Hiện tượng cứng khớp thường xảy ra vào thời điểm buổi sáng, sau khi thức dậy hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Trao đổi về tình trạng bệnh này, PGS.TS – Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Cơ Xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã chỉ ra những nguyên nhân có thể gây cứng khớp khi trời lạnh và những cách khắc phục hiệu quả.
Những nguyên nhân có thể gây cứng khớp
Theo bác sĩ Hùng, cứng khớp là hiện tượng các khớp bị cứng, đơ khiến bệnh nhân khó hoặc không thể cử động. Tình trạng này có thể kéo dài không lâu, chỉ khoảng 10 đến 30 phút, và thường gặp vào buổi sáng sớm, khi người bệnh vừa thức giấc. Trong điều kiện thời tiết lạnh, tình trạng cứng khớp thường nghiêm trọng hơn và tái phát nhiều lần.
Nguyên nhân là do khi nhiệt độ giảm, dịch khớp trở nên đặc hơn và dẫn tới tình trạng khô cứng khớp. Trong khi đó, tuần hoàn máu trong cơ thể khi trời lạnh cũng hoạt động kém hơn, khiến các mạch máu co lại và từ đó làm giảm máu nuôi khớp, gây tổn thương sụn cũng như màng hoạt dịch khớp, góp phần khiến khớp trở nên khô cứng, khó hoạt động.
Bên cạnh đó, các yếu tố như tuổi tác, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, viêm bao hoạt dịch khớp, bệnh gout và một số bệnh lý xương khớp khác như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm cột sống dính khớp, viêm xương khớp do chấn thương… cũng có thể dẫn đến tình trạng cứng khớp khi thời tiết lạnh.
Tuy nhiên, bác sĩ Hùng nhấn mạnh rằng trời lạnh chỉ là một trong những nguyên nhân tạm thời khiến khớp bị cứng, chứ không phải là nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý về xương khớp.
Những cách phòng ngừa hữu hiệu
Bác sĩ Hùng lưu ý rằng những bệnh nhân mắc bệnh xương khớp, thường hay bị đau khớp cần hết sức chú ý cảnh giác tới tình trạng cứng khớp gối, tay chân khi trời trở lạnh để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Để phòng tránh được tình trạng cứng khớp vào mùa lạnh, bác sĩ Hùng khuyến nghị người bệnh nên thực hiện các cách phòng ngừa như sau:
Luôn giữ ấm cơ thể bằng cách sử dụng thêm khăn, găng tay, tất, mặc quần áo dài và dày hơn để cơ thể luôn được giữ ấm khi thời tiết lạnh, giúp xương khớp tránh bị tác động bởi nhiệt độ và độ ẩm của môi trường.
Làm ấm các vùng xung quanh khớp bằng túi chườm nóng, dầu nóng… giúp khí huyết lưu thông, mạch máu giãn ra và tăng cường lưu lượng máu đến nuôi dưỡng các khớp, làm giảm nguy cơ bị cứng khớp khi trời lạnh. Lưu ý là không được xoa dầu nóng hay chườm nóng nên chỗ khớp bị sưng, viêm, vì có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, từ đó có thể giúp giảm triệu chứng cứng khớp gối, háng do bệnh khớp gây ra. Người thường bị cứng khớp khi trời lạnh nên hạn chế ăn mặn, chất béo gây thừa cân bởi béo phì làm tăng áp lực lên các xương khớp.
Kết hợp vận động và nghỉ ngơi hợp lý để máu trong cơ thể lưu thông được tốt hơn, từ đó tăng cường máu đến các khớp, giúp giảm tránh tình trạng cứng khớp đầu gối khi trời lạnh.
Thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu cho xương khớp có sự hướng dẫn của bác sĩ nhằm giúp giảm triệu chứng cứng, đau khớp. Thường xuyên vận động nhẹ nhàng với các động tác yoga hay đạp xe, đi bộ, ... giúp làm tăng lưu thông khí huyết, cơ thể hấp thụ chất tốt hơn để tăng cường tiết dịch khớp, bảo vệ khớp, giảm đau và phòng ngừa cứng khớp gối, khớp háng.
Khi bị cứng khớp vào mùa lạnh, người bệnh không được tự ý mua thuốc điều trị, cũng như không tự ý bổ sung thực phẩm chức năng, hay sử dụng các phương pháp dân gian. Thay vào đó, nên đến bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Bác sĩ Hùng đặc biệt lưu ý rằng nếu tình trạng cứng khớp diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe, người bệnh không nên tiếp tục chịu đựng, mà nên đến các cơ sở, bệnh viện chuyên khoa xương khớp để được thăm khám, chẩn đoán tình trạng bệnh lý và điều trị, tránh để các biến chứng cơ xương khớp có thể xảy ra.
Mời độc giả xem thêm video dưới đây:
Uống nước tăng lực thường xuyên có hại thế nào- I SKĐS