Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống có mặt tại vùng cồn bãi Nam sông Gianh để mục sở thị cảnh hơn 100 học sinh thôn Tiên Xuân (người dân thường gọi là cồn Cưỡi), xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) hằng ngày vẫn chênh vênh trên con đò ngang qua sông đến trường.
Khoảng 11h, hơn trăm em nhỏ là học sinh của Trường Tiểu học Quảng Tiên và Trung học Cơ sở Quảng Tiên đã đứng đợi ở bến đò gần trường để qua sông về nhà. Đò vừa cập bờ, hàng chục em chen lấn, tranh nhau để được lên trước, chưa ổn định chỗ ngồi, đò đã vội vàng rời bến.
Trên con đò ngang, nhà đò cũng đã chuẩn bị gần chục chiếc áo phao và một số phao tròn, thế nhưng số ít em học sinh mặc áo phao. Các em ngồi chen chúc, thậm chí đùa nghịch trên đò. Một số em còn ngồi luôn lên lan can đò vô cùng chông chênh.
"Cháu và các bạn cùng thôn đều đi học bằng đò, đi nhiều cũng quen nên không sợ lắm. Bình thường thì cháu mặc áo phao, nhưng mà nóng với vướng quá nên cháu với các bạn cũng cởi ra", em Nguyễn Văn Sỹ, học sinh Trường THCS Quảng Tiên cho biết.
Hiện, toàn thôn Tiên Xuân hiện có hơn 200 hộ dân, có 95 em học sinh tiểu học và 63 học sinh THCS của thôn này đang phải đến trường trên những chuyến đò ngang. Nguyên nhân của việc này là vì cồn Tiên Xuân lọt mình giữa dòng sông Gianh. Để rời cồn bằng đường bộ, người dân phải đi qua con đê nối với cồn Quan (xã Quảng Trung) rồi đi qua cầu Công Hòa ở vùng trung tâm xã Quảng Trung. Vì bất lợi khi phải di chuyển bằng đường bộ nên hơn 100 em học sinh phải lựa chọn vượt sông bằng đò đến trường.
Theo tìm hiểu, chiếc đò được sử dụng để chở học sinh thuộc quản lý của UBND xã Quảng Tiên, do một người phụ nữ tại địa phương điều khiển. Để đưa được toàn bộ học sinh qua sông, mỗi ngày chiếc đò của xã Quảng Tiên phải qua lại hàng chục lượt.
"Đò ở đây chủ yếu là chở học sinh, chẳng mấy khi chúng nó mặc áo phao đâu, mà cũng chẳng đủ mà mặc, trên đò được có mấy cái. Nhà trường hay các đơn vị có tặng áo phao thì học sinh cũng mang về nhà cất chứ chẳng mang theo bao giờ", một người dân tại xã Quảng Tiên cho biết.
Đường bộ thì xa, đường thủy thì chuyến đò ngang chưa đảm bảo an toàn. Vậy nên mỗi hành trình đến trường và về nhà của học sinh nơi đây đều rình rập hiểm nguy. Bên cạnh đó vào những ngày mưa to, gió lớn, đò ngang không thể hoạt động là các em lại nghỉ học.
Rồi khi lái đò bất ngờ nghỉ, cả trăm học sinh thôn Tiên Xuân ra bến chờ mãi không được lại đành nghỉ học vì không thể qua sông. Cô giáo Bùi Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Tiên cho biết, hôm cao điểm có 93/95 em học sinh ở vùng Cồn Cưỡi vắng học vì đò ngang nghỉ chạy.
Theo cô Hiền, cứ mỗi khi thời tiết xấu, mưa lớn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ thì nhiều học sinh ở thôn Tiên Xuân nghỉ học vì đò không thể qua sông. Cứ mỗi lần như thế nhà trường lại phải bố trí giáo viên dạy bù cho các em vắng học.
"Các em học sinh tiểu học ở vùng cồn bãi vì chia cắt với xã nên đi học rất vất vả, mùa mưa thì thường xuyên vắng học. Trước đây chúng tôi cũng nghe nói có đề xuất xây dựng cầu để người dân và các em học sinh qua lại thuận tiện hơn, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Cây cầu chính là niềm mơ ước của người dân và học sinh ở bên đó", cô Hiền chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Ngừng, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên cho biết, phía địa phương và nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh phải tuân thủ các quy định khi qua đò. Dù được nhắc nhở nhưng một số học sinh vẫn chưa có ý tức thực hiện nên có tình trạng lộn xộn, không mặc áo pháo, nô đùa... khi qua đò.
Nghi nhận phản ánh của người dân về sự nguy hiểm rình rập trên chuyến đò ngang qua sông Gianh, chính quyền địa phương đã cho tạm dừng việc chạy đò. Với việc đò phải tạm dừng, trong những ngày qua, không ít học sinh tại thôn Tiên Xuân đã không đến trường.
Hiện địa phương này đang vận động phụ huynh chở học sinh đi học bằng đường bộ, đến khi đảm bảo được những quy định đường thủy mới cho đò vận hành trở lại.