Hà Nội

Hiện tượng chết đuối trên cạn

17-07-2014 10:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Chết đuối do nước ngọt thì có tình trạng pha loãng máu. Do áp suất thẩm thấu của nước ngọt thấp hơn máu nên nước qua màng phế nang mao quản khuếch tán vào máu

Hỏi: Nghe nói khi đuối nước nếu phổi khô thì do chết trên cạn mới xuống nước, còn những người đuối nước trong phổi ngập tràn nước? Nếu đuối nước vùng nước ngọt thì cấp cứu dễ sống hơn phải không?

(Quách Ngọc Bang - Long An)

Trả lời: Thực nghiệm trên động vật cho thấy có sự rối loạn về sinh hóa máu khi chết đuối.

Chết đuối do nước ngọt thì có tình trạng pha loãng máu. Do áp suất thẩm thấu của nước ngọt thấp hơn máu nên nước qua màng phế nang mao quản khuếch tán vào máu (làm tăng thể tích tuần hoàn). Đối với nước mặn thì áp suất thẩm thấu lớn hơn máu 3,5 - 4 lần nên dịch từ máu khuếch tán vào phế nang làm phù phổi và giảm thể tích máu lưu thông. Có tình trạng tăng nhịp tim, tăng huyết áp, sau đó huyết áp giảm, rối loạn nhịp tim (nhanh thất, nhanh trên thất, rung thất …), tử vong xảy ra là do rung thất từ hậu quả rối loạn điện giải hoặc thiếu oxy. Khi nước tràn vào trong phổi sẽ gây giảm độ đàn hồi của phổi, nước mặn thì làm hòa loãng chất surfactan đưa đến xẹp phế nang và phù phổi, nước ngọt thì phá hủy chất surfactan, ngoài ra còn gặp tình trạng co thắt đường hô hấp do kích thích thần kinh phó giao cảm khi hít phải nước.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên người chết đuối và người gần chết đuối cho thấy có một số điểm không giống với thực nghiệm trên động vật. Ở người không có hiện tượng loãng máu dù nước ngọt hay mặn, rung thất ít gặp và thường là khi hít phải nước ngọt, phù phổi thường gặp nhưng ít liên quan loại dịch hít phải, những nạn nhân đến bệnh viện còn ý thức và X-quang phổi bình thường thì đa số sống sót. Sở dĩ những biến đổi sinh hóa trên người không giống động vật là do thực nghiệm trên động vật gây mê với số lượng nước bơm vào phổi lớn, còn thực tế ở người lượng nước hít vào có lẽ phù hợp với phản ứng ở động vật khi hít khoảng 2,2ml/kg cân nặng. Người ta còn gặp hiện tượng “chết đuối khô” hay “chết đuối trên cạn”. Đó là trường hợp nạn nhân chết đuối nhưng không có hít phải nước do hậu quả của phản xạ co thắt thanh quản gây ngạt. Sau khi hít nước, ở giai đoạn đầu nước hấp thu nhanh nên giải phẫu tử thi sẽ không thấy nước, co thắt thanh quản do phản xạ có thể đến tử vong.

Bs.CkII. Đặng Minh Trí

 


Ý kiến của bạn