Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam vừa được thành lập thông qua Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2014 - 2019). Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tự nguyện liên kết của các bệnh viện tư nhân nhằm mục đích cùng nhau trao đổi kinh nghiệm đầu tư, quản lý bệnh viện, nâng cao nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, giáo dục y đức, hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, giúp giảm tải cho khối bệnh viện công lập... Nhân dịp này, chúng tôi đã có các cuộc trao đổi với đại diện hiệp hội và các bệnh viện xung quanh vấn đề nêu trên.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Hợp Lực (đơn vị sở hữu BVĐK Hợp Lực): Liên kết để có biện pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Đệ.
Mặc dù hiện tại, cả nước có trên 170 bệnh viện tư nhân (chiếm 11% hệ thống y tế quốc gia) với tổng số giường bệnh nội trú là 45.000, mức đầu tư trên 120.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các bệnh viện hoạt động đơn lẻ, không có tiếng nói chung, không có sự giao lưu, trao đổi để cùng nhau hoàn thiện về mọi mặt, đặc biệt là về chuyên môn. Trong quá trình vận hành lại gặp không ít những khó khăn, những vướng mắc, bất cập từ cơ chế chính sách là “rào cản” lớn trong hoạt động của các bệnh viện tư. Các bệnh viện gần như phải tự “xoay xở” trong muôn vàn khó khăn. Đầu tư lớn mà hiệu suất sử dụng lại thấp, nhiều bệnh viện lâm vào cảnh tồn tại “lay lắt”.
Trước những thách thức đó, các bệnh viện tư cần phải liên kết để có biện pháp tháo gỡ kịp thời; tránh lãng phí đầu tư; giảm tải cho các bệnh viện công lập; giảm sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế; tạo sự đối trọng giữa khối bệnh viện công - tư; tạo cạnh tranh lành mạnh giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đúng với tinh thần của chủ trương xã hội hóa y tế. Vì vậy, hiệp hội ra đời như một tất yếu.
Ngay sau đại hội, Ban Chấp hành sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động tại một số bệnh viện của ba khu vực Bắc - Trung - Nam. Trên cơ sở đó xem xét đề xuất với Bộ Y tế, với Bảo hiểm xã hội và các ngành hữu quan về cơ chế, chính sách, quy định, những vướng mắc còn tồn tại, góp phần định vị lại vai trò, vị trí của khối bệnh viện tư nhân.
Đồng thời kêu gọi sự liên kết hợp tác giữa các hội viên nhằm hỗ trợ về mọi mặt để tăng sức mạnh hoạt động của từng đơn vị. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm đầu tư, quản lý bệnh viện từ các đơn vị trong nước và ngoài nước, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Phấn đấu đến hết năm 2014 có khoảng 90% các bệnh viện tư nhân tham gia vào hiệp hội.
Ông Phạm Văn Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Chủ tịch HĐQT BVĐK Hùng Vương (Phú Thọ): Cần tạo điều kiện để các bệnh viện tư nhân được thuận lợi trong hoạt động.
Ông Phạm Văn Học.
Các bệnh viện tư nhân đã chính thức có được một “mái nhà chung” để cùng nhau sum họp, tương trợ, giúp đỡ, chia sẻ trên tiêu chí đoàn kết, đổi mới để phát triển bền vững. Sau thành công của đại hội, BCH sẽ sớm nhóm họp để tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ mà điều lệ hội đã quy định. Trước hết là tổng hợp, rà soát trên toàn hệ thống để phát hiện các khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện tư nhân, từ đó đánh giá, phân tích và tìm biện pháp tháo gỡ. Đối với những khó khăn do các yếu tố chủ quan thì các bệnh viện và hiệp hội phải tự tìm cách giải quyết. Còn khó khăn do bất cập từ cơ chế, chính sách thì hiệp hội sẽ tổng hợp và ban hành các đề xuất, kiến nghị với Đảng, với Nhà nước để có những điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, tạo điều kiện để các bệnh viện tư nhân được thuận lợi trong hoạt động.
Ông Phạm Thế Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - ITO: Kiến nghị về những bất cập trong cơ chế chính sách.
Ông Phạm Thế Đồng.
Trong quá trình hoạt động, chúng tôi gặp không ít khó khăn cả về chuyên môn lẫn cơ chế hoạt động. Với việc xây dựng và tham gia tổ chức dành cho các bệnh viện tư nhân, góp phần tháo gỡ khó khăn để bệnh viện tư nhân giảm tải cho bệnh viện công là đang theo đúng tinh thần chủ trương xã hội hóa ngành y tế. Với tư cách là một hội viên, ngay sau đại hội, Sài Gòn - ITO sẽ nhanh chóng đưa ra những kiến nghị về những bất cập, vướng mắc và tồn tại trong cơ chế chính sách của nhà nước đối với hoạt động của khối bệnh viện tư nhân. Bên cạnh đó, không ngừng hoàn thiện bằng việc tham gia những đợt đào tạo, học tập chuyên môn từ các thành viên hoặc từ các bệnh viện nước ngoài. Với thế mạnh trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, Sài Gòn - ITO sẽ sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cho các bệnh viện thành viên. Đồng thời, cũng không ngừng học hỏi thế mạnh của các thành viên khác để nhanh chóng hoàn thiện và nâng cao bản thân.
Anh Tuấn - Thanh Thảo
(thực hiện)