Đánh giá về các mặt thuận lợi và cơ hội của Hiệp định TPP đối với Việt Nam, tại buổi họp báo chiều 9/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh cho biết, khi tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Thuận lợi về thương mại đầu tư, tăng việc làm
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, về mặt kinh tế, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể.
"Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới. Tương tự dệt may, các mặt hàng giày dép của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ rõ.
Bên cạnh đó, khi tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Một số Tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao hơn. Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh khẳng định Việt Nam nhận được nhiều lợi ích từ Hiệp định TPP. (Ảnh: Zing)
Cũng như khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia TPP, một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường.
Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. "Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, cam kết về bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững", Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Về thể chế, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, khi Hiệp định TPP được kí kết, sẽ có một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP tạo sức ép cạnh tranh là khá lớn đối với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà - là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn như sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.
Một số sản phẩm công nghiệp cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước như giấy, thép, ô tô. Một số sản phẩm của TPP sẽ gây giảm thu thuế nhập khẩu nhưng không gây ra sức ép cạnh tranh là bánh kẹo, chất tẩy rửa, đồ trang sức, sản phẩm kim loại (chủ yếu là đồ bếp), điều hòa không khí, đồ nội thất, xe môtô phân khối lớn, rượu, thuốc lá.
Hiệp định TPP cũng đặt ra những thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế. Các tiêu chuẩn cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý.
Đáng chú ý, tính cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.
Cũng theo Thứ trưởng Khánh, khi tham gia Hiệp định TPP, cũng sẽ có tác động về nguồn thu ngân sách. "Tuy nhiên, do tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu lại được thực hiện theo lộ trình, nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột", Thứ trưởng Khánh khẳng định./.