Hiến tạng từ người chết não: Một tấm lòng trao gửi, bao sự sống hồi sinh

20-04-2018 15:45 | Tin nóng y tế

SKĐS - Câu chuyện hiến đa tạng của Thiếu tá Lê Hải Ninh thuộc Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202, Quân đoàn 1 đã thức tỉnh hàng triệu con tim. Quyết định của chị Kiều - vợ anh cùng gia đình không chỉ cùng lúc cứu được nhiều sinh mạng mà còn giúp ngành y lập nên những kỳ tích mới.

Nhưng để làm được điều đó, chị Kiều cùng gia đình đã phải trải qua những trăn trở, day dứt vượt qua được rào cản, định kiến...

Nghĩa cử cao đẹp đến từ lòng nhân ái và sự thấu hiểu

Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết chấn động trước câu chuyện hiến đa tạng, đánh dấu mốc son trong lịch sử y học Việt Nam: Lần đầu tiên, Việt Nam ghép phổi thành công từ người cho chết não.

Đó là câu chuyện của gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh (45 tuổi) được chuyển đến BV Trung ương Quân đội 108 ngày 23/2/2018 với chẩn đoán: trạng thái sau hồi sinh tim phổi do đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não nặng. Dù đã được hồi sức và điều trị tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi và Hội đồng chuyên môn của BV Trung ương Quân đội 108 đã hội chẩn và kết luận bệnh nhân chết não.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ KHCN, BV 108 thăm bệnh nhân được ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ KHCN, BV 108 thăm bệnh nhân được ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não.

Khi biết người thân của mình không thể qua khỏi, với tấm lòng thiện nguyện, cha mẹ hai bên cùng vợ con và anh chị em của Thiếu tá Lê Hải Ninh đã đồng thuận tình nguyện hiến tạng của anh để cứu những người bệnh đang cần. Và nhờ thế, ngày 26/2/2018, sự kiện lịch sử của ngành y Việt Nam đã diễn ra: Cùng lúc mang lại sự sống cho 6 con người. 2 lá phổi của anh sẽ tiếp được hít thở trong lồng ngực một người đàn ông 54 tuổi bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoan cuối. Trái tim anh sẽ cùng nhịp đập với một người đàn ông 30 tuổi. 2 quả thận tiếp tục công việc thải lọc chất độc trong cơ thể 2 người khác nhau ở 2 miền Nam - Bắc và 2 giác mạc mang lại ánh sáng cho 2 người đang phải sống trong bóng tối.

Còn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi đột ngột của con trai, ông Lê Xuân Cựu cất giọng run run xúc động: “Con tôi mất đi là một tổn thất lớn lao đối với gia đình chúng tôi không gì có thể bù đắp được. Mặc dù vậy, khi nhận được thông tin từ BV Trung ương Quân đội 108 là các ca ghép tạng được lấy từ sự hiến tạng của con em chúng tôi đã thành công. Điều đó là nguồn an ủi, động viên xen lẫn tự hào của gia đình, dòng họ của chúng tôi... Chúng tôi hiểu rằng sự cho đi sẽ còn mãi mãi, đâu đó trên đời này con em chúng tôi vẫn còn hiển hiện và dõi theo chúng tôi...”.

Vợ anh, chị Tạ Thị Kiều, vẻ mặt vẫn thẫn thờ dường như chưa thể đón nhận sự mất mát quá lớn lao. Chị nói rằng, việc ra đi của chồng là quá đột ngột, từ khi đổ bệnh cho tới mất đi chỉ trong vài ngày nên không thể nghĩ được gì nhiều. Khi biết chồng không thể qua khỏi và được Ban Giám đốc bệnh viện, Ban Vận động hiến tạng BV Trung ương Quân đội 108 vận động và giải thích về việc hiến tạng, thì chị và các thành viên khác trong gia đình đã bàn bạc và đi đến thống nhất là tình nguyện hiến tạng của anh để cứu những người bệnh khác. Lúc đó, chị Kiều chỉ có suy nghĩ và mong rằng, dù chồng chị không thể tiếp tục sống, nhưng vẫn muốn anh góp phần cứu sống được nhiều người bệnh.

