Hà Nội

Hiệp định xuyên Thái Bình Dương CPTPP đã thấy vạch đích

22-02-2018 14:18 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được công bố văn bản cuối cùng đã tạo niềm hứng khởi không chỉ với Việt Nam – một thành viên của CPTPP mà còn cho các nước khu vực xuyên Thái Bình Dương nhân dịp đầu năm mới. Việc ký kết vào ngày 8/3 tới tại Chile sẽ diễn ra như dự kiến và hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực vào nửa đầu năm tới.

CPTPP gồm 11 thành viên sẵn sàng đặt bút ký kết thỏa thuận vào tháng 3 tới

CPTPP gồm 11 thành viên sẵn sàng đặt bút ký kết thỏa thuận vào tháng 3 tới

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào cuối năm 2017, Nhật Bản trở thành quốc gia dẫn đầu thúc đẩy  một thỏa thuận thay thế  nhằm loại bỏ các rào cản thương mại và hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm tại 11 quốc gia thành viên.  CPTPP được kỳ vọng sẽ trở thành động thực để giải quyết chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Mở ra cơ hội mới cho thúc đẩy tăng trưởng và giao lưu thương mại

11 nước thành viên CPTPP bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

CPTPP  là Hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong 10 - 15 năm trở lại đây, cho thấy mong muốn của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương về tự do hóa các thể chế thương mại.  Bất lợi lớn nhất của CPTPP có lẽ là các quốc gia thành viên không thể tiếp cận với thị trường lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu là Mỹ. Hiện các nước thành viên CPTPP chỉ chiếm 13% GDP toàn cầu (khoảng 10 nghìn tỷ USD) trong khi nếu Mỹ tham gia, con số này sẽ lên tới 40% GDP toàn cầu. Các nhà phân tích cho rằng, về mặt chính trị, việc rút lui của Mỹ cho thấy Mỹ đang đánh mất vị trí dẫn dắt của mình về mặt kinh tế.

Việc ra đời dự thảo cuối cùng của hiệp định quan trọng bậc nhất khu vực này là một lời khẳng định mạnh mẽ nhất của các nước thành viên trong việc hiện thực hóa hiệp định thương mại đầy khó khăn trắc trở, có những lúc tưởng chừng như sẽ “chết yểu”.  Đích đến của CPTPP đã rất gần. Hiện vẫn có hơn 20 điều khoản hoặc bị tạm treo, hoặc đã được thay đổi trong bản dự thảo cuối cùng này như quy định tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dược phẩm.

Theo Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker, thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.  Bởi để thỏa thuận có hiệu lực, nó không chỉ cần được ký kết mà còn phải được phê chuẩn bởi ít nhất 6 nước thành viên.

Mỗi quốc gia có kỳ vọng khác nhau về CPTPP, nhưng tựu chung lại nó được cho là sẽ mở ra cơ hội đầu tư và thương mại mới, thúc đẩy sự phát triển, thịnh vượng của các nước thành viên.   Bộ trưởng thương mại Australia Steven Ciobo cho biết, TPP -11 sẽ tạo ra nhiều việc làm tại Australia trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, khai khoáng, dịch vụ, nó tạo ra những cơ hội mới trong một khu vực mậu dịch tự do ở cả châu Mỹ và châu Á. Chính phủ New Zealand mong đợi, CPTPP sẽ làm nền kinh tế của quốc đảo này tăng thêm từ 1,2 – 4 tỷ đô la New Zealand mỗi năm, với các doanh nghiệp hưởng lợi hàng đầu là xuất khẩu thịt bò và kiwi.  Với Nhật Bản, đây là cơ hội cho các công ty Nhật mở rộng thị trường ở nước ngoài, giảm rào cản trong đầu tư, mở cửa kinh tế Nhật.

Nhiều nước muốn gia nhập CPTPP

CPTPP không chỉ tạo thuận lợi cho hàng hóa, đầu tư của các nước thành viên tiếp cận với thị trường vô cùng rộng ở châu Á Thái Bình Dương, nơi nhiều quốc gia lớn vẫn duy trì sự bảo hộ thương mại bằng hàng rào thuế quan. Sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp bản địa và nước ngoài là một trong những lợi ích nhìn thấy rõ của CPTPP…. Tất cả những lợi thế này khiến các cường quốc trên thế giới quan tâm, chú  ý. Chỉ khi tham gia sân chơi CPTPP, các quốc gia mới có cơ hội để tiếp cận với các thị trường từ châu Á sang châu Mỹ.

Một trong những quốc gia đang “lạc lối” khi tách ra khỏi khu vực đồng euro hiện nay là Anh đã phát tín hiệu muốn gia nhập Hiệp định.  Phụ trách đàm phán của Nhật ông Kazuyoshi Umemoto cho biết, bất kỳ nước nào tán thành thỏa thuận này và muốn trở thành thành viên đều được hoan nghênh, bất kể quốc gia đó ở đâu, kể cả ở ngoài khu vực.

Ngay cả Mỹ, quốc gia đã chủ động rút khỏi Hiệp định TPP trước đây, cũng tỏ ý muốn quay trở lại với CPTPP. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos - Thụy Sĩ, Tổng thống Mỹ D Trump cho biết, sẽ để ngỏ khả năng vào TPP nếu Mỹ có thể đạt một thỏa thuận tốt hơn.

Với mục tiêu tạo ra một khu vực thương mại tự do ở châu Á – Thái Bình Dương, sánh ngang với khu vực thương mại tự do châu Âu, thì còn cần rất nhiều thời gian và nỗ lực của các nước thành viên để đưa CPTPP về đích.


Hải Yến
Ý kiến của bạn