Hà Nội

Hiến ghép tạng - “Khi sự sống được sẻ chia”

16-11-2016 10:36 | Y học 360
google news

SKĐS - Chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” sẽ diễn ra vào lúc 20h30’, thứ tư, ngày 16/11/2016 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (truyền hình trực tiếp trên VTV2).

Chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” sẽ diễn ra vào lúc 20h30’, thứ tư, ngày 16/11/2016 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (truyền hình trực tiếp trên VTV2). Tới dự chương trình có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động Hiến tặng mô, tạng Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành y tế, đại diện 14 cơ sở ghép tạng, đại diện các Sở y tế, những gương mặt điển hình trong việc thực hành nghĩa cử cao đẹp: hiến tạng cứu người, các tổ chức xã hội, đội ngũ tình nguyện viên, tuyên truyền viên…

Những thành tựu ghép tạng tự hào

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội vận động Hiến tặng mô, tạng Việt Nam, đến nay, cả nước có 16 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người, có trang thiết bị hiện đại, trình độ đã từng bước tiếp cận được với quốc tế.

Kể từ khi ca ghép thận đầu tiên thành công tại Viện Quân y 103 vào năm 1992, tính đến ngày 15/6/2016, Việt Nam đã thực hiện 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 08 ca ghép tủy, 01 ca ghép khối thận - tụy và 1 ca ghép khối tim - phổi.

Chúng ta cũng đã thực hiện được các ca ghép đa tạng và vận chuyển tạng đi xa hàng nghìn km để cấy ghép. Những thành tựu trên mang lại uy tín, niềm tự hào cho ngành y tế Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiến ghép tạng

Ca ghép đa tạng (tim, gan, 2 quả thận) cứu sống 4 bệnh nhân từ một người cho chết não đêm 27/7 tại Bệnh viện Quân Y 103. (Ảnh: bệnh viện cc)

Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng trong chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, bộ phận của cơ thể người bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mạn, suy gan, suy tim, suy tuỷ...

Hàng ngàn người trông vào nguồn hiến tạng

Nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người hiện nay ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 6.000 người bị suy thận mạn đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; hàng trăm người đang chờ được ghép tim, phổi.

Nhiều bệnh nhân đã phải chết trong thời gian chờ ghép trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh là một sự lãng phí lớn và đang đặt ra cho chúng ta nhiều trăn trở.

Có thể nói, với lịch sử hơn 20 năm phát triển, ngành ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến dài về mặt công nghệ, kỹ thuật, đạt trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.

Mặc dù nhu cầu ghép mô, tạng ở nước ta là rất lớn, nhưng quy mô cung cấp còn rất nhỏ, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc tuyên truyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết, chết não còn nhiều hạn chế, chưa đến được với đông đảo người dân. Bên cạnh đó, việc thiếu hệ thống cung cấp thông tin, tư vấn và đăng ký hiến tặng mô, tạng; việc chưa xây dựng được mạng lưới điều phối mô, tạng quốc gia; chưa có mạng lưới truyền thông, vận động về hiến tặng mô, tạng rộng khắp cả nước cũng là những thách thức đang đặt ra với ngành y tế nước ta.

Chương trình truyền hình “Khi sự sống được sẻ chia” là sự kiện thường niên do Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế tổ chức. Chương trình nhằm tôn vinh những người hiến tạng, kêu gọi sự chung tay góp sức, sẻ chia sự sống của cộng đồng xã hội, giúp đỡ những bệnh nhân suy tạng trong cả nước; đồng thời góp phần truyền tải sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa nhân văn, giá trị khoa học và đạo đức của hoạt động này.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn