Hà Nội

Hiến máu giúp phát hiện sớm bệnh tật, kiểm soát cân nặng

18-12-2018 07:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - BS.CKII. Phù Chí Dũng, Giám đốc BV. Truyền máu Huyết học TP.HCM, cho biết, hiến máu không những mang lại sự sống cho người khác mà còn giúp bản thân người hiến kiểm tra nhóm máu, phát hiện sớm các bệnh tật.

Các bác sĩ sẽ khai thác các yếu tố hành vi nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét cũng như các bệnh có thể lây nhiễm qua đường truyền máu.

Hiến máu giúp phát hiện sớm bệnh tật, kiểm soát cân nặngHiến máu giúp kiểm soát cân nạng, giảm nguy cơ mắc bệnh

Kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ mắc bệnh

Mỗi lần hiến máu sẽ tiêu tốn 650kcal, giúp bạn kiểm soát được cân nặng của mình. Tuy nhiên, thời gian hiến máu an toàn nhất là khoảng hai hoặc ba tháng 1 lần và không được nhiều hơn. Mức độ thường xuyên này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ hemoglobin và sắt trong máu của từng người.

Hiến máu giúp phát hiện sớm bệnh tật, kiểm soát cân nặngNgười trưởng thành ở mọi lứa tuổi đều có thể đăng ký hiến máu

Hiến máu thường xuyên sẽ giúp kiểm soát lượng sắt trong cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Mặc dù sắt là yếu tố thiết yếu giúp cơ thể hoạt động tốt, nhưng thừa chất sắt có thể dẫn đến việc mất cân bằng oxy hóa quá mức, đây chính là thủ phạm gây lão hóa, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Hiến máu giúp giảm nguy cơ ung thư. Theo BS. Dũng, một trong những nguyên nhân gây ung thư liên quan đến hàm lượng sắt quá mức trong cơ thể. Đây là yếu tố dẫn đến sự gia tăng các tổn thương cơ bản trong cơ thể. Khi hiến máu, sắt dư thừa này được lấy ra khỏi cơ thể và do đó, nguy cơ bị ung thư cũng giảm. Khi sắt được giải phóng khỏi máu, nó sẽ làm giảm stress oxy hoá trên cơ thể và ngăn ngừa ung thư gan, ruột già, phổi và vòm họng.

Hiến máu giúp phát hiện sớm bệnh tật, kiểm soát cân nặngĐăng ký hiến máu là một hành động mang lại sự sống cho người khác

Càng hiến máu, cơ thể càng khỏe

Nhiều người sợ rằng hiến máu sẽ khiến cơ thể yếu đi, điều này không đúng. Hiến máu theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ không có hại cho sức khỏe của bạn. Về mặt lợi ích sinh lý của việc hiến máu: có lợi cho những người có quá nhiều hồng cầu, quá nhiều sắt hoặc trong một số điều kiện đặc biệt máu quá đặc. Trong những trường hợp này, lấy bớt máu đi là một chỉ định điều trị.

Hiến máu giúp phát hiện sớm bệnh tật, kiểm soát cân nặngNgày hội hiến máu “Nắng Sài Gòn” do CLB Hành trình đỏ TP.HCM phối hợp với Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP.HCM thu hút nhiều bạn trẻ hiến máu. Ảnh: Huỳnh Hiếu

Ngay sau khi hiến máu, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 - 10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3 - 4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường.

Theo BS. Phù Chí Dũng, máu là sản phẩm quý, hiện nay không có chất nào có thể thay thế được. Những nghiên cứu nhằm tìm ra các chất có thể thay thế được chức năng của máu cho đến nay vẫn chưa được áp dụng, nên máu cung cấp cho truyền máu đều được lấy từ người hiến.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm cần đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia hiến máu mới đáp ứng được nhu cầu về máu cho việc cấp cứu và điều trị. Dân số TP.HCM là 13 triệu dân, hơn thế nữa, TP.HCM là một thành phố lớn với nhiều bệnh viện đầu ngành khu vực phía Nam; dân nhập cư tham gia và học tập chiếm tỷ lệ cao, do đó nhu cầu về máu luôn luôn cao, đặc biệt cho dịp cuối năm về và dịp lễ tết.
Ngân hàng máu BV. Truyền máu Huyết học là đơn vị cung cấp máu cho các bệnh viện trong thành phố và hỗ trợ máu cho các bệnh viện tuyến dưới khi có yêu cầu, nên BV. Truyền máu Huyết học luôn cần có đủ máu cung cấp cho cấp cứu và điều trị. Người bệnh cần truyền máu có thể có nguy hiểm đến tính mạng nếu không có máu cung cấp kịp thời.
“Hiến máu cứu người cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Với tấm lòng nhân ái và sẻ chia, BV. Truyền máu Huyết học hy vọng các tổ chức, các cá nhân tích cực trong tuyên truyền vận động và tham gia hiến máu tình nguyện để hỗ trợ trong cấp cứu và trị bệnh”, BS. Phù Chí Dũng kêu gọi.
Hiện BV. Truyền máu Huyết học đang cần thêm khoảng 13.000 túi máu. Người dân có thể đến các địa chỉ:
1. Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM: 118 Hồng Bàng, phường 12, Quận 5.
- Từ thứ 2 - thứ 6: Sáng 7g00 -12g00; chiều 13g30 - 18g00.
2. Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP.HCM: 106 Thiên Phước, phường 9, Quận Tân Bình.
- Sáng từ 7g00 - 11g00: Từ thứ 2 - chủ nhật.
- Chiều từ 13h30 - 16h00: Từ thứ 2 - thứ 6.
Trước ngày hiến máu không thức quá khuya, không uống rượu bia, nên ăn nhẹ trước khi hiến máu, không ăn chất có nhiều đường, mỡ trước khi hiến máu; mang giấy CMND, hoặc giấy tờ tùy thân khi đi hiến máu.
Khi hiến máu, người cho sẽ được các bác sĩ tư vấn để khai thác các tiền sử bệnh lý liên quan tới sức khỏe, giải đáp những băn khoăn, lo lắng về việc hiến máu.

Lời khuyên của thầy thuốc
Trong 2 - 3 ngày đầu sau hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường. Người hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng, tốn nhiều sức lực.
Một số ít trường hợp những ngày sau hiến máu cảm thấy lo lắng và hơi mệt mỏi, nên bình tĩnh và yên tâm, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu.


HƯƠNG CÁT
Ý kiến của bạn