Hà Nội

Hiệp định TPP tác động đến y tế Việt Nam thế nào?

20-01-2016 06:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết, điều này đã tác động nhiều đến nền kinh tế nước ta nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết, điều này đã tác động nhiều đến nền kinh tế nước ta nói chung và lĩnh vực y tế nói riêng. Nhân dịp đầu Xuân, PGS.TS. Lê Văn Truyền (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - chuyên gia cao cấp dược học) sẽ chia sẻ với quí độc giả của báo Sức khỏe&Đời sống về vấn đề Hiệp định TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với ngành y tế Việt Nam.

Những ảnh hưởng đến lĩnh vực y tế

Hiệp định TPP gồm 30 chương, trong đó có nhiều chương có nội dung liên quan đến ngành y tế như: Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Thương mại điện tử, Mua sắm của cơ quan Chính phủ, Doanh nghiệp (DN) nhà nước và doanh nghiệp độc quyền, Bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ, Lao động, Quy định về hành chính và thể chế…

Hội nhập TTP, ngành công nghiệp dược Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

Vấn đề cần suy nghĩ là tại sao Hiệp định TPP là một hiệp định thương mại nhưng lại liên quan chặt chẽ và có những tác động không nhỏ (cả trên khía cạnh tích cực và tiêu cực) đến hệ thống y tế của các quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng. Thật ra, các quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay đều quan niệm và ứng xử với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với tư cách là một nền công nghiệp và dịch vụ y tế (healthcare industry). Người ta quan niệm rằng: “Công nghiệp chăm sóc sức khỏe (healthcare industry) là toàn bộ các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh và điều trị được cung cấp bởi các bệnh viện, các tổ chức, điều dưỡng, bác sĩ, nha sĩ, các nhà quản lý y tế, các tổ chức của Nhà nước, các đơn vị chế định, các tổ chức tình nguyện, các cơ sở từ thiện chăm sóc sức khỏe, các nhà sản xuất trang thiết bị y tế, các nhà sản xuất dược phẩm và các tổ chức bảo hiểm y tế” (Mosby’s Medical Dictionary, 8th Edition, 2009, Elsevier). Với cách nhìn như vậy, ta có thể dễ dàng hiểu được tại sao Hiệp định TPP lại có thể tác động đến ngành y tế trong những năm sắp tới cả trên hai khía cạnh tích cực và tiêu cực để có chiến lược và sách lược ứng xử phù hợp.

Thách thức và cơ hội

Thách thức từ việc giảm thuế quan đối với hàng hóa từ các nước đối tác TPP

Giảm thuế có thể khiến luồng hàng nhập khẩu (kể cả các sản phẩm liên quan đến sức khỏe: dược phẩm, sinh phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế… từ các nước TPP phát triển vào Việt nam sẽ gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn và chất lượng tốt hơn. Hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa nội địa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rằng cạnh tranh trong thị trường hàng hóa nội địa cũng là sức ép tốt để các DN Việt Nam tự thích nghi, điều chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và người dân được hưởng lợi.

Thách thức từ việc mở cửa các thị trường dịch vụ

Sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp dịch vụ (kể cả dịch vụ y tế) có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới (ví dụ: các nhà phân phối dược phẩm nước ngoài) làm cho các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam gặp khó khăn nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cạnh tranh chính là động lực để các DN trong nước, đặc biệt là các DN trong ngành y tế tự đổi mới và nâng cao năng lực để phát triển tốt hơn. Cạnh tranh giúp đào thải những DN yếu kém để người bệnh và người dân được hưởng lợi.

Thách thức từ việc thực thi các yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Vấn đề lớn đối với Việt Nam: vi phạm sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp (nhãn mác, bao bì, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu…) còn lớn và các thiết chế bảo hộ sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp còn thiếu hiệu quả.

Việc bảo hộ chặt chẽ các quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp cũng sẽ dẫn tới những khó khăn trước mắt cho nhiều DN Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn và người tiêu dùng cũng phải trả giá đắt hơn.

Tuy nhiên, các DN trong nước, đặc biệt là các DN dược phẩm và trang thiết bị y tế cần từng bước phải thay đổi tư duy và thực hành cụ thể nhằm chấm dứt các hoạt động vi phạm SHTT cũng như phải có ý thức bảo hộ các sáng chế của mình để vươn tới một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần phải thấy rằng bảo hộ tốt quyền sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp chính là động lực để phát triển sáng tạo và thu hút đầu tư công nghệ cao làm cơ sở cho hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền kinh tế.

Thách thức trong việc thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh… và các ràng buộc mang tính thủ tục khi ban hành các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ...

Việc tổ chức thực hiện các yêu cầu nói trên sẽ là một gánh nặng lớn đối với Nhà nước (trong việc gia nhập các công ước liên quan, sửa đổi quy định pháp luật nội địa, xây dựng các cơ chế, thủ tục ban hành thực thi mới…) và tạo ra nhiều chi phí cho doanh nghiệp để thực thi (thay đổi công nghệ nuôi trồng - sản xuất, thay đổi nguồn cung nguyên vật liệu, bổ sung cơ chế kiểm soát…).

Tuy nhiên, vượt qua thách thức này là cơ hội tốt để cải thiện hệ thống pháp luật, cải cách thể chế, đặc biệt là từ góc độ phát triển bền vững (môi trường), vì quyền con người (lao động), minh bạch hóa quản lý và cải cách hành chính. Thực hiện những cam kết này sẽ mang lại lợi ích rất lớn và có giá trị lâu dài (vượt xa chi phí để tổ chức thực hiện các yêu cầu này).

Thay lời kết: với việc tham gia TPP, Việt Nam đã bước vào một sân chơi mới rộng lớn với luật lệ mới và các đối tác mới có trình độ phát triển cao hơn chúng ta rất nhiều. Cần có nhận thức đúng về thời cơ và thách thức để ứng xử trong thời kỳ mới.

DN Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa y tế (dược phẩm, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…) cần có chiến lược, sách lược phù hợp, khai thác và tận dụng thời cơ, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

DN cần tập trung nâng cao kỹ năng, tay nghề chuyên môn, ngoại ngữ cho người lao động và nâng cao trách nhiệm xã hội của DN về các vấn đề như lao động, môi trường...

Cơ quan quản lý cải cách thể chế, xây dựng và nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao trình độ thực thi công vụ của bộ máy và công chức, rà soát, điều chỉnh hệ thống pháp luật phù hợp với các cam kết và chủ động thực thi các nghĩa vụ đã cam kết.


PGS.TS. Lê Văn Truyền (Chuyên gia cao cấp dược học)
Ý kiến của bạn