Hiện trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng dân tộc thiểu số
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên triển khai chương trình sáng kiến về làm mẹ an toàn LMAT sau Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tại Cairo năm 1994. Thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đó, Bộ Y tế đã ban hành các chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các giai đoạn 2001- 2010, 2011-2020 cùng với các kế hoạch hành động quốc gia cho từng giai đoạn 5 năm, trong đó đặc biệt chú trọng cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, ưu tiên các vùng còn nhiều khó khăn, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương đặc biệt phụ nữ nghèo, phụ nữ và trẻ sơ sinh người dân tộc thiểu số.
Nhiều nội dung chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Việc triển khai thực hiện các can thiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ với độ bao phủ cao trong toàn quốc đã góp phần làm giảm tử vong mẹ một cách rõ rệt. Theo đánh giá của Liên hiệp quốc về đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt nam là một trong ít số nước giảm được 3/4 số tử vong mẹ vào năm 2015 so với năm 1990. Theo số liệu tổng kết 15 năm thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tử vong mẹ đã giảm từ 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống 58/100.000 năm 2015.
Tuy nhiên, tốc độ giảm TVM trong những năm gần đây đã có sự chậm lại. Báo cáo của nhóm đánh giá của LHQ phân tích số liệu của 75 quốc gia cho thấy, nếu như giai đoạn 1990-2003, Việt Nam đạt tốc độ giảm tỉ số TVM trung bình năm là (-5,2%) thì trong giai đoạn 2003-2013 tốc độ này chỉ còn (4,6%/năm) và Việt Nam nằm trong số 19 quốc gia có xu hướng giảm tỉ số TVM chậm lại trong giai đoạn này.
Về sức khỏe trẻ sơ sinh, theo Báo cáo quốc gia kết quả 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam, tử vong TE<5 tuổi đã giảm hơn một nửa từ 58‰ vào năm 1990 xuống còn 22,1 năm 2015 (so với mục tiêu còn 19,3‰ vào năm 2015). TVTE dưới 1 tuổi đã giảm xấp xỉ 2/3 từ 44,4‰ vào năm 1990 xuống còn 14,7‰ năm 2015.
Mặc dù TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đã giảm đáng kể nhưng tử vong trẻ sơ sinh vẫn còn cao, chiếm khoảng 70-75% TVTE dưới 1 tuổi và 50% TVTE dưới 5 tuổi. Đáng lo ngại hơn, tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh tuy có giảm nhưng tốc độ giảm rất chậm so với 2 chỉ số TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi. Điều này cho thấy công tác chăm sóc trước sinh cũng như chăm sóc, điều trị, cấp cứu, hồi sức trong cuộc đẻ và chăm sóc ngay sau sinh đối với trẻ sơ sinh còn nhiều bất cập và hạn chế.
Các nguyên nhân chính gây TVSS như đẻ non, ngạt, nhiễm khuẩn là những nguyên nhân có thể phòng tránh được. Nâng cao chất lượng chăm sóc trước sinh, trong sinh, ngay sau sinh, đặc biệt hồi sức trẻ ngạt đúng, kịp thời là những can thiệp tích cực và hiệu quả để giảm tử vong trẻ sơ sinh. Kinh nghiệm thế giới cho thấy 80% số TVSS có thể phòng tránh được bằng các can thiệp đơn giản, ít tốn kém. Điều quan trọng là bà mẹ và trẻ sơ sinh phải được tiếp cận sớm với các can thiệp trong trường hợp có nguy cơ.
Cũng như TVM, còn có sự chênh lệch đáng kể về tỷ suất TVTE giữa các vùng thành thị và nông thôn, giữa dân tộc kinh và dân tộc thiểu số và giữa các vùng địa lý và kinh tế xã hội khác nhau. Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc là 2 vùng có tỷ suất TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi cao nhất cả nước. Tỷ suất TVTE tại khu vực nông thôn cũng cao hơn gấp 2 lần so với khu vực thành thị. Tỷ suất TVTE của dân tộc thiểu số cao gấp gần 3 lần so với ở trẻ em dân tộc kinh. Năm 2013, ước tính tổng số tử vong trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam là khoảng 26.600 trẻ em. Như đã đề cập ở trên, TVSS chiếm >50% số tử vong trẻ < 5 tuổi, vì vậy sự khác biệt về TVTE cũng phản ánh đúng sự khác biệt về TVSS theo các vùng, miền và các vùng kinh tế, xã hội.
Lên kế hoạch can thiệp giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh
Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong cải thiện sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em và trẻ sơ sinh, được thế giới công nhận là một điểm sáng trong tiến trình thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ 4 và 5. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại sự khác biệt về chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền kinh tế-xã hội khác nhau, đặc biệt là giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số. Vì vậy điều tra khảo sát thực trạng cung cấp dịch vụ chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh (một cấu phần trong hoạt động "Hỗ trợ cải thiện dịch vụ CSSK bà mẹ và trẻ sơ sinh ở những huyện có tử vong bà mẹ/tử vong sơ sinh cao ở Việt Nam" do EU tài trợ) là một hoạt động cần thiết nhằm cung cấp các số liệu thực tế cho Bộ Y tế có kế hoạch can thiệp giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh ở các địa bàn trên.
Khảo sát được thực hiện tại các BV huyện của 4 tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhất trong số 10 tỉnh do EU tài trợ bao gồm: Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Cao Bằng. Tại mỗi tỉnh chọn 5 huyện khó khăn nhất để khảo sát. Tổng số BV huyện được chọn vào khảo sát là 20. Đây là một khảo sát đánh giá định lượng, thu thập số liệu thứ cấp bằng các mẫu phiếu tự điền.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong tiến trình phấn đấu đạt mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Thách thức chính là còn sự khác biệt rõ rệt về TVM, TVSS giữa các vùng, miền, dân tộc và nguyên nhân tử vong chính ở mẹ, trẻ sơ sinh liên quan đến tình trạng cấp cứu không được xử trí phù hợp và kịp thời.
Sự khác biệt khá lớn về tình trạng sức khoẻ và TVM giữa các vùng địa lý, giữa các vùng kinh tế xã hội và giữa các nhóm dân tộc đã được một số nghiên cứu khẳng định. Mặc dù tỷ số TVM có xu hướng giảm rõ rệt theo thời gian nhưng sự khác biệt giữa các vùng miền và nhóm đối tượng rất ít có sự thay đổi.
Điều tra TVM qua các giai đoạn cho thấy tỷ số TVM ở khu vực nông thôn miền núi cao hơn 3 lần so với khu vực nông thôn đồng bằng; ở vùng Tây Bắc (242/100.000 trẻ đẻ sống) cao gấp hơn 2 lần ở vùng Tây Nguyên (108/100.000 trẻ đẻ sống). Nghiên cứu năm 2014 ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy TVM ở người dân tộc cao gấp khoảng 7 lần so với người Kinh,ở dân tộc H'mông cao hơn 7 lần so với người dân tộc Tày.
Sự khác biệt về TVSS cũng tương tự như ở TVM. Tuy không có trong chỉ số báo cáo quốc gia nhưng theo báo cáo hàng năm của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, tỷ lệ TVSS đang chiếm tới 70% số tử vong trẻ dưới 1 tuổi và > 50% số tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, các số liệu về TVTE cũng phản ánh được bức tranh về sức khỏe sơ sinh. Theo nghiên cứu về các chỉ số sức khỏe của bà mẹ và trẻ em các giai đoạn (MICSs) đều cho thấy Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc là 2 vùng có tỷ suất TVTE dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi cao nhất cả nước. Tỷ suất TVTE tại khu vực nông thôn cũng cao hơn gấp 2 lần so với khu vực thành thị. Tỷ suất TVTE của dân tộc thiểu số cao gấp gần 3 lần so với ở trẻ em dân tộc Kinh.
Nguyên nhân gây TVM ở cả 2 cuộc điều tra ở khu vực miền núi đều cho thấy các nguyên nhân chủ yếu trực tiếp gây tử vong là các tình trạng cấp cứu như chảy máu, sản giật. Số liệu báo cáo của Vụ SKBMTE năm 2016 cũng khẳng định là tỷ lệ tai biến sản khoa giảm không đáng kể, tỷ lệ TVM giảm chậm.
Với hiện trạng trên, các can thiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh cần tập trung vào hoạt động cải thiện chất lượng cấp cứu sản khoa và sơ sinh. Các vùng khó khăn cần được ưu tiên can thiệp nhằm giảm sự khác biệt trong tiếp cận và chất lượng dịch vụ giữa các vùng miền nhằm bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Từ Năm 2026: Sẽ Có Vaccine Tiêm Phòng Ung Thư Cổ Tử Cung Miễn Phí | SKĐS