Hà Nội

Hiệp ước kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược: Tín hiệu tốt lành từ Nga - Mỹ

22-10-2020 21:17 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sau động thái của Nga về việc sẵn sàng “đóng băng” kho đầu đạn hạt nhân của mình để gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược (New START) với Mỹ, 2 cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới tuyên bố đang tiến gần hơn tới thỏa thuận. Hiệp ước START là mối ràng buộc cuối cùng còn sót lại giữa Nga và Mỹ trong việc kiểm soát vũ khí.

Tín hiệu tích cực

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết, “Nga sẽ gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược (New START) thêm 1 năm nữa và sẵn sàng cùng Mỹ thực hiện cam kết đóng băng số lượng đầu đạn hạt nhân mà 2 bên đang nắm giữ đến thời điểm này”. Tuy nhiên, tuyên bố cũng kèm theo điều kiện nếu Mỹ không có thêm yêu cầu bổ sung nào.

Đáp lại, Washington cho biết họ đã sẵn sàng tiến tới thỏa thuận gia hạn New START. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ  Morgan Ortagus nói: “Chúng tôi đánh giá cao việc Nga đạt được tiến bộ trong vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân... Mỹ đã sẵn sàng để hoàn tất thỏa thuận”. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ được cả thể giới trông đợi và Hiệp ước New START giữa Nga và Mỹ sẽ hết hạn vào đầu tháng 2/2021.

Hiệp ước mà 2 bên đã ký vào năm 2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2/2011, có thể được gia hạn thêm 5 năm sau khi hết hạn với điều kiện cả 2 bên cùng thống nhất. Tuy nhiên, sau nhiều tháng ròng đàm phán, cả Nga và Mỹ  không tìm được tiếng nói chung.

Chỉ chưa đầy 1 tuần trước, Mỹ vẫn từ chối đề xuất gia hạn New START thêm 1 năm bởi lý do Nga không “đóng băng” toàn bộ đầu đạn hạt nhân và ý định của Mỹ về việc đưa Trung Quốc trở thành một phần của hiệp định nhằm kiểm soát vũ khí rộng hơn không thành. Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn cấp cao Mỹ, New START “sai sót” và “bất lợi” cho Mỹ vì nó không liệt kê đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân của Nga. Theo số liệu của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga là quốc gia sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới với 6.370 đầu đạn hạt nhân, Mỹ đứng thứ 2 với 5.800, trong khi Trung Quốc ở vị trí thứ 3 với 320 đầu đạn.

Hiệp ước kiểm soát vũ khí tiến công chiến lượcTên lửa hạt nhân chiến lược của Nga xuất hiện tại một buổi duyệt binh hồi tháng 6/2020 ở Moscow.

Nếu New START hết hạn, Nga và Mỹ sẽ không bị ràng buộc bởi các hiệp ước kiểm soát vũ khí song phương dẫn tới nguy cơ leo thang căng thẳng giữa 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Nga V.Putin đã nhiều lần cảnh báo rằng thời điểm New START hết hạn sẽ báo hiệu bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Số phận của New START sẽ đi về đâu?

Hiệp ước New START là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Nga và Mỹ sau khi cả Moscow và Washington đã rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung vào tháng 8/2019. New START được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev ký kết năm 2010. Hiệp ước cho phép mỗi quốc gia không được triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 tên lửa và máy bay ném bom cùng hàng loạt yêu cầu xác minh nghiêm ngặt.

Việc các bên đồng ý kéo dài thực thi Hiệp ước New START thêm 1 năm là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn chưa có gì chắc chắn rằng 2 bên sẽ nhanh chóng đi đến một thỏa thuận mới. Nếu thỏa thuận gia hạn được ký kết trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11, nó sẽ trở thành một thành tựu ngoại giao của Chính quyền Tổng thống D.Trump. Ngược lại, nếu Mỹ có Tổng thống mới là ông Joe Biden - người theo đuổi quan điểm “duy trì sự ổn định chiến lược” - quan hệ Nga và Mỹ có thể sẽ “rẽ sang một hướng  khác” dễ dàng hơn. Ứng viên đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden từng tuyên bố sẽ không ngần ngại đồng ý với đề xuất ban đầu của Tổng thống Nga V.Putin về việc gia hạn New START thêm 5 năm mà không kèm theo bất cứ một điều kiện nào, sau đó sẽ tính tới hiệp ước tiếp theo. Theo các nhà phân tích, mục tiêu cuối cùng của việc gia hạn này sẽ giúp “câu giờ” cho một hiệp ước mới trong tương lai thay thế cho New START.

Việc Nga phát tín hiệu tốt lành có đồng nghĩa với “số phận” của New START đã được định đoạt? Nhìn sâu sa, việc gia hạn New START sẽ không giải quyết được vấn đề kiểm soát vũ khí mà Mỹ đang phải đối mặt. Điều chắc chắn rằng, để đi đến lễ ký gia hạn thỏa thuận này không phải là một con đường bằng phẳng...


Trần Hải
Ý kiến của bạn