PGS.TS. Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, nhận thức về hiến ghép tạng vẫn còn hạn chế, ngay cả với những nhân viên y tế. Vì thế, sau hơn 20 năm Việt Nam tiến hành ghép tạng, mới chỉ có gần 2.000 người được ghép. Rất nhiều người vì không có tạng hiến đã tử vong. Do đó, nâng cao nhận thức cho chính các thầy thuốc về vấn đề hiến tạng cũng như truyền thông cho người dân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, hay khi chết não là việc làm rất quan trọng và ý nghĩa, bởi một điều đơn giản “hiến tạng cho đi là còn mãi”...
44% sinh viên y cho rằng người chết não có thể cứu sống
PGS.TS. Đồng Văn Hệ thông tin thêm, theo kết quả nghiên cứu riêng vào năm 2015 qua phỏng vấn các bác sĩ, điều dưỡng tại một BV đa khoa tuyến tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc về kiến thức chết não, thì 70,26% nhân viên y tế cho rằng bệnh nhân chết não có thể hồi phục, 40,44% cho rằng bệnh nhân chết não có tự thở và 25,73% cho rằng bệnh nhân chết não có thể chớp mắt, nhích tay, nhích chân. Đáng lưu ý, khi tiến hành khảo sát kiến thức về chết não của sinh viên Đại học Y Hà Nội cũng cho những con số rất ngạc nhiên: 44% sinh viên cho rằng có thể cứu sống người chết não, 62% cho rằng bệnh nhân chết não là sống thực vật. “Sự hiểu biết không đúng này chắc chắn tác động lớn đến việc vận động, truyền thông cho người dân về việc hiến tạng từ người chết não”, PGS. Hệ nhấn mạnh. Trong khi đó, nếu vận động hiến tạng thì một người chết não có thể cứu sống rất nhiều người bệnh cần ghép mô tạng, khi nhiều trường hợp, ghép tạng là chỉ định duy nhất cứu sống người bệnh.
Cũng theo PGS. Hệ, có một nghịch lý là số người bị chết não do tai nạn giao thông mỗi năm tới cả vạn người, nhưng số người hiến tạng rất ít. Trong khi chỉ tính riêng tại BV Việt Đức có từ 1.200 - 1.500 người chết não vì chấn thương sọ não, trung bình mỗi ngày tại BV này 1 ngày có 3 người chết não, có ngày cao điểm lên đến hơn 10 người... Ghép tạng từ người cho chết não không ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Theo đó, việc hiến, tặng mô, tạng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tỉ lệ người cần được ghép tạng ở Việt Nam tới hàng trăm ngàn người. Một nguyên nhân lớn nhất là do quan niệm của người Việt về vấn đề chết toàn thây nên không muốn hiến, bên cạnh đó là hầu hết bác sĩ ở các bệnh viện cũng hiểu biết rất ít về chết não và hiến tạng để có thể giải thích hoặc truyền thông cho người dân.
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức.
Chia sẻ về điều này, ThS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhấn mạnh, mặc dù nguồn tạng rất hiếm nhưng cũng không khuyến khích hiến tạng khi còn sống và cũng không thể có nguồn tạng bằng bất cứ giá nào mà khuyến khích việc hiến tạng từ người chết não. “Thực tế, quan niệm “chết toàn thây” là không có cơ sở, khi không có tôn giáo nào nói phải “chết toàn thây”, không tôn giáo nào phủ nhận giá trị nhân văn, cao thượng của hành vi hiến tặng mô, tạng, cả Kito giáo, Công giáo và Phật giáo” - ThS. Phúc chia sẻ.
Sẽ đề xuất thêm quyền lợi của người hiến tạng
Tại buổi truyền thông về hiến ghép tạng mới đây, một số bác sĩ băn khoăn về quyền lợi của người hiến mô, tạng, ThS. Nguyễn Hoàng Phúc giải đáp: Người hiến tạng sẽ được tặng BHYT suốt đời, được khám sức khỏe miễn phí sau khi hiến. Việc hiến tạng sẽ được ưu tiên lần lượt theo thứ tự: trẻ em, người cấp cứu và người đã hiến tạng khi cần thiết. Mặc dù những người hiến đều tình nguyện hiến vì mục đích nhân đạo, nhưng tới đây, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cũng sẽ đánh giá lại quyền lợi của người hiến tạng để có thể cải tiến các chính sách.
BS. Lý Văn Liền, BVĐK Bảo Yên (Lào Cai) cho biết, mặc dù học ngành y nhưng anh cũng chưa hiểu rõ về hiến tạng và chết não. Sau buổi truyền thông này anh đã được cập nhật nhiều kiến thức về chết não... Vì thế, anh sẽ đăng ký hiến tạng, nếu chẳng may mình có bị làm sao thì một phần cơ thể của mình có thể cứu sống được người khác, đấy là điều ý nghĩa nhất mà mình cảm nhận được. BS. Liền cho biết thêm, anh là người dân tộc Dao, nơi địa phương anh sinh sống trước đây khi nghe về hiến ghép tạng mọi người rất sợ và quan niệm khắt khe. Nhưng vừa rồi có nghe đài, báo nói về bác sĩ đưa tạng từ TP.HCM ra để cứu liền 4 người một lúc, nên họ cũng đã hiểu hơn về điều này. “Sau buổi vận động tuyên truyền, mình là bác sĩ nên có lẽ mình cũng sẽ về giải thích và vận động bà con”, BS. Liền cho biết.