Không còn giới hạn ràng buộc, thế giới sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn
Vậy là kịch bản không mong đợi nhất đã xảy ra, cả hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đã rút khỏi Hiệp ước về các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ngày 1 /2 , Mỹ tuyên bố rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, và yêu cầu Nga phá hủy các tên lửa vi phạm hiệp ước. Tuy nhiên khi chưa hết thời hạn này, vào những ngày đầu của tháng 3, Nga đã có “câu trả lời” cho Mỹ - rút khỏi INF.
Thậm chí trong tuyên bố sau đó, Tổng thống Nga V.Putin còn khẳng định sẽ không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ quân bị. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhiều thập kỷ sau, căng thẳng giữa Nga và Mỹ lại “ nóng” trở lại. Mặc dù ngay sau đó, Mỹ đã cho biết sẽ đàm phán với Nga kèm theo một số điều kiện.
Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ ký Hiệp ước INF năm 1987.
Những tuyên bố của người đứng đầu nước Nga cho thấy, Nga đang sẵn sàng hơn bao giờ hết, chuẩn bị cho một cuộc đối đầu có thể xảy ra. Tiến sĩ Stephen Blank, thành viên cao cấp tại Hội đồng Chính sách đối ngoại của Mỹ cho rằng, có nhiều lý do để tin rằng nước Nga đang diễn tập cho một kịch bản chiến tranh toàn cầu.
Hiệp ước INF mất tới 7 năm đàm phán để đi đến ký kết giữa Nga và Mỹ, nay “tan tành khói lửa” đe dọa sự an nguy của cả thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu. Đến thời điểm này, người ta lại đặt ra câu hỏi, có cách nào hồi sinh INF? Quốc gia nào sẽ là nước tiên phong?
Có , mặc dù khả năng là rất thấp. Không phải Nga hay Mỹ là những nước sẽ quay lại với INF, có chăng chỉ có NATO sẽ là cơ quan góp tiếng nói đầu tiên với Nga và Mỹ. Bởi hiện nay, việc khai tử INF dẫn tới nguy cơ đe dọa an ninh, cao nhất chính là các nước châu Âu. Không còn cách nào khác, các nước châu Âu sẽ phải tìm cách “sống chung với lũ” , khi đứng giữa hai quốc gia đang gia sức phát triển vũ khí đối phó nhau.
Những gì sẽ xảy ra trong tương lai?
Cựu sĩ quan tình báo Mỹ, chuyên gia vũ khí hạt nhân của đại học Monash Maria Rublee cho rằng, nếu các bước đi ngoại giao thất bại, một cuộc chạy đua vũ trang sẽ xảy ra trong thế kỷ 21. Hiện lúc này, cả Nga và Mỹ đều tuyên bố sẵn sàng bắt tay vào sản xuất các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Vì sao sự phát triển tên lửa của Nga khiến châu Âu lo ngại? Theo các chuyên gia vũ khí, nếu những tên lửa được quy định trong Hiệp ước INF được phóng từ Nga, những tên lửa như vậy sẽ không đến được lục địa Mỹ nhưng có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên châu Âu, có nghĩa là các đồng minh của Washington tại châu Âu sẽ phải trả giá cho bất kỳ sự leo thang nguy hiểm nào giữa Nga và Mỹ.
Tên lửa hành trình của Nga bị Mỹ cáo bộc vi phạm Hiệp ước INF.
Trong một tuyên bố mạnh mẽ nhất, Tổng thống Putin cho rằng, Nga sẽ không có ý định triển khai tên lửa tới châu Âu, nhưng nếu Mỹ triển khai các tên lửa tới gần Nga, Moscow sẽ buộc phải đưa ra các phản ứng đáp trả. Tuy nhiên không giống vài thập kỷ trước, Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đồng minh ở châu Âu để chuẩn bị các cơ sở đặt hệ thống tên lửa của mình.
Theo giám đốc Trung tâm Không phổ biến hạt nhân tại Đại học Quốc gia Australia, Ramesh Thakur, NATO sẽ mất nhiều hơn khi Mỹ rút khỏi hiệp ước. Nếu NATO không có ý định triển khai tên lửa, thì cách duy nhất là tăng cường khả năng phòng thủ.
Điều cả Nga và Mỹ đều lo ngại là việc Trung Quốc và các quốc gia sở hữu hạt nhân khác không bị ràng buộc bởi hiệp ước INF, các nước này sẽ tự do phát triển tên lửa. Đây cũng là điều mà Mỹ hướng tới, bởi phải thoát khỏi cái bóng Hiệp ước INF , Mỹ mới có thể củng cố năng lực hạt nhân của mình đối phó với sự phát triển hạt nhân của Trung Quốc và các nước khác.
Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh cuộc chạy đua vũ trang mới.