Hà Nội

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo

01-04-2024 10:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Hiện trạng tỉnh lộ 70 có mặt cắt ngang nhỏ hẹp, không liền mạch sắp được Hà Nội đầu tư 5.500 tỷ đồng mở rộng, giúp giảm tải cho các tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

Ngày 29/3 vừa qua, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021-2025 cấp thành phố, trong đó có dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển - nút giao Tứ Hiệp.

Tuyến đường này dự kiến sẽ giúp kết nối đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3, góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía Nam của Hà Nội trong thời gian tới.

Hiện trạng đường 70 có nhiều đoạn chạy qua nhiều trường học, bệnh viện lớn nhưng mặt đường nhỏ hẹp đã xuống cấp, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo- Ảnh 1.

Tỉnh lộ 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển - nút giao Tứ Hiệp hiện đã xuống cấp nhưng có lượng lớn xe tải, xe container di chuyển qua.

Ghi nhận của PV tại Đường 70, nhiều đoạn qua khu vực này thường xuyên ùn tắc, nhất là trước cổng Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều, hay nút giao đường 70 với đường Chu Văn An (đoạn qua cầu Tó).

Hiện trạng tuyến đường này phần lớn chỉ có 2 làn xe, đã xuống cấp. Vì vậy, tại đây những ngày nắng thì bụi mù mịt, còn mưa thì lầy lội, ảnh hưởng đến việc đi lại, cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, một số người dân sinh sống dọc tuyến đường cho biết, lòng đường tại đây nhỏ hẹp kèm theo việc lượng lớn xe container, xe tải di chuyển khiến nhiều người lo lắng tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Theo thiết kế, tuyến đường dài hơn 7 km, mặt cắt ngang 50m. Điểm đầu nối với khu đô thị Văn Quán, điểm cuối tại nút giao Tứ Hiệp thuộc huyện Thanh Trì. Tuyến đường này dự kiến kết nối với đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3.

Công trình có tổng mức đầu tư 5.500 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố, thực hiện trong 2 năm, từ 2024-2026.

Dự án chia thành 3 dự án thành phần, gồm 2 dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư. Tại huyện Thanh Trì, khoảng 200 hộ dân bị thu hồi 41.000m2 đất. UBND huyện Thanh Trì đã có trên 161.000m2 đất ở để bố trí tái định cư cho số hộ này.

Tại quận Hà Đông, 193 hộ dân bị thu hồi khoảng 6.000m2. Theo quy định, tại các quận, người dân sẽ được tái định cư bằng căn hộ chung cư.

Dự án thành phần cuối cùng là cải tạo nâng cấp đường, xây dựng đồng bộ hạng mục công trình. Trên tuyến sẽ có hai cầu qua sông Tô Lịch và sông Hòa Bình được xây mới, cầu Tó qua sông Tô Lịch được mở rộng.

Một số hình ảnh đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển - nút giao Tứ Hiệp:

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo- Ảnh 2.

Đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển chạy qua nhiều trường học, bệnh viện lớn nhưng đã xuống cấp, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo- Ảnh 3.

Dù nằm trong danh mục dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2011-2015, HĐND thành phố thông qua danh mục này cuối năm 2011, nhưng đến nay dự án mới được phê duyệt ngân sách triển khai giai đoạn 2024-2026.

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo- Ảnh 4.

Đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc.

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo- Ảnh 5.

Một số đoạn lòng đường nhỏ hẹp, thắt cổ chai khiến các phương tiện khó khăn khi di chuyển qua.

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo- Ảnh 6.

Khu vực qua Bệnh viện K Tân Triều thường xuyên có lưu lượng giao thông ở mức cao, xảy ra ùn tắc.

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo- Ảnh 7.

Khu vực cầu Tó là một trong những điểm nóng ùn tắc của TP Hà Nội dự kiến sẽ được mở rộng.

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo- Ảnh 8.

Tỉnh lộ 70 không liền mạch, được chia cắt bởi các trục giao thông chính. Hiện đường 70 có các đoạn tuyến Văn Điển - Hà Đông; Vạn Phúc - Lê Trọng Tấn; Xuân Phương (cầu Ngà - Trần Hữu Dực) và kết thúc tại nút giao Quốc lộ 32.

Hiện trạng tuyến đường vừa được Hà Nội duyệt chi 5.500 tỷ đồng cải tạo- Ảnh 9.

Tuyến đường này dự kiến kết nối với đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3, giảm tải áp lực giao thông cho khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô.

Xem thêm video được quan tâm:

Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ Công ty Chứng khoán VNDirect bị hacker tấn công | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn