Hiện tượng HM và cuộc cách mạng khoa học thần kinh

14-12-2013 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Bệnh nhân mắc bệnh động kinh người Mỹ Henry Molaison (HM), người đã qua một cuộc phẫu thuật có một không hai

Bệnh nhân mắc bệnh động kinh người Mỹ Henry Molaison (HM), người đã qua một cuộc phẫu thuật có một không hai, cắt bỏ não với mục đích chữa bệnh nhưng chính ca phẫu thuật này lại tạo ra cuộc cách mạng quan trọng trong lĩnh vực khoa học thần kinh mà hiện nay con người vẫn đang khám phá.

Cuộc đời đặc biệt

Mới đây, tại Mỹ người ta đã công bố một tác phẩm Best seller của tác giả Suzanne Corkin, tựa đề The Unforgettable Life of the Amnesic Patient, H.M. (Cuộc đời đặc biệt của một bệnh nhân mất trí nhớ), liên quan đến một bệnh nhân người Mỹ tên là Henry Molaison từ khi còn nhỏ cho đến khi qua đời ở tuổi 82 năm 2008. Ngay sau khi qua đời, danh tính của người đàn ông này mới thực sự được dư luận biết đến một cách chi tiết hơn, nhất là căn bệnh động kinh mà ông mắc phải và ca mổ cắt bỏ não “có một không hai” của ông do y học thực hiện.

Henry Molaison (ảnh chụp năm 60 tuổi).

H.M. tên đầy đủ là Henry Gustav Molaison, sinh năm 1926 tại hạt Hartford , Boston , bang Connecticut . Ông là con trai duy nhất của một gia đình địa chủ nhỏ di cư từ Pháp sang Mỹ, khi còn nhỏ là cậu bé thông minh dễ thương và hài hước. Tuổi thơ của Henry diễn ra khá xuôn xẻ, học giỏi, được nuông chiều và là niềm hy vọng của gia đình. Nhưng tại họa xảy ra khi Henry mới  được 7 tuổi, lúc đang đi xe đạp bị một người khác tông vào, cú đập mạnh đến nỗi làm cho Henry đập đầu xuống đất bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu. Chính cú va đập này đã đưa cuộc đời của Henry Molaison rẽ sang một ngả khác, đánh dấu mốc quan trọng hay cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực khoa học thần kinh của nhân loại.

Ngay sau khi gặp nạn, tinh thần của Henry trở nên bất ổn và từ năm 16 tuổi, cậu thường xuyên xuất hiện những cơn động kinh, buộc gia đình phải can thiệp, không cho lái xe, thậm chí người ta còn khuyên Henry không nên lập gia đình và sinh con. Vào tuổi 20 khi con người ta tràn đầy nghị lực sức sống thì lại là lúc Henry bị tước đi mọi quyền cơ bản, chỉ còn trông chờ vào phẫu thuật não.

BS. William Beecher Scoville - Vị cứu tinh xuất hiện

Sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo này, gia đình Henry Molaison đã tìm đến BS. William Beecher Scoville ở Bệnh viện Hartford , người được xem là con chim đầu đàn trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh hồi đó. Sau khi khám, BS. Scoville đã phát hiện phần chấn thương bên trong não của Henry, đó chính là vùng thùy thái dương. Những năm 40, 50 ở thế kỷ trước, khi hiểu biết về thần kinh của con người còn rất sơ khai thì BS. Scoville đã tiến hành nhiều ca mổ xẻ rất “mạnh tay”, đặc biệt là phẫu thuật não cho những người nổi tiếng. Với trường hợp của Henry, sau khi đã được sự đồng thuận của gia đình, ngày 25/8/1953 ca phẫu thuật được bắt đầu. Theo đó,  BS. William Beecher Scoville đã tiến hành khoan hộp sọ, sau đó cắt bỏ những mô não, đặc biệt là 2 vùng hải mã, đây là những bộ phận có hình dáng giống như cá ngựa. Trước khi đóng hộp sọ trở lại, Scoville đã đưa vào não người bệnh những mảnh kim loại nhỏ để đánh dấu, xác định chính xác vùng đã cắt.

Sau khi kết thúc ca phẫu thuật táo bạo, chính BS. Scoville cảm thấy có điều bất ổn, bệnh nhân mất  trí nhớ, đặc biệt là thông tin mới, nhưng kết quả ca phẫu thuật này lại chữa khỏi bệnh động kinh, sự đánh đổi kỳ diệu và cũng nhờ phẫu thuật, sức khỏe của Henry đã được cải thiện, số cơn động kinh giảm hẳn, vài ba tháng mới xuất hiện một lần. Do không còn thùy thái dương, bộ phận đảm nhận việc lưu giữ ký ức lâu dài nên khả năng tạo ra những ký ức mới hoàn toàn không có, chính vì vậy mà bệnh nhân Henry Molaison đã sống mãi với những ký ức thời trai trẻ cho đến khi qua đời ở tuổi xưa nay hiếm.

Ðiều bất ngờ xảy ra sau khi phẫu thuật

Theo giới thần kinh, tuy đi ngược với nguyên tắc của ngành y nhưng ca phẫu thuật của BS. Scoville thực sự là điểm “nhấn” sơ khai, giúp sáng tỏ sự liên kết giữa những vùng đặc thù trong não với các hoạt động của cơ thể. Đây là bệnh nhân rối loạn não duy nhất trên thế giới qua phẫu thuật cắt bỏ thùy thái dương để chữa chứng suy giảm hành vi kiểm soát. Sau khi phẫu thuật, BS. Scoville thực sự lo lắng cho sức khỏe bệnh nhân và giao nhiệm vụ cho cộng sự của mình là nữ bác sĩ tâm lý Brenda Milner tiếp cận, theo dõi. Qua Milner, BS. Scoville được biết bệnh nhân sau khi phẫu thuật phát triển bình thường, nhất là những cảm giác như nghe, nhìn, giao tiếp, thậm chí IQ (trí thông minh) cũng không hề thay đổi, duy chỉ có trí nhớ, hay ký ức mới là không nhớ được, tức là chỉ nhớ được những ký ức đến thời điểm phẫu thuật vào ngày 25/8/1953. Những ký ức sau thời điểm này đến và đi rất nhanh. Ví dụ vừa đọc báo xong, gập lại, sau lại đọc đúng những trang này, thậm chí khi thức dậy cũng không biết đang ở đâu hoặc không nhớ những gì vừa làm. Nhờ ca phẫu thuật này các nhà khoa học phát hiện ra một điều rất khác thường giúp con người hiểu sâu về vùng hải mã, nơi duy trì trí nhớ cho con người và một khi nó bị cắt bỏ thì trí nhớ con người sẽ bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, căn bệnh động kinh của Henry lại biến mất hẳn, người bệnh khỏe mạnh, tỉnh táo cho đến tận lúc qua đời.

Theo các nhà khoa học, việc cắt bỏ thùy thái dương của não bộ làm cho bệnh nhân mắc chứng Anterogate annesia (bệnh lý không tạo được ký ức mới) và chính vì tình trạng này của Henry Molaison đã trở thành đề tài cho nhiều nghiên cứu khoa học quan trọng trong lĩnh vực thần kinh mà hiện nay con người vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, khám phá.

Khắc Nam

 (Theo WP/NYC/PS, 12/2013)

 


Ý kiến của bạn