Hiệp ước INF sụp đổ: Nguy cơ chạy đua vũ trang mới

07-08-2019 07:24 | Quốc tế
google news

SKĐS - Việc cả Nga và Mỹ cùng rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ngày 2/8 cho thấy một thực tế Hiệp ước trên đã sụp đổ hoàn toàn và nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã quay trở lại.

Không khí căng thẳng đang nóng dần lên trong những ngày gần đây giữa hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ đã thực hiện chiến dịch tuyên truyền cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận INF. Tuyên bố này cho rằng việc Mỹ từ bỏ INF là vì lợi ích riêng chứ không phải do những cáo buộc Nga vi phạm. Trước đó, phát biểu trên đường tới Bangkok (Thái Lan) dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi INF.

Nga - Mỹ căng thẳng vì INF (ảnh minh họa).

Nga - Mỹ căng thẳng vì INF (ảnh minh họa).

INF được Mỹ và Liên Xô cũ ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500km). Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729”, đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.

Hiệp ước INF, từng được xem là một trong những “hòn đá tảng” giúp duy trì an ninh và sự ổn định chiến lược toàn cầu, đã “vỡ vụn” ngày 2/8 khi Mỹ chính thức rút khỏi. “Cái kết buồn” này phản ánh một thực tế rằng Nga và Mỹ đã không thể tìm được tiếng nói chung qua đối thoại để “cứu” INF. Có vẻ lập trường cứng rắn của cả hai khiến các cuộc thương lượng kéo dài 6 tháng qua kể từ thời điểm Mỹ “kích hoạt” thủ tục rút khỏi INF ngày 2/2, không đem lại kết quả, thậm chí còn có nguy cơ ảnh hưởng tới Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới sẽ hết hiệu lực năm 2021.

INF là thỏa thuận kiểm soát vũ khí đầu tiên và duy nhất đến nay loại bỏ hoàn toàn một loại vũ khí hạt nhân, khi yêu cầu hai cường quốc Nga - Mỹ thủ tiêu các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn 500-5.500km, nhất là loại tên lửa tầm trung có thể thực hiện đòn tấn công hạt nhân mang tính hủy diệt trên toàn lãnh thổ châu Âu trong thời gian chỉ chưa đầy 6 phút, khiến quốc gia bị tấn công gần như không có cơ hội đáp trả. Vì vậy, việc đạt được INF từng được đánh giá là thành công lớn nhất về kiểm soát vũ khí của thời kỳ “Chiến tranh Lạnh” và hiệp ước cũng được xem như “tấm khiên” bảo đảm an ninh và ổn định ở châu Âu, cũng góp phần vun đắp nền tảng cho hòa bình thế giới. INF đã phát huy vai trò tích cực đối với việc thúc đẩy kiểm soát vũ khí trên thế giới với việc hai bên phá hủy hơn 2.600 tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, cả Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF, đồng thời cũng nhiều lần đe dọa rút khỏi hiệp ước này. Nga nghi ngờ các loại vũ khí Mỹ bố trí ở Đông Âu vi phạm hiệp ước. Trong khi đó, Mỹ cũng nghi ngờ Moskva phát triển các loại vũ khí vượt qua các hạn chế theo quy định của INF. Mặt khác, Mỹ cho rằng việc chịu sự ràng buộc của INF phần nào hạn chế khả năng của Washington trong việc đối phó với những nguy cơ từ các quốc gia “đối thủ địa chính trị” sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Giới chức Mỹ nhiều lần lên tiếng coi các lực lượng tên lửa của Trung Quốc, chủ yếu là tên lửa hành trình có thể mang đầu đạn hạt nhân, là mối đe dọa an ninh của Mỹ, khiến Mỹ phải nới lỏng ràng buộc của mình trong việc phát triển và bố trí tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Dù Mỹ và Nga đều đưa ra lý do nhưng việc IMF bị “khai tử” cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết, nó sẽ khoét sâu thêm sự nghi kỵ vào thù địch giữa Nga và Mỹ nói riêng, Nga và phương Tây nói chung, thậm chí có thể dẫn tới “cuộc chiến tranh Lạnh quy mô nhỏ”. Tuy nhiên, một cuộc chạy đua vũ trang mới không chỉ có sự tham gia của Nga và Mỹ, mà sẽ kéo theo các cường quốc khác, đe dọa an ninh châu Âu cũng như sự ổn định chiến lược toàn cầu. Châu Âu được dự báo sẽ là nơi tích tụ các loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp như hiện nay, INF đổ vỡ đã tạo ra một điểm nóng bất ổn mới với hậu quả khó kiểm soát, trong đó tương lai của START mới, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hay Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT) đều trở nên bấp bênh.


N.Minh
Ý kiến của bạn