Hiến tạng - Cho đi là còn mãi

18-12-2016 16:44 | Y học 360

SKĐS - Ai cũng biết hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người là hành động cứu người và ai cũng hiểu “Cứu 1 mạng người hơn xây 7 tòa tháp”

Ai cũng biết hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người là hành động cứu người và ai cũng hiểu “Cứu 1 mạng người hơn xây 7 tòa tháp” song không phải ai cũng dễ dàng làm việc đó bởi có rất nhiều rào cản từ gia đình, từ quan niệm “chết toàn thây”, từ suy diễn tâm linh... Chính bởi những trở ngại đó mà 5 năm qua, chỉ có 25 trường hợp hiến tạng sau khi chết não.  Một con số quá ít ỏi đã khiến nhiều người bệnh khao khát sống nhưng phải ra đi bởi không có nguồn tạng để ghép. Với mong muốn phá bỏ những rào cản tâm lý, đánh thức lòng từ tâm của bạn đọc cùng hưởng ứng tham gia vào công việc nhân đạo hiến mô, tạng và bộ phận cơ thể người, báo Sức khỏe&Đời sống phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức buổi giao lưu Truyền hình trực tuyến với chủ đề: Hiến tạng - Cho đi là còn mãi.

Hiến tạng Các khách mời tham gia chương trình Truyền hình trực tuyến “Hiến tạng - Cho đi là còn mãi”.     Ảnh: PV

“Chết phải toàn thây” là quan niệm hoàn toàn sai lầm

Chia sẻ về câu chuyện người cha không đồng ý hiến xác của người con chết não để cứu người con bị suy thận chỉ vì lý do “chết phải toàn thây” đã dẫn đến cái kết đau lòng cả hai người con cùng ra đi, Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ -  Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng - Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nói: “Tôi xin được bày tỏ nỗi đau xót về quyết định mà theo tôi đó là sai lầm của người cha. Có thể ông đứng trên quan niệm chết toàn thây mới là chết lành, từ đó đánh mất một cơ hội rất quý giá để tái tạo sự sống cho một người con còn lại. Vì sai lầm đó dẫn tới việc cả hai con cùng chết. Việc hiến tạng giữa hai anh em là một nghĩa cử rất đáng được hoan nghênh. Vì anh em cứu nhau. Lẽ ra, với vai trò làm cha, người đàn ông này nên bắt chước vợ của mình ủng hộ quyết định hiến tạng để cứu con mình. Đằng này, từ một nhận thức không được tốt đẹp lắm dẫn đến tình trạng ông và người vợ của mình phải khóc để tiễn biệt luôn cả hai người con”.

Giải đáp về quan niệm “chết phải toàn thây”, Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ cho rằng: Đó là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Chúng ta phải thấy rõ là không có cách chết nào với các hình thức tống táng nào mà dẫn đến sự toàn thây được. Việc cho rằng hiến mô tạng và thi thể cho y học sẽ dẫn đến kết quả không toàn vẹn trong kiếp sau là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Theo Phật giáo, cái chết không phải là dấu chấm cuối cùng trong cuộc đời. Chỉ trong vòng vài tích tắc sau khi chết là sự sống được tái sinh trong hình thái một phôi thai của một người mẹ mới. Lúc đó thì tâm thức của người chết đã hiến mô, tạng và thi thể sẽ được tái tạo trong bào thai của một người mẹ mới và phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ đó, di truyền của người mẹ và người cha mới nên khi sinh ra vẫn toàn vẹn. Tóm lại, quan niệm của Phật giáo cho rằng hiến mô, tạng và thi thể hoàn toàn không có một trở ngại gì cho tiến trình tái sinh của người chết sau đó mà ngược lại nó còn có những quả phúc rất đáng kể.

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ giải thích cặn kẽ: Triết lý Phật giáo không bao giờ ngăn cấm những hành động từ bi và nhân văn cao cả như hiến mô, hiến xác, hiến tạng cho y học. Trong Phật giáo có khái niệm rất mới lạ là bố thí nội tài bao gồm toàn bộ sự sống trên cơ thể con người mà theo y học là hiến mô, hiến tạng và hiến bộ phận cơ thể cho y học.

Là người tiên phong trong phong trào hiến mô tạng, hiến xác, Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ kêu gọi: Việc hiến mô tạng là tạo cơ hội cho một người khác đang đấu tranh với sự sống có điều kiện để tái sinh một lần nữa ngay trong kiếp sống hiện tại này. Là một con người, chúng ta đừng đánh mất cơ hội hoặc trì hoãn để mình đóng góp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống đăng ký hiến tạng

Đã từ lâu BS.TTƯT. Trần Sĩ Tuấn - Tổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống đã có mong muốn được hiến mô tạng, hiến xác cho y học, song tại buổi truyền hình trực tuyến “Hiến tạng - Cho đi là còn mãi” mới có dịp để thực hiện ước nguyện. Ký vào bản đăng ký hiến mô tạng, hiến xác, BS.TTƯT. Trần Sĩ Tuấn rất xúc động nói: “Không gì đẹp hơn là một người đem một phần sự sống của mình đi cho người khác. Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào cuộc vận động đầy ý nghĩa nhân văn cao đẹp này...”.

Hiến tạngTổng biên tập báo Sức khỏe&Đời sống Trần Sĩ Tuấn đăng ký hiến tạng.

Với cái nhìn của người đứng đầu một cơ quan báo chí, BS.TTƯT. Trần Sĩ Tuấn cho rằng, việc truyền thông thay đổi nhận thức của người dân rất quan trọng.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ truyền thông qua báo viết, báo hình, báo nói, mạng xã hội mà rất ít truyền thông trực tiếp đến người dân. Các cơ quan truyền thông mới chỉ đưa những thông tin về thành tựu, về thành công các ca ghép, thiếu thông tin về ý nghĩa cuộc vận động hiến ghép, xóa đi quan niệm sai lầm, tôn vinh những người hiến tạng. Theo tôi nên tổ chức ngày tôn vinh những người hiến bộ phận cơ thể cho người khác, tôn vinh gia đình có những người chết não hiến cơ thể cứu sống nhiều người bệnh khác. Báo Sức khỏe&Đời sống đã liên tục tôn vinh những người hiến tạng, hiến xác. Đặc biệt, trong cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng, chúng tôi tôn vinh người mẹ có con 20 tuổi chết não đã vượt qua rào cản xã hội, nỗi đau mất con đồng ý hiến xác của con mình để mang lại sự sống cho 10 người khác.

BS.TTƯT. Trần Sĩ Tuấn lưu ý về tình trạng buôn bán nội tạng người bất hợp pháp trên các trang mạng xã hội. Nhiều kẻ xấu đang lợi dụng mạng xã hội để buôn bán nội tạng, kiếm tiền bất hợp pháp làm phá vỡ ý nghĩa cao đẹp của cuộc vận động. Theo luật nghiêm cấm mọi hình thức trung gian, mua bán nội tạng cơ thể người vì mục đích thương mại. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, họ phạt rất nặng, như Hàn Quốc có thể bị xử phạt từ 1-3 năm tù, còn ở Việt Nam chưa có các biện pháp chế tài nên vấn đề xử lý còn nhiều khó khăn.

Hiến tạngBản đăng ký hiến tạng của BS. TTưT. Trần Sĩ Tuấn được MC công bố ngay tại chương trình.

“Tôi nghĩ các phương tiện truyền thông cần vào cuộc để những người thực sự muốn hiến tặng bộ phận cơ thể người không bị lợi dụng hoặc vô tình tiếp tay cho những kẻ trục lợi. Các bộ phận an ninh mạng khi phát hiện cần điều tra và xử lý đến nơi đến chốn...” - BS.TTƯT. Trần Sĩ Tuấn cảnh báo.

Nói về mạng xã hội, Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Nhật Từ cho biết, từ năm 2014, bản thân Thượng tọa cũng đã đăng ký hiến mô tạng, hiến xác và đã có những buổi vận động hiến mô, tạng và hiến xác thông qua trang mạng xã hội. Sức lan tỏa từ hành động đẹp đó của Thượng tọa Thích Nhật Từ đã được hơn 200 phật tử hưởng ứng thông qua kết nối trên mạng facebook. Năm 2016, Thượng tọa đã vận động thành công 449 người tham gia.

hien tangCa ghép đa tạng (tim, gan, 2 quả thận) cứu sống 4 bệnh nhân từ một người cho chết não tại Bệnh viện Quân y 103.             (ảnh BV cung cấp)

“Vì vậy, tôi tha thiết kêu gọi các nhân vật có ảnh hưởng lớn trên các mạng truyền thông, đặc biệt facebook là mạng lớn nhất hiện nay, những người có lượt like từ 10.000 trở lên nên hưởng ứng trực tiếp lời kêu gọi của Bộ Y tế để làm công việc này một cách tình nguyện. Đối với các nhân vật có 500-700 nghìn hay vài triệu lượt like thì việc truyền thông như thế sẽ tạo ra một tác động cộng đồng rất lớn. Tôi tha thiết kêu gọi các cơ quan truyền thông tăng tần suất truyền thông về vấn đề hiến mô tạng và đặc biệt là các giờ vàng trên truyền hình, thay vì chạy các chương trình giải trí, ca nhạc trực tiếp hãy dành cho việc truyền thông nghĩa cử cao thượng này...” - Thượng tọa đề xuất.

Đại tá, PGS.TS. Lê Anh Tuấn - Trưởng kíp ghép thận Bệnh viện Quân y 103:

Trình độ ghép tạng của Việt Nam ngang tầm khu vực và có thể nói là ngang tầm quốc tế. Bệnh viện Quân y hiện nay có rất nhiều kíp ghép tạng. Một ngày có thể ghép được 3 quả thận cho 3 bệnh nhân khác nhau, có thể ghép cho nhiều tạng khác nhau từ một bệnh nhân là người cho chết não. Tuy nhiên, chúng ta đang rất hiếm nguồn tạng hiến. Phong trào hiến mô tạng, hiến xác cần được nâng cao hơn nữa để người dân sẵn sàng tham gia.


Ngọc Phương
Ý kiến của bạn