Hà Nội

Hiện tượng Lệ Rơi: Cần vaccin đề kháng văn hóa cho giới trẻ?

27-07-2014 09:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Giờ đây, câu chuyện về chàng “ca sĩ” có tên Lệ Rơi đã không còn xôn xao như khi mới xuất hiện.

Giờ đây, câu chuyện về chàng “ca sĩ” có tên Lệ Rơi đã không còn xôn xao như khi mới xuất hiện. Đó có lẽ là kết cục tất yếu của những “ngôi sao mạng”, cái gì đến nhanh, nổi tiếng nhanh thì cũng chẳng mấy chốc mà “rơi” vào quên lãng. Từ hiện tượng Lệ Rơi này, tôi lại nghĩ đến câu chuyện khác, chuyện về sức “đề kháng văn hóa” của giới trẻ...

Nhìn từ “ca sĩ Lệ Rơi”…

Thú thực, tôi không có ý định viết bất cứ điều gì về “ca sĩ Lệ Rơi” vì với tôi, Lệ Rơi chẳng có gì để nói hay phân tích cả. Nếu chỉ đơn giản cần một video clip hài để “xả xì trét” sau giờ làm việc thì bản cover những ca khúc nổi tiếng của Lệ Rơi có thể là lựa chọn phù hợp. Một giọng hát dở đến mức “không thể dở hơn”, “hát một đằng, nhạc một nẻo”, một gương mặt “tối sân khấu” chưa từng có trong showbiz... Thế mà Lệ Rơi lại được hâm mộ đến cuồng nhiệt, “Hội những người phát cuồng vì ca sĩ Lệ Rơi” được lập ra để tung hô anh như ngôi sao hollywood.

Hiện tượng Ca sĩ Lệ Rơi khiến khán giả rơi lệ!

Điều gì đang xảy ra trong showbiz Việt? Nhiều nhà báo phân tích rằng, sở dĩ Lệ Rơi trở thành hiện tượng mạng là vì showbiz Việt với đầy rẫy sự dối trá, ghen ghét, đố kị, scandal... khiến người xem chán ngấy. Người ta đang cần những làn gió mới, sự giản dị, càng thô mộc càng tốt. Sự xuất hiện của Lệ Rơi đúng vào thời điểm “khủng hoảng niềm tin” trong showbiz nên càng dễ khiến anh nổi tiếng. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Tôi nghĩ rằng, sự nổi tiếng của Lệ Rơi là một minh chứng cho thấy sức đề kháng văn hóa của giới trẻ Việt đang có vấn đề. Vấn đề là ở chỗ, họ đang bị lệch chuẩn trong thưởng thức văn hóa, dường như cái gì càng lạ, càng dị, càng khác biệt lại được ủng hộ, cổ súy hết mức.

Và những hiện tượng khác khiến ta Rơi Lệ...

Hiện tượng Lệ Rơi chỉ là một trong nhiều biểu hiện đáng lo ngại trong thưởng thức văn hóa của giới trẻ. Người trẻ luôn có xu hướng tìm tòi cái mới, mong muốn được thưởng thức những sản phẩm văn hóa mới nhưng có lẽ khái niệm “mới” của họ cũng khác so với quan niệm truyền thống. Cái mới trong quan niệm của nhiều người trẻ phải đồng nghĩa với sự khác biệt và phá cách. Bộ phim sitcom Căn hộ số 69 (nhà sản xuất Nam Cito) là một ví dụ. Để thu hút người xem, nhà sản xuất đã tập trung khai thác vấn đề tình yêu, tình dục của các bạn trẻ thành thị. Mới phát sóng được tập 1 trên kênh youtube nhưng bộ phim đã gặp phải sự phản ứng trái chiều. Những cảnh nóng bị coi là dung tục, phản cảm lại thu hút được trên 2 triệu lượt người xem cùng hàng ngàn bình luận trong mấy ngày ra mắt.

