Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng nhấn mạnh, trước mắt phải chăm lo, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm giải quyết, xử lý tình trạng này để ổn định đời sống nhân dân.
Hiện tượng sụt lún, giếng khô cạn, nhà cửa bị nứt... bắt đầu xuất hiện trên địa bàn xã Châu Hồng từ cuối năm 2020 đến nay và đang tiếp diễn. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến 232 hộ dân trên địa bàn 6 bản (Na Hiêng, bản Công, bản Pòong, Na Noong, bản Hy, bản Ngọc). 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, người dân không có nước sinh hoạt khiến cuộc sống rất bất an.
Tại buổi đối thoại, người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân cũng như cách khắc phục. Để xảy ra tình trạng này thì ai là người phải chịu trách nhiệm? Ngoài ra, trong khi chờ cơ quan chức năng tìm nguyên nhân thì đã có hiện tượng san lấp các hố, người dân đặt câu hỏi về việc ai là người chỉ đạo thực hiện việc này?
Bên cạnh đó, hàng ngày các công ty khai thác khoáng sản hoạt động gây tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, làm hư hỏng các tuyến đường giao thông. Hiện tượng xe chở quá khổ, quá tải vẫn diễn ra bình thường.
Một số người dân phản ánh khi xuất hiện hiện tượng sụt lún, nứt nẻ, khô giếng, xã đã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh nhưng tình trạng giải quyết chậm mà không rõ lý do. Đồng thời, người dân đề nghị tỉnh thành lập đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn và yêu cầu các công ty khai thác thực hiện đúng quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản.
Sau khi lắng nghe các ý kiến của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ với những khó khăn, những bức xúc của bà con về tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, khô giếng nước thời gian qua.
Ông Trung thừa nhận trong quá trình phối hợp tham mưu, chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa nhịp nhàng, chặt chẽ nên có sự chậm trễ trong việc giải quyết, UBND tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan.
Về hiện tượng tổ chức san lấp các hố sụt lún khi cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân theo phản ánh của người dân, tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc điều tra để biết ai là người thực hiện việc này, nếu vì động cơ che giấu sẽ xử lý nghiêm.
Đặc biệt, khi làm rõ nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún, nứt nẻ, khô cạn giếng nếu có trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản, cụ thể là Công ty CP Tân Hoàng Khang thì tỉnh sẽ yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường cho người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra làm rõ những vấn đề liên quan, đặc biệt là những vấn đề tác động đến môi trường, gây ảnh hưởng và đe dọa đến tính mạng của người dân. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, phải đặt sự ổn định, an toàn của người dân là trên hết, trước hết. Quan điểm chung của tỉnh là không đánh đổi lợi ích kinh tế đổi lấy an toàn, cuộc sống ổn định của người dân và môi trường. Và phải luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước mắt tạm dừng tất cả các hoạt động bơm hút, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng; yêu cầu các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm cho đến khi có kết luận chính thức về nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún.
Lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng. Trước tiên là kiểm tra tại Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang và các doanh nghiệp có hoạt động bơm hút khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật; phải hoàn thành việc kiểm tra trước ngày 31/7/2022. Thành phần đoàn kiểm tra, gồm: Sở TN&MT, Sở Công thương, Sở Xây dựng và Công an tỉnh, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, sai phạm phải đưa vào diện điều tra ngay.
Huyện Quỳ Hợp và các Sở, ngành có liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi để Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ sớm hoàn thành việc đánh giá nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún, nứt nẻ một cách chính xác và khách quan; chậm nhất 31/7/2022 phải có kết quả.
Xử phạt một doanh nghiệp liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng.
UBND tỉnh Nghệ An vừa ra quyết định xử phạt hành chính 276.760.000 trong lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang - doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đá trắng, đá xây dựng và quặng thiếc ở huyện Qùy Hợp về vi phạm quy định liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Thứ nhất là hành vi vi phạm lấn chiếm 18.380m2 đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn. Cụ thể, xây dựng hệ thống bể xử lý nước thải, nhà điều hành, nhà ở công nhân, công trình phụ, đường giao thông, bãi tập kết vật liệu, đất lưu không tại khu vực Thung Lùn, xã Châu Hồng, huyện Qùy Hợp. Về hành vi này, Tân Hoàng Khang bị phạt tiền 170.000.000 đồng. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính số tiền 36.760.000 đồng.
Hành vi thứ hai là không thực hiện đúng một trong các nội dung của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, năm 2022, công ty đã xả nước thải bơm từ hầm lò vào hệ thống bể lắng tuần hoàn, sau đó bơm nước thải từ bể lắng tuần hoàn vào hang cát-tơ (xả ra môi trường). Với hành vi vi phạm này, công ty bị xử phạt số tiền 70.000.000 đồng.
Nắng Nóng Mùa Hè 2022 Có Phá Vỡ Kỷ Lục Hè 2020? | SKĐS