Hà Nội

Hiểm họa từ 'rượu thuốc' làm đẹp

07-03-2014 09:57 | Thời sự
google news

Đánh vào tâm lý, nhu cầu thích làm đẹp của chị em, trên một số trang mạng (kể cả Facebook) rao bán “rượu thuốc” làm đẹp, trắng da, chữa nám, trị mụn... Và, đã có nhiều người là nạn nhân của sản phẩm không rõ nguồn gốc này.

Đánh vào tâm lý, nhu cầu thích làm đẹp của chị em, trên một số trang mạng (kể cả Facebook) rao bán “rượu thuốc” làm đẹp, trắng da, chữa nám, trị mụn... Và, đã có nhiều người là nạn nhân của sản phẩm không rõ nguồn gốc này.

Đánh vào tâm lý, nhu cầu thích làm đẹp của chị em, trên một số trang mạng (kể cả Facebook) rao bán “rượu thuốc” làm đẹp, trắng da, chữa nám, trị mụn... Và, đã có nhiều người là nạn nhân của sản phẩm không rõ nguồn gốc này.

“Rượu thuốc”, “kem trong” bà Th. bán cho khách để làm đẹp, trắng da - Ảnh: Lương Ngọc

Lời rao có cánh

Trên trang http://ruouthuoctrimun.wevina.vn , những lời quảng cáo về công dụng khi sử dụng “rượu thuốc” làm đẹp đầy hấp dẫn: “Trị mụn 100%, kể cả mụn bọc, mụn đỏ và lang ben, chỉ trong thời gian ngắn…”. Người bán không quên trấn an khách hàng rằng, khi bôi “mặt sưng đỏ, nổi mẩn rôm, hơi ngứa là hoàn toàn bình thường”. Phía dưới lời rao là số điện thoại của người bán đi kèm.

Mỗi loại cây có công dụng của nó, nhưng nếu không biết cách sử dụng, hoặc sử dụng bừa bãi sẽ gây hại cho cơ thể, chớ mạo hiểm

Lương y Vũ Quốc Trung

Tương tự, chúng còn được quảng cáo trên nhiều fanpage của mạng xã hội Facebook. Chúng tôi cũng thử truy cập vào đây với tiêu đề “rượu thuốc trị mụn gia truyền” thì xuất hiện ngay những nội dung giới thiệu về công dụng của loại này. Chẳng hạn như: “Rượu thuốc trị mụn, trị nám và làm đẹp da từ rễ cây thuốc nam. Bảo đảm uy tín, và giá tốt nhất hiện nay...; hoặc: “Rượu rễ cây là bài thuốc của người dân tộc được làm từ rễ cây, mật gấu nên có tác dụng, đặc trị mụn 100% kể cả mụn bọc và lang ben..., liên hệ số điện thoại: 0166.230...”.

Giá cả có nơi 90.000 đồng/chai 400 ml; có nơi 160.000 đồng nhưng chai chỉ 350 ml. Hầu hết những người rao bán trên mạng chỉ giao dịch qua điện thoại, rồi giao hàng tận nơi cho khách, chứ không cho địa chỉ cụ thể để người mua đến tận nơi. Và có người cho biết cây ngâm rượu là cây mật nhân, có người thì nói cây mật gấu.

PV cũng tìm được một địa chỉ bán “rượu thuốc” làm đẹp trên đường Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Người bán là bà Th. Trong nhà có một số thùng đựng rễ cây đã đóng gói sẵn trong bịch, thùng khác đựng các chai rượu (loại chai nước suối đã qua sử dụng) ngâm sẵn rễ cây, và thùng đựng kem trong (tên “kem trong” là do người bán gọi). “Em mua số lượng nhiều để bán lại, nên nhờ chị cho biết thành phần ngâm rượu để giới thiệu cho khách hàng”, PV đặt vấn đề với bà Th. Bà này nói: “Cây này không biết cây gì, chỉ biết cây thuốc nam tốt lắm! Nó không phải mật nhân, mật gấu như trên mạng rao. Nhưng em mua về bán thì cứ nói với khách là cây mật nhân, đừng nói không biết thì người ta không tin. Chị bán lâu rồi nên quen biết không sao”. Theo bà Th., nếu mua nhiều thì “rượu thuốc” làm đẹp giá 70.000 đồng/chai 400 ml. Còn “kem trong” giá 140.000 đồng/hũ, cây thuốc chưa ngâm 40.000 đồng/bịch (khoảng 200 gr).

Bà Th. cho biết đã bán “rượu thuốc” làm đẹp này mấy năm nay. Lúc trước, bà bán ở Bình Dương, sau này về TP.HCM mở bán ở Q.Bình Thạnh và Q.Tân Bình. Khách hàng ở xa chỉ cần liên hệ bà Th. qua điện thoại đặt hàng, cho địa chỉ, chuyển tiền qua tài khoản, thì bà sẽ cho người giao hàng tận nơi.