Ca sĩ Lệ Rơi

Vlog Việt – một hình thức nhật ký bằng video đã một thời làm mưa, làm gió trên cộng đồng mạng. Với ưu điểm nổi bật là sự sinh động, thể hiện được khả năng hoạt ngôn, lập luận chặt chẽ, thuyết phục của người nói, tính tương tác cao, phù hợp với cá tính và sở thích của người trẻ, Vlog đã được bạn trẻ Việt chào đón nhiệt thành. Những cái tên vlogger như Jvevermind, Toàn Shinoda, Huy Me, Lâm Việt Anh, An Nguy... được ca ngợi như những ngôi sao thực sự trong showbiz. Tuy nhiên, vấn đề rất đáng báo động là ngôn ngữ sử dụng trong vlog đôi khi dễ dãi một cách thái quá, thậm chí cả những từ ngữ tục tĩu, thiếu văn hóa cũng được sử dụng. Những từ ngữ “khó nghe” như “vãi chốt”, “dính phốt”, “vãi chưởng”, “cmnr”... được sử dụng khá phổ biến. Với tốc độ lan truyền chóng mặt của mạng internet, mỗi vlog ra đời thu hút số lượng người xem khổng lồ và đây cũng là lý do khiến nhiều thuật ngữ được sử dụng trong vlog trở thành “câu cửa miệng” của giới trẻ. Không khó để bắt gặp những thuật ngữ vô nghĩa như “Đừng khóc mà vui lên”, “Củ lạc giòn tan”... từng được sử dụng rất “vô tư” trong vlog. Dù vấn đề “tào lao bí đao”, ngôn từ vô nghĩa nhưng những Vlog vẫn có số lượng fan trung thành khá hùng hậu. Họ bình luận, chia sẻ và sẵn sàng “bàn phím chiến” nếu ai đó “vô tình” đưa ra quan điểm trái chiều.

Vlog của một du học sinh bị ném đá

Nhóm hài 102 gồm các thành viên là rapper Phong Lê, Phillip Đặng và Tấn Phúc bị gắn mác hài “siêu bẩn” chuyên cho ra đời những video clip đề cập đến vấn đề rất nhạy cảm. Với khoảng 20 video clip được tung lên mạng internet, không khó để thấy những từ ngữ tục tĩu, phản cảm được sử dụng để “luận” về đề tài như chuyện ngoại tình, tình dục, cưa cẩm bạn gái... Điều quan trọng là những video clip của nhóm hài 102 được đưa đầy rẫy trên mạng internet và số lượng khán giả xem các clip cũng không phải là nhỏ.

Vaccin đề kháng văn hóa

Tôi luôn tự hỏi, phải chăng sức đề kháng văn hóa của người trẻ Việt đang suy giảm nên khiến họ dễ “rung động” với những hiện tượng văn hóa mới, lạ. Họ yêu thích đến cuồng nhiệt một hiện tượng gì đó rất vu vơ, thậm chí “lãng xẹt” kiểu “ca sĩ Lệ Rơi”. Họ sẵn sàng rút điện thoại, nhắn tin bình chọn cho ca sĩ mình yêu thích trong một chương trình truyền hình thực tế nào đó chỉ đơn giản là họ thích mà không cần biết ca sĩ đó hát hay dở thế nào. Họ mở đi, mở lại nghe đến “mòn tai”, thuộc lòng một ca khúc với đầy rẫy những từ ngữ phản cảm, có khi tục tĩu. Hình ảnh những cô bé, cậu bé la hét, khóc lóc chạy theo các thần tượng là ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc vẫn khiến không ít người lớn cảm thấy chạnh lòng. Yêu, ghét là chuyện riêng của mỗi cá nhân nhưng khi những cung bậc cảm xúc đó không gắn với sự hiểu biết, tình yêu chân thành thì sẽ là “bàn tay vô hình” làm đảo lộn những giá trị nghệ thuật đích thực. Có lẽ người Việt trẻ đang cần đến một “liều vaccin” để tăng sức đề kháng trước những trào lưu phản văn hóa trong giới trẻ. Vaccin này được “chiết xuất” từ tri thức, sự hiểu biết những giá trị văn hóa đích thực và “gu” thẩm mỹ chuẩn mực.

Xin được nói rằng, “vaccin đề kháng” với rác văn hóa không thể có thành phần cơ hội, trục lợi từ những hiện tượng tào lao như thế... 

Phạm Thiên Giang


Ý kiến của bạn
Tags: