Nguy cơ nhiễm uốn ván cao
Theo đánh giá của Sở Y tế Đăk Lăk thì công tác y tế luôn được chú trọng phát triển đến tận các vùng sâu, vùng xa. Đến năm 2018 này, tất cả các xã đều có y sĩ, bác sĩ, cộng tác viên y tế và hệ thống cô đỡ thôn bản. Thế nhưng, bởi không chịu thay đổi thói quen nên chỗ này chỗ kia vẫn sinh đẻ tại nhà, tại nương rẫy. Sinh đẻ tại nhà, tại rẫy nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Tính riêng từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra trên 20 trường hợp uốn ván sơ sinh. Số ca nhiễm trùng này chủ yếu rơi vào các huyện vùng sâu, vùng xa, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức còn hạn hẹp.
Già làng Y Manh ở xã Ea H’Đinh (huyện biên giới Ea Súp) cho biết: Gần đây nghe theo cán bộ y tế nên nhiều người đưa con đi đẻ ở trạm xá chứ trước kia cứ để ở nhà rồi gọi mụ đỡ đẻ vườn đến đỡ đẻ. Có đứa trẻ sinh ra cứ ốm và còi cọc hoài lại quanh năm bị bệnh hô hấp nữa. Được giải thích nhiều thì bà con trong buôn làng mới hiểu ra.
Đã nhiều tháng trôi qua nhưng căn nhà chị H’Ngô Niê (24 tuổi, ở buôn Sah, xã Ea Bông huyện Krông Ana) vẫn tràn ngập không khí u buồn. Vào giữa năm 2017 thì chị H’Ngô trở dạ và được chẩn đoán là đến ngày sinh. Thay vì gọi người đưa đi trạm xá hoặc gọi nhân viên y tế thì người thân của chị H’Ngô lại đi gọi mụ đỡ vườn Tul Biên đến đỡ đẻ. Mụ đỡ đẻ vườn Tul Biên không hề được đào tạo gì, chỉ đỡ đẻ theo thói quen. Khi ép bụng chị H’Ngô sinh con xong, bà Tul Biên lấy dao cắt rốn rồi lấy dây vải buộc lại rất sơ sài. Ít ngày sau, con chị H’Ngô khóc ngằn ngặt rồi lên cơn sốt cao. Lúc này người nhà H’Ngô mới đưa cháu bé đi viện thì phát hiện nhiễm trùng nặng, tiên lượng xấu và cháu bé đã qua đời.
Ngoài trường hợp chị H’Ngô, ở huyện Krông Ana cũng từng xảy ra một số trường hợp nhiễm trùng sơ sinh nặng phải đưa đi cấp cứu vì người nhà sản phụ đã gọi các mụ đỡ đẻ vườn đến đỡ đẻ. Các ca đỡ đẻ hầu hết đều làm sai nguyên tắc y khoa, sử dụng dụng cụ cắt rốn không khử trùng, băng bó và vệ sinh sơ sài.
Phải thay đổi để tránh hiểm nguy
Theo BS. Võ Thanh Dũng (Trạm trưởng Trạm y tế Yang Reh, huyện KRông Bông, Đăk Lăk) bà con vùng sâu cần thay đổi ngay thói quen gọi mụ đỡ đẻ vườn để những đứa trẻ sinh ra không gặp các hiểm nguy về sức khỏe. Thực tế cho thấy, nhiều cháu lúc sinh ra không được vệ sinh tốt, nếu nhiễm bệnh được cứu chữa khỏi thì sau này cũng để lại một số di chứng không tốt. Ở xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi vẫn xem việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của bà con là việc cần làm thường xuyên.
Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Ea Bông (huyện Krông Ana), hiện tại trên địa bàn xã có 3 mụ đỡ đẻ vườn. Các mụ đỡ đẻ này ai gọi thì đi, học đỡ đẻ theo thói quen chứ không nắm vững các nguyên tắc chăm sóc sức khỏe trong y khoa. Cùng với việc tuyên truyền đến người dân thì địa phương vẫn thường đến vận động các mụ đỡ đẻ không đỡ đẻ theo thói quen nữa. Nếu có người nhờ, người gọi thì hãy khuyên họ gọi cô đỡ thôn bản, gọi nhân viên y tế hoặc đến trạm y tế.
Sở Y tế Đăk Lăk đánh giá rằng: Các bệnh nhiễm trùng sơ sinh rất nguy hiểm thế nên bà con phải thay đổi ngay nhận thức nhờ mụ đỡ đẻ vườn, đồng thời các bà mẹ phải thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng uốn ván sơ sinh.