Hà Nội

Hiệp định Paris - Giây phút vỡ òa trong lòng người Việt Nam và bạn bè quốc tế

26-01-2013 08:00 | Quốc tế
google news

Ngày này 40 năm về trước (27/1/1973), Hiệp định Paris đã được ký kết, mở ra một bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc.

Ngày này 40 năm về trước (27/1/1973), Hiệp định Paris đã được ký kết, mở ra một bước ngoặt mới trong lịch sử dân tộc. Nhân lễ kỷ niệm trọng đại này, nhiều kỷ vật đã được trưng bày cho công chúng tại Triển lãm ở Tràng Tiền, Hà Nội. Nhiều bạn bè quốc tế cũng đã chia sẻ lại những hồi tưởng, cảm xúc về một thời hào hùng đã qua.

Hiệp định Paris là kết quả từ Hội nghị Paris, cuộc đàm phán dài nhất thế kỷ 20. Ông Võ Văn Sung, nguyên Đại sứ tham mưu cho lãnh đạo cấp cao của ta chỉ đạo cuộc đàm phán ở Paris nhớ lại: ở Paris nói riêng và nước Pháp nói chung là nơi có phong trào mạnh mẽ ủng hộ độc lập của Việt Nam. Phong trào đòi hòa bình cho Việt Nam của nhân dân Pháp là một đồng minh thủy chung của ta. Ngày 31/12/1972, lúc nghe thắng lợi của ta, Ngoại trưởng Pháp Maurice Schumann đã phải thốt lên “thật là kỳ diệu” và sau đó ông đưa Đại sứ Võ Văn Sung ra hầm trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, nơi hàng chục nhà báo quốc tế chờ sẵn để nghe ông nói về sự kỳ diệu ấy.

Hiệp định Paris - Giây phút vỡ òa trong lòng người Việt Nam và bạn bè quốc tế 1
 Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước (thứ hai từ phải qua) tại triển lãm Kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam.Ảnh: Ngọc Thắng

Ông Valeriu Arteni, cựu sinh viên Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội những năm 1970, nay là Trưởng đại diện ngoại giao Rumani ở Việt Nam xúc động nhớ lại: “Các bạn không thể hình dung những ngày tháng êm đềm ở ngôi làng Hà Bắc đó, chúng tôi đã phấp phỏng về Hội nghị Paris thế nào. Vì hội nghị ấy liên quan trực tiếp đến đất nước, thành phố tôi yêu thương”.

“Khi bom Mỹ dứt, chúng tôi về Hà Nội. Một vài người bạn của chúng tôi đã không còn, một vài người khác bị mất đi một phần cơ thể. Song khi nghe tin Hiệp định Paris được ký chúng tôi đã vỡ òa trong niềm vui. Vẫn biết, Hiệp định Paris chỉ là bước ngoặt quyết định tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng tôi nhìn thấy trong mắt những người bạn Việt Nam của tôi như có một chân trời mới. Từ lý tưởng bảo vệ Tổ quốc, họ đã ánh lên những khát vọng dựng xây.

Vừa rồi, tôi có về thăm lại làng quê ở Hà Bắc, nơi tôi sơ tán khi xưa. Ngôi làng khang trang hơn, đường sá khang trang tới độ tôi chẳng thể nhận ra nơi tôi đã từng ở. Song lòng người vẫn vậy: cởi mở, lạc quan và ân tình. Và tôi nghĩ, đó là cội rễ văn hóa Việt Nam.

Sau khi học tập ở Việt Nam về, tôi có làm ở ngành ngoại giao và làm nhiệm vụ ở nhiều quốc gia. Nhưng khoảnh khắc cùng nhóm sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp hồi hộp đợi tin về Hiệp định Paris qua chiếc radio nhỏ và ôm chầm lấy nhau khi biết Hiệp định đã được ký kết tôi không bao giờ quên. Tôi quyết định theo ngành ngoại giao một phần cũng vì những ấn tượng về Hội nghị Paris ấy.”

PV.BQT (tổng hợp)


Ý kiến của bạn