Ở lĩnh vực nào Lê Huy Quang cũng tạo ra những thành tựu đủ sức khẳng định bản lĩnh, bản sắc nghệ thuật đặc thù cho riêng mình mà không phải người cầm bút, cầm cọ nào cũng có thể tạo dựng được...
Mặc dù biết được quá trình cũng như những thành tựu trong văn nghệ của ông, tôi vẫn thật sự bất ngờ khi đọc tập kịch bản Nước mắt trên dòng Thạch Hãn - Nhà Xuất bản Sân khấu vừa phát hành vào quý 2 năm 2017.
Bìa tập kịch bản Nước mắt trên dòng Thạch Hãn - Tác giả Lê Huy Quang - Nhà Xuất bản Sân khấu 2017.
Xem qua số lượng kịch mục của Lê Huy Quang ghi trên bìa bốn của tập kịch bản Nước mắt bên dòng sông Thạch Hãn, tôi tin đó chưa phải đầy đủ những tác phẩm dành cho sân khấu, vì ông chỉ tính từ 1991 đã thấy số lượng kịch bản từ đó đến nay đã có gần ba chục kịch bản. Một người đã thực hiện trang trí, thiết kế cho hơn 300 vở diễn các thể loại. Đã vẽ hàng trăm tranh với đủ chất liệu dành cho hội họa, sáng tác hàng dăm trăm bài thơ, viết hàng ngàn bài báo với đủ mọi thể loại, rồi công việc trọng trách tại các tòa soạn báo, mà còn viết nên gần ba chục kịch bản thì quả là sức làm việc và sáng tạo trong nghệ thuật của Lê Huy Quang thực đáng khâm phục.
Không chỉ tạo dựng nên một khối lượng đồ sộ của các tác phẩm nghệ thuật mà như kẻ viết bài này đã khẳng định ở phần trên, là Lê Huy Quang đã tạo nên bản sắc của mình trong các thể loại mà ông sáng tạo. Ở lĩnh vực kịch bản sân khấu cũng vậy. Chỉ mới đọc 7 kịch bản trong tập kịch mới xuất bản tôi cũng thấy rõ phong cách đặc thù của kịch tác gia Lê Huy Quang.
Trong cuộc Hội thảo “Sân khấu Hà Nội với người xem” do Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội tổ chức đầu tháng 7/2017, tôi cho rằng “Hiện nay không thể phủ nhận không ít các tác giả với bản lĩnh của mình cũng luôn luôn cố gắng để phản ảnh những vấn đề lớn của xã hội, những điều người xem quan tâm để cho ra những kịch bản đủ sức kéo khán giả đến với sân khấu”. Kịch tác gia Lê Huy Quang là một trong những tác giả như vậy.
Trong 7 kịch bản in trong tập kịch mới này, điều dễ nhận thấy là khi làm thơ Lê Huy Quang sâu lắng, thao thiết với những rung cảm của tâm hồn với bút pháp cách tân táo bạo bao nhiêu, thì khi ở góc độ của kịch tác gia ông nhanh nhạy với vấn đề thời sự bấy nhiêu. Chỉ có điều chất thời sự trong kịch Lê Huy Quang đã được nâng lên tầm khái quát để cho hôm nay và ít nhiều mai sau nhìn thấy một giai đoạn lịch sử của đất nước ta. Vậy là tố chất phản xạ sắc bén của một người làm báo đã gắn chặt hữu cơ với sự rung cảm của một nhà thơ, đã tạo nên bản sắc trong kịch bản của ông.
NSND Lê Huy Quang.
Thử điểm qua những nét chính của nội dung 7 kịch bản trong tập Nước mắt trên dòng Thạch Hãn. Đó là mối tình của cô sinh viên đi tìm người yêu là bộ đội trong không khí sau chiến thắng 1975 (Kịch bản Nước mắt trên dòng Thạch Hãn). Đó là sự ngổn ngang trong cuộc sống và trong tâm hồn, số phận của những con người bên hai chiến tuyến sau khi chiến tranh chấm dứt (Kịch bản Mặt trận không tiếng súng). Đó là mảng thực tế khắc nghiệt của cuộc sống gia đình trong thời kỳ những nanh vuốt của quyền lợi nhóm xuất hiện (Kịch bản Thiên đường hay địa ngục). Là mâu thuẫn giữa các thế hệ trong một gia đình khi đồng tiền bộc lộ quyền lực của nó (Kịch bản Người đẹp xứ Tuyên). Kịch bản Canh bạc cuối cùng Lê Huy Quang lại dũng cảm mô tả sự liên quan giữa những thế lực xã hội đen với những tầng lớp quan chức. Những con người chân chính dù ở địa vị nào và những kẻ vô liêm đục nước béo cò luôn đứng hai chiến tuyến đối địch. Kịch bản Phía trước là niềm tin lại là không gian xã hội với đầy đủ những diễn biến phức tạp khi hòa bình trở về năm 1975.
Với 7 kịch bản trong Nước mắt trên dòng sông Thạch Hãn có thể nói đã bộc lộ khá đầy đủ phong cách viết kịch của Lê Huy Quang. Về thực tế phản ánh, Lê Huy Quang là một trong những tác giả hiếm hoi dám nhìn thẳng vào hiện thực ở những mảng mâu thuẫn gay gắt nhất. Ông dường như không né tránh những khu vực mà một cây bút thiếu bản lĩnh không dám, ngại đụng đến. Chính sự sắc sảo khi mô tả mảng hiện thực này đã làm nên sức hấp dẫn của kịch bản Lê Huy Quang. Ở tập kịch này nếu tôi không nhầm có tới 3 kịch bản mang chất “chuyên án” và cũng có tới 3 kịch bản lấy Hà Nội là bối cảnh hoạt động của nhân vật trong kịch. Đó là kịch bản Thiên đường địa ngục, Người đẹp xứ Tuyên, Phía trước là niềm tin. Điều này thêm một lần minh chứng sự dũng cảm và dám nhìn thẳng vào mâu thuẫn trung tâm cuộc sống của nhà viết kịch Lê Huy Quang.