Sử dụng bừa bãi gây hại cho cơ thể

Về việc có người bán bảo “rượu thuốc” ngâm từ cây mật nhân, cây mật gấu, sau khi xem qua cây ngâm rượu của người bán, lương y Vũ Quốc Trung (hội viên Hội Đông y VN), khẳng định cây này không phải mật nhân, cũng không phải cây cỏ gấu. Mật nhân hay cỏ gấu là vị thuốc, nhưng trong đông y chưa hề nghe nói về công dụng làm đẹp da mặt của hai loại cây này bằng cách ngâm rượu rồi bôi. Có thể người bán nghe truyền miệng rồi lấy về ngâm rượu bán mà bản thân họ cũng không biết cây gì. Cũng có thể họ biết nhưng muốn “giấu bài”, nên nói đại một tên cây thuốc nào đấy. “Mỗi loại cây có công dụng của nó, nhưng nếu không biết cách sử dụng, hoặc sử dụng bừa bãi sẽ gây hại cho cơ thể, chớ mạo hiểm”, lương y Vũ Quốc Trung nói.

THANH TÙNG

Nạn nhân của “rượu thuốc” làm đẹp

L.T.K.O (22 tuổi, sinh viên một trường đại học ở TP.HCM) đã mua “rượu thuốc” làm đẹp tại cơ sở của bà Th. nói trên. Cô phản ánh: “Lúc mua, người bán chỉ nói sau khi bôi thuốc, mặt sẽ có hiện tượng ửng đỏ, xuất mụn ra, nổi hết lên, sau vài ngày sẽ khỏi không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, sau gần một tháng sử dụng, mặt tôi vẫn trong tình trạng sưng đỏ, mụn mọc ngày càng nhiều hơn, da mặt cứ bong tróc liên tục không thể rửa mặt thường xuyên vì nếu cọ mạnh sẽ đau và rỉ máu”. “Lo lắng vì tình trạng da mặt sau khi bôi thuốc rượu, tôi đã gọi lại cho bà Th. thì được bà trấn an không sao, rồi bà giới thiệu tôi mua kem trong để bôi kèm thì sẽ giúp da dịu lại, căng mịn ra. Người bán nói đây là kem nhập, rất tốt, nhưng kem này không có nhãn mác gì cả, chỉ có màu vàng đục và mùi hanh của keo dán”, O. cho biết thêm.

Một nạn nhân khác là chị Đ.T.T.D (24 tuổi, ở TP.HCM). Chị kể: “Mặt mình có mụn, dự tính mua thuốc uống thì được mấy người quen giới thiệu dùng “rượu thuốc” sẽ nhanh hết còn trắng đẹp như da em bé nữa. Mình đã mua một chai 400 ml với giá 200.000 đồng tại một tiệm thuốc tây trên đường D1 (Q.Bình Thạnh). Nhưng mới dùng 2 ngày thì mặt bị sưng phù lên, nổi hạt bóng nước như bị dị ứng, rất khó chịu”. Sợ quá, chị D. liền ngưng bôi.

Coi chừng teo, rạn và nám da

Trao đổi với PV, bác sĩ Võ Thị Bạch Sương (Bệnh viện Da liễu TP.HCM), cho hay thời gian gần đây, các bác sĩ chuyên khoa da liễu cũng  gặp nhiều bệnh nhân bị bỏng, bong tróc ở da mặt, da tay, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da kích ứng, sạm da... sau một thời gian thoa “rượu thuốc” được quảng bá làm đẹp. Các bệnh nhân này cho biết họ thoa theo lời giới thiệu của người bán là có công dụng làm trắng da, tẩy nám (?). “Y học cũng đã ghi nhận, một số chiết xuất của thực vật có tính năng làm sáng da. Tuy nhiên, chúng phải được bào chế theo quy trình sản xuất giống như một dược phẩm, với công thức, hàm lượng rõ ràng. Và, người làm ra chúng phải am hiểu chuyên môn. Còn với các loại kem không nhãn mác, kem người bán tự pha trộn, đã được các phương tiện truyền thông cảnh báo rất nhiều, nhưng con số nạn nhân của những loại kem này vẫn không giảm. Do thành phần chính của kem tự pha trộn là chất corticoid, nên khi sử dụng lâu dài, người dùng sẽ bị teo da, rạn da, giãn mạch, nổi mụn, giảm đề kháng da nên làm tăng nguy cơ bị nhiễm vi nấm, siêu vi, nguy hiểm nữa là bị tình trạng "nghiện" - nghĩa là nếu ngưng thoa nó hoặc dùng sản phẩm khác không có thành  phần giống nó, da sẽ bị đỏ sần, ngứa ngáy... Việc sử dụng, bôi bừa bãi các sản phẩm làm đẹp, nhất là dùng cho da mặt là rất nguy hiểm, dễ dẫn đến biến chứng làm hại sắc đẹp!”, bác sĩ Sương khuyến cáo.

 

 

 

 


Ý kiến của bạn