Liễu - CDC tỉnh An Giang cho biết, hiện An Giang đã triển khai PrEP tại 12 cơ sở y tế nhà nước và 2 cơ sở y tế tư nhân ở 11 huyện, thị xã, thành phố.

Tính đến cuối quí 1/2024, lũy tích khách hàng điều trị PrEP là 1.487 lượt khách hàng tại các phòng khám cố định. Hơn 70% số khách hàng là MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) đang sử dụng PrEP. Số khách hàng duy trì PrEP trên 3 tháng đạt 83,9%.

Báo cáo của Trung tâm y tế TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) cũng cho thấy, đến 30/4/2024, lũy tích khách hàng điều trị PrEP là 278, thu dung sử dụng PrEP mới (4 khách hàng), duy trì điều trị PrEP trên 3 tháng (45 khách hàng), hiện còn nhận thuốc (46 khách hàng) và bỏ nhận thuốc (232 khách hàng)…

Theo ông Huỳnh Minh Trí, nguyên nhân không tuân thủ điều trị PrEP là do khách hàng còn thiếu kiến thức về PrEP nên chưa thấy được lợi ích của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

Khách hàng điều trị PrEP phần lớn thuộc đối tượng trẻ, di biến động, quan điểm PrEP chỉ là dự phòng (nên coi thường), dẫn đến bỏ trị, không tái khám đúng hẹn, nhất là nhóm sử dụng PrEP tình huống. Một số khách hàng lấy PrEP hàng ngày dùng sang PrEp tình huống.

Bên cạnh đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử, tự kỳ thị vẫn còn, đặc biệt trong nhóm MSM, dẫn đến hạn chế tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV nói chung và PrEP nói riêng và còn thiếu các mô hình cung cấp dịch vụ thận thiện với cộng đồng đích.

3. Có tự ý ngừng PrEP được không?

ThS. BS. Đỗ Hữu Thủy cho biết, người được chỉ định dùng PrEP là những người có đủ các tiêu chí sau đây:

- HIV âm tính;

- Không có triệu chứng của Hội chứng nhiễm HIV cấp;

- Có nguy cơ cao nhiễm HIV, cụ thể là có một trong các yếu tố dưới đây trong vòng 6 tháng qua:

  • Quan hệ tình dục đường hậu môn hoặc âm đạo mà không sử dụng bao cao su với từ hai bạn tình trở lên;
  • Có bạn tình có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao nhiễm HIV hoặc không rõ yếu tố nguy cơ nhiễm HIV;
  • Có bạn tình nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV > 200 bản sao/mL hoặc chưa được xét nghiệm tải lượng HIV;
  • Có tiền sử mắc hoặc đang điều trị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục;
  • Đã từng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) và vẫn có hành vi nguy cơ cao;
  • Dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích;

Như vậy đối tượng có chỉ định sử dụng PrEP là khá rộng, tuy nhiên trên thực tế người sử dụng PrEP thuộc nhóm MSM chiếm một tỷ lệ khá lớn. Do PrEP dùng để dự phòng lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, do vậy nếu một người đang dùng PrEP có thể ngừng sử dụng khi:

- Khách hàng không còn nguy cơ nhiễm HIV (chung thủy một bạn tình, bạn tình có tải lượng HIV < 200="" bản="" sao/ml="">

- Khách hàng có xét nghiệm HIV dương tính.

- Khách hàng tuân thủ kém hoặc muốn ngừng PrEP…

Do việc ngừng PrEP dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV, nên mọi khách hàng muốn ngừng PrEP cần hỏi ý kiến của bác sĩ để được tư vấn trước khi dừng.

4. Giải pháp tăng tiếp cận với PrEP dự phòng lây nhiễm HIV

Hiểu biết về PrEP hạn chế nguy cơ không tuân thủ điều trị- Ảnh 2.

Tư vấn cho khách hàng là MSM về PrEP tại Trung tâm y tế TP. Long Xuyên. Ảnh: Thu Hương.

PrEP là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV có điều kiện, tức là sử dụng thuốc ARV để dự phòng. Do vậy việc sử dụng hoặc dừng thuốc cũng cần có chỉ định và tư vấn của thầy thuốc.

Đây là biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV rất có hiệu quả, do vậy cần tăng cường truyền thông và tư vấn cho khách hàng nói chung và nhóm MSM nói riêng, hiểu biết để sử dụng và tuân thủ điều trị để đạt được mục tiêu dự phòng lây nhiễm HIV, ThS. BS. Đỗ Hữu Thủy nói.

Theo Nguyễn Hoàng Thái (sinh 2006), hiện đang học lớp 12 tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), là MSM đang sử dụng PrEP, hiện nhiều khách hàng vẫn còn tin tưởng bạn tình, nên không dùng PrEP, do đó cần có những khóa học về tình dục an toàn trong lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Tại An Giang, thời gian tới, sẽ tập trung hơn nữa vào các phương pháp tiếp cận truyền thông mới qua mạng xã hội, livestream, tăng cường công tác truyền thông trong trường học, trường đại học, cao đẳng và các khu công nghiệp trên địa bàn, truyền thông trực tiếp nhóm nhỏ tới nhóm có nguy cơ cao như MSM… để cung cấp kiến thức về dự phòng lây nhiễm HIV nói chung và điều trị PrEP nói riêng, ông Huỳnh Minh Trí cho biết.

Mời độc giả xem thêm:

Thuốc tiêm PrEP kéo dài nhiều lợi ích trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDSThuốc tiêm PrEP kéo dài nhiều lợi ích trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS

SKĐS - Việt Nam đã thực hiện một công việc đáng kinh ngạc khi có thể cung cấp dịch vụ chẩn đoán và điều trị HIV phổ cập cũng như đưa ra biện pháp can thiệp kết hợp.

Thu Hương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn