“Mỗi ngày tại BV Hữu nghị Việt Đức có từ 2-3 bệnh nhân chết não và một năm hơn 11 ngàn trường hợp tử vong do tai nạn giao thông có thể hiến tạng. Tuy nhiên, 5 năm qua, chỉ có 25 trường hợp hiến tạng do chết não, trong khi đó, hàng chục, hàng trăm nghìn bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận đang chờ được ghép nội tạng để có thể kéo dài cuộc sống. Với chúng tôi, đây thực sự là điều đáng tiếc khi bác sĩ (BS) vẫn có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh, khi người bệnh vẫn còn cơ hội và khao khát sống nhưng phải bó tay bởi không có nguồn tạng để ghép”.
Đó là những chia sẻ bên lề cuộc gặp gỡ công bố thành công của ca ghép tim, gan từ một người cho chết não ngày 5/9 đã thành công của BS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
Bệnh nhân ghép tim (ảnh trên) và bệnh nhân ghép gan (ảnh dưới) đã tỉnh táo, trò chuyện và sắp được xuất viện.
Đừng để phải nuối tiếc
Nói về trình độ ghép tạng hiện nay tại Việt Nam, BS. Nguyễn Tiến Quyết - người tham gia ca ghép gan ngày 5/9 tại BV Hữu nghị Việt Đức cho biết, trình độ của các bác sĩ Việt Nam hiện ngang bằng với trình độ của thế giới. Tuy nhiên, vì sao ở Việt Nam hiện nay, những ca ghép tạng vẫn chưa nhiều? Đó chính là tình trạng khan hiếm nguồn tạng cho. Hiện danh sách chờ được ghép tạng đã rất dài và nhiều trường hợp bệnh nhân đã phải từ giã cõi đời bởi không thể chờ đợi được nguồn tạng. “Đây là điều khiến chúng tôi cảm thấy tiếc nuối vô cùng” - BS. Quyết nói.
BS. Quyết kể lại một câu chuyện đã lâu nhưng ông không thể quên. Cách đây 4 năm, ở Hà Nội, một người anh trong gia đình không may bị tai nạn giao thông chết não. Chính vợ con và cả gia đình của người anh này đều đồng ý cho thận để cứu một người em trong họ bị suy thận giai đoạn cuối. Nhưng, chỉ duy nhất có một người em ruột không đồng ý, vậy là ca ghép thận không được diễn ra, người anh kia mất và người em suy thận phải sống những ngày tháng cuối đời với căn bệnh hành hạ.
Theo BS. Quyết, quy định của pháp luật còn phần nào gây trở ngại trong việc cho, hiến tạng. Trên thế giới, việc cho tạng khi chẳng may bị tai nạn giao thông hoặc chết não là điều tất nhiên. Khi công dân đủ 18 tuổi, mỗi người đều có thể đăng ký hiến tạng. Nếu chẳng may bị chết não thì nguồn tạng của họ sẽ trở thành nguồn sống cho nhiều bệnh nhân đang chờ hiến. Số người không tình nguyện làm thẻ hiến tạng cũng như số cha mẹ phản đối việc này là rất ít.
Còn tại Việt Nam, ngay cả khi một người 18 tuổi trở lên đã đăng ký sẽ hiến tạng (nếu chẳng may bị chết não) nhưng khi người đó nằm xuống, chỉ 1 người không đồng ý thì pháp luật Việt Nam cũng không cho phép được lấy tạng của người hiến.
Theo BS. Trịnh Hồng Sơn, người tham gia ca ghép gan ngày 5/9 tại BV Hữu nghị Việt Đức, cần nhấn mạnh với cộng đồng rằng, chết não là các tế bào não hoàn toàn chết và sau đó các cơ quan trong cơ thể sẽ nhanh chóng hoại tử, chết theo. Điều này đồng nghĩa với việc không thể kéo dài sự tồn tại của người bệnh như sống thực vật. Sống thực vật là não chưa chết, bệnh nhân bị hôn mê sâu, không giao tiếp được. Bệnh nhân có thể sống lâu, thậm chí tới hàng chục năm. Vậy khi đã chết não, khi sớm muộn, các bộ phận tạng cũng sẽ bị phân hủy thì tại sao không hiến tạng cho những người đang cần. Một người chết não có thể cho tim, gan, thận,... cứu sống nhiều người một lúc.
BS. Sơn cũng cho biết, tại Việt Nam, quy trình khám nghiệm lâm sàng đánh giá chết não phải tiến hành nhiều lần cũng là nguyên nhân gây chậm trễ cho việc ghép tạng nếu người mất có yêu cầu hiến. Pháp luật quy định phải điện não đồ, chụp mạch não nhiều lần rồi mới có thể đưa ra kết luận. Còn ở Mỹ, có những nơi không cần khám nghiệm cận lâm sàng vẫn có thể chẩn đoán được. Họ dựa trên đánh giá về mức độ hôn mê sâu, mất vận động, mất phản xạ... Hiện nay, có nhiều trường hợp bệnh nhân chưa chết não đã cho về để lo hậu sự hoặc có những bệnh nhân chết não rồi vẫn giữ lại do người nhà cũng chưa hiểu về vấn đề này.
Những đường khâu cuối cùng hoàn tất khi đồng hồ đã chỉ gần 6 giờ sáng ngày 5/9. Sau 1 đêm trắng và một hành trình dài hy vọng mang lại cuộc sống mới khỏe mạnh cho bệnh nhân.
Cho đi để còn mãi
BS. Quyết cho biết, tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam cũng tương đương với thế giới. Đến nay, bệnh nhân sau khi ghép tim tại Việt Nam kéo dài cuộc sống lâu nhất là 4 năm và ghép gan là 8 năm. Việt Đức đã thực hiện được 11 ca ghép tim từ người cho chết não, 25 ca ghép gan (trong đó có 22 ca lấy từ người cho chết não), 250 ca ghép thận (trong đó có hơn 50 ca lấy từ người cho chết não). Ca ghép tim, gan cho 2 bệnh nhân ở Hà Nội từ nguồn tạng của người cho chết não tại TP. Hồ Chí Minh vừa nêu với chi phí khoảng 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 so với nước ngoài.
Sau ca phẫu thuật, bác sĩ tranh thủ nghỉ ngơi tại chỗ.
Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại BV Việt Đức, Hà Nội. Trung tâm thực hiện việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước. Trung tâm là cầu nối giữa người có nhu cầu với người có khả năng tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người có chỉ số phù hợp sinh học. Tại đây có ngân hàng bảo quản tạng và tiếp nhận các đăng ký hiến tạng từ người hiến tình nguyện. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Trong buổi gặp gỡ, câu nói của BS. Sơn theo tôi mãi: “Tôi mong người dân hãy có cái nhìn thay đổi về việc hiến tạng. Những gia đình không may có người bị chết não hãy biến đau thương thành hành động, hiến tạng để cứu sống nhiều người khác. Từ trước đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có trường hợp nào đã chết não mà sống lại được. Vậy tại sao gia đình không hiến tim, gan, phổi, 2 quả thận của người chết não để các bác sĩ ghép cho các bệnh nhân khác. Một lá gan có thể ghép cho 2-3 cháu bé...”.
Đăng ký vào tờ khai cam kết hiến tạng do BS. Sơn đưa, tự trong tâm, tôi thấy mình “lớn” hơn nhiều. Với tôi, việc làm đó còn mang cả ý nghĩa tâm linh. Bởi dù một người đã mất nhưng một phần của cơ thể của mình vẫn còn có ích, còn được sống trong những người khác như là một sự nối dài yêu thương.
Hành trình vận chuyển, ghép tạng hơn 1.700km
17h35 phút ngày 3/9, BV Chợ Rẫy thông báo với Trung tâm Điều phối hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể người quốc gia có bệnh nhân chết não tại BV Chợ Rẫy đồng ý hiến mô tạng.
11h59 phút ngày 4/9, Trung tâm và BV Việt Đức nhận được thông tin chính thức từ BV Chợ Rẫy thông báo người hiến tạng đã chết não hoàn toàn.
17h - 17h30 phút ngày 4/9, tim và gan của người cho chết não đã được các bác sĩ của BV Việt Đức và BV Chợ Rẫy lấy ra khỏi lồng ngực.
21h15 phút ngày 4/9, các bác sĩ của BV Việt Đức và 9 y bác sĩ của BV Chợ Rẫy lên máy bay mang theo hai hộp chuyên dụng bảo quản tim, gan từ TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị hành trình hơn 1.700km ra Hà Nội.
23h36 ngày 4/9, máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Lúc này nhờ sự tạo điều kiện và trợ giúp của bộ phận an ninh sân bay nên ê-kíp và các hộp bảo quản tạng đã không phải làm các thủ tục ở sân bay mà ra thẳng xe cấp cứu đã chờ sẵn.
1h10 phút ngày 5/9, quả tim của người chờ ghép được lấy ra khỏi lồng ngực.
1h59 phút ngày 5/9, khối gan của người chờ ghép được cắt ra khỏi cơ thể.
3h59 phút ngày 5/9, hoàn thành ca ghép tim. Ngay sau đó, quả tim đã đập trong lồng ngực của người nhận.
5h59 phút ngày 5/9, hoàn thành ca ghép gan. Ngay sau đó các bác sĩ đã siêu âm tại chỗ khối gan vừa được ghép. Kết quả cho thấy, gan hồng tươi, tiết mật.
Đến chiều ngày 5/9, sức khỏe hai bệnh nhân được ghép tim và gan tiến triển tốt và chuẩn bị được rút nội khí quản.
Đến trưa ngày 7/9, cả hai bệnh nhân đã trò chuyện được, đã tự ăn và dự kiến khoảng 10 ngày nữa sẽ xuất viện.
Bài, ảnh: Thanh Loan