Hiến tinh trùng được ví như hiến máu cứu người ở Mỹ

16-05-2015 08:28 | Y học 360
google news

Pháp luật Mỹ quy định, khi hiến tinh trùng cho một ngân hàng sinh sản, người hiến hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì sau đó.

Việc hiến tặng tinh trùng và trứng là họat động cần thiết cho ngành y khoa hỗ trợ sinh sản. Tôi xin chia sẻ chút hiểu biết của mình về các hoạt động này ở Mỹ.

Đa phần người hiến tinh trùng hay hiến trứng ở Mỹ đều là những thanh niên khỏe mạnh, đang học đại học hay sau đại học. Họ được trả tiền, tuy không nhiều lắm, nhưng cũng khuyến khích việc này.

Ngoài việc thỏa mãn các yêu cầu về sức khỏe, chiều cao và cân nặng, người hiến phải có học thức. Các ngân hàng tinh trùng uy tín thường đưa ra giá là 800 USD cho một ống tinh trùng nhưng họ chỉ chấp nhận 1% số người hiến. Những ngân hàng này sau đó sẽ thu thập mọi thông tin về người hiến, bao gồm miêu tả khuôn mặt, dáng người, tính cách, sở thích, mẫu chữ viết tay, giọng nói, và cả bức ảnh chụp khi còn bé (nhỏ hơn 5 tuổi).

Người hiến có hai dạng: ẩn danh và không ẩn danh. Dạng ẩn danh thì đứa bé sẽ không bao giờ được biết người hiến là ai. Còn với không ẩn danh thì 18 tuổi đứa trẻ sẽ được mở hồ sơ xem ai đã góp phần tạo ra mình. Pháp luật ở Mỹ quy định, 18 tuổi thì không ai phải chịu trách nhiệm về bạn nữa cả, nên người hiến không sợ chịu trách nhiệm pháp lý gì.

Thực tế thì pháp luật Mỹ có quy định rõ ràng, khi hiến tinh trùng cho một cơ sở ngân hàng sinh sản, người hiến hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì sau đó. Thế nên mọi người đều yên tâm.

Vô sinh là một bất hạnh rất lớn, nếu bạn giúp được thì nên giúp đỡ cho những cặp hiếm muộn.

Người hiến tinh trùng và trứng được phép hiến nhiều lần. Thực tế thì nam giới mới hiến được nhiều, còn phụ nữ thì đâu làm được thế mãi. Để tránh các vấn đề về loạn luân thì luật pháp quy định như sau: mỗi người hiến chỉ được hiến ở một ngân hàng. Ngân hàng đó cấp cho người hiến một mã số riêng. Các ngân hàng phải lưu trữ thông tin người hiến và không chấp nhận người đã hiến ở ngân hàng khác.

Đứa trẻ khi sinh ra phải được đăng kí với ngân hàng tinh trùng. Ngân hàng có một bảng thông tin cho các bậc cha mẹ thường xuyên cập nhật về anh chị em sinh ra cùng người hiến, và họ còn tổ chức họp mặt, gửi ảnh, giao lưu giữa những đứa trẻ để chúng biết mặt nhau. Đứa trẻ sẽ được thông báo khi 18 tuổi về nguồn gốc của mình và mã số thông tin của người hiến (nếu ẩn danh) trong trường hợp cha mẹ chúng không nói chuyện rõ ràng với con mình.

Vậy nên những người sinh ra như vậy có đầy đủ thông tinh về anh chị em của mình. Còn với người hiến không ẩn danh thì mọi thông tin đều đầy đủ. Vì thế, khả năng lâm vào tình trạng yêu đương với anh, chị em của mình cũng ít đi.

Mặt khác, xã hội phương Tây có cách nhìn khác về vấn đề con cái. Việc hiến tinh trùng và trứng được chấp nhận rộng rãi, và người ta xem đó là một hành động phước đức, như là hiến máu cứu người vậy.

Còn những khả năng về lan truyền bệnh tật thì các biện pháp y khoa cũng đã ngăn chặn được phần nào. Mối nguy về bệnh di truyền vẫn luôn tiềm ẩn trong mọi hành vi sinh sản, nhưng không nên vì thế mà ta lại có quan niệm là không nên hiến tinh trùng hay trứng.

Việc sinh con ra mà không chăm sóc cho chúng mới là tội lỗi lớn, các cặp theo đuổi việc chữa vô sinh đều là những người thương con trẻ và có điều kiện. Họ có sinh con cũng không bao giờ ngược đãi con trẻ cả.

Tôi có quen biết vài người đã hiến tinh trùng, chủ yếu là các sinh viên học giỏi đi "kiếm thêm". Họ vui vẻ với những gì mình đã làm. Nhờ họ mà nhiều cặp vô sinh ở Mỹ có con. Vô sinh là một bất hạnh rất lớn, nếu bạn giúp được thì nên giúp đỡ cho những cặp hiếm muộn.

 

 

 


Ý kiến của bạn