Tuy nhiên, để đi đến được quyết định này, gia đình chị Kiều đã phải trải qua không ít trăn trở, day dứt. Bác Lê Xuân Cựu suy nghĩ rằng, từ xưa tới nay, từ phong tục tập quán tới truyền thống gia đình, dòng tộc rồi tới địa phương chưa thấy có trường hợp nào hiến tạng. Về mặt tâm linh, bác Cựu cũng có chung suy nghĩ với đa số người khác rằng “khi mất đi thì phải toàn vẹn”. Ngoài kia, liệu rằng dư luận xã hội sẽ đánh giá việc làm của gia đình mình như thế nào? Bởi vì chỉ đơn giản như việc hỏa táng hiện nay, là một việc làm văn minh, hiện đại, nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều… Tất cả những suy nghĩ trên khiến bác Cựu mất ăn mất ngủ.

Đồng thời lúc đó, bác lại nhớ đến hình ảnh của bé Hải Anh và gia đình cháu bé. Cháu mới 7 tuổi và mẹ cháu chắc chắn rằng sẽ không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con. Nhưng họ đã dũng cảm quyết định hiến tặng giác mạc để giúp đỡ những người bệnh. Theo dõi trường hợp này rất kỹ, nên bác Cựu đã rất xúc động. Gia đình bác - một gia đình trí thức, bác từng là giảng viên chính trị của Trường Đảng, từng làm công tác đoàn thể nhiều năm. Các con cũng đều trưởng thành và làm công tác quản lý tại các đơn vị, lẽ nào lại không làm được điều này?

Day dứt với những trăn trở đó, nhưng bác Cựu không thể đi đến quyết định được. Chỉ tới khi được các con động viên, đặc biệt là con dâu bác - chị Tạ Thị Kiều cũng đã được đả thông tư tưởng, nên bác cùng thông gia và các con đã thống nhất hiến tạng, với tâm nguyện sẻ chia giúp đỡ những người bệnh đang cần được ghép tạng để lấy lại sự sống.

Về phía chị Kiều, khi biết chồng không thể qua khỏi, ban đầu, chị muốn được xin đưa anh về nhà để anh được ra đi bình yên, ấm áp trong vòng tay của gia đình, vợ con, người thân… Tuy nhiên, được các anh chị em bên chồng động viên, chị cũng suy nghĩ lại. Một mặt chị mong muốn rằng, dù chồng chị không thể tiếp tục sống, nhưng vẫn muốn anh góp phần cứu được người bệnh khác. Mặt khác, chị lại trăn trở: Nếu mình quyết định hiến tạng của anh liệu anh có đồng ý? Các con còn bé quá, liệu rằng chúng có hiểu được cho việc làm của mẹ? Tới khi, như một nhân duyên, chị được kết nối với Đại đức Thích Thanh Phú - trụ trì chùa Quang Sơn (Tam Điệp). Đại đức đã giải thích cho chị về sự sống hữu hạn và những giá trị cuộc sống vô hạn…

Chị hiểu ra rằng “Sự cho đi là còn mãi mãi”. Tuy anh ra đi, nhưng một phần cơ thể anh vẫn còn đang sống trong cơ thể người khác… Hơn nữa, khi còn sống, anh cũng luôn tôn trọng và đồng ý với những quyết định của vợ, nên chắc rằng lần này anh cũng sẽ hoan hỉ với việc làm này của vợ mà thôi. Lúc đó, chị cùng với các thành viên khác trong gia đình đã bàn bạc và nhanh chóng đi đến thống nhất là tình nguyện hiến tạng của anh.

Ban đầu, tưởng rằng chỉ có thể hiến được giác mạc, giúp mang lại ánh sáng cho người khác và qua đôi mắt đó, chồng chị vẫn còn thấy được mẹ con chị sống và trưởng thành thì điều đó đối với chị Kiều đã quá quý. Tuy nhiên, sau đó việc ghép phổi, tim, thận cùng được tiến hành ở hai đầu đất nước đã thành công từ ca hiến tạng của anh và cứu sống được thêm nhiều người khác thì chị thấy việc làm của mình còn mang nhiều ý nghĩa. Đến lúc này, dù chưa thể hết đau buồn trước sự ra đi của anh, nhưng trong lòng chị Kiều cảm thấy bình an, thấy việc làm của mình là đúng đắn. Và dù anh không hiện hữu trước mặt chị, nhưng chị vẫn cảm nhận được sự sống của anh còn lại mãi mãi. Con trai lớn của anh, cháu đã hiểu và tự hào về gia đình, tự hào về người bố của mình. Cháu nói rằng “Bố vẫn còn đang sống, bố còn sống ở hai  đầu  Nam - Bắc”…

Lãnh đạo BV 108 cùng các bác sĩ tưởng niệm người đồng chí, đồng đội.

Lãnh đạo BV 108 cùng các bác sĩ tưởng niệm người đồng chí, đồng đội.

Cần lắm những tấm lòng như gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh

Gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh là một trường hợp đặc biệt, bởi các thành viên trong gia đình đã vượt qua định kiến và cùng đồng lòng trong việc hiến tạng. Nên việc thuyết phục hiến tạng diễn ra khá suôn sẻ. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - người được phân công làm Trưởng ban Vận động hiến tạng của bệnh viện cho biết: “Tất cả các thành viên của gia đình đồng chí Lê Hải Ninh đều suy nghĩ rất nhân văn và tiến bộ, từ bố mẹ hai bên, anh chị em trong gia đình, đặc biệt người vợ trẻ - chị Tạ Thị Kiều đã đồng thuận và tình nguyện hiến tạng của người thân khi biết không thể qua khỏi với một suy nghĩ cho đi là còn mãi mãi, nên chúng tôi gặp nhiều thuận lợi trong vấn đề vận động”.

PGS. Ngọc cũng cho biết: Trong thời gian qua, thực hiện công tác vận động hiến tạng, rất nhiều bệnh nhân trong tình trạng chết não có thể hiến một phần mô, tạng. Chúng tôi đã kiên trì từng bước thuyết phục, vận động, tuy nhiên rất khó khăn do rào cản của phong tục tập quán và các yếu tố tâm linh khác, khi đó gia đình thường xin về nhà giai đoạn cuối. Có những gia đình lúc đầu đã đồng ý, nhưng đến phút cuối họ lại thay đổi quyết định nên việc lấy tạng không thể thực hiện được.

Trong buổi Lễ tri ân gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kể chuyện về buổi đi thăm Bệnh viện Việt Đức ngày 30 Tết năm vừa qua, chỉ trong vài ngày mà nơi đây đã có hơn chục ca chết não. Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân xin chuyển về để lo tang lễ chứ không hiến tạng. Chính vì lẽ đó Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Chúng ta có thể làm chủ được khoa học, làm chủ được kỹ thuật, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được kỹ thuật bởi nguồn hiến tặng tạng từ người chết não còn khan hiếm...

Dẫu biết rằng, trong cuộc sống không ai muốn có điều gì bất trắc xảy ra với người thân, nhất là sự ra đi đột ngột. Tuy nhiên, những chuyện đau lòng này vẫn xảy ra hằng ngày, ở những người trẻ tuổi, vì rất nhiều lý do như: đột quỵ, tai nạn giao thông… Và mặc dù đã được đội ngũ thầy thuốc cố gắng hết sức để cứu chữa, nhưng rất nhiều trường hợp vì tổn thương quá nặng, không thể qua khỏi đã dẫn tới chết não… Vậy thì, nếu những trường hợp này mà người thân thay đổi được cách nhìn của văn hóa Á  Đông là “chết phải toàn thây” mà hiến tạng cho khoa học, thì đây chính là một nguồn tạng không hề nhỏ, cứu sống được rất nhiều bệnh nhân đang cần và chờ được ghép tạng…

Thiếu tá Lê Hải Ninh đã ra đi nhưng anh và gia đình đã viết nên câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lan tỏa cách sống, cách nghĩ và để lại món quà kỳ diệu giữa cuộc đời với nhiều ước nguyện và gửi gắm yêu thương.


Thu Hà
Ý kiến của bạn