Từ những sản phẩm "ngon không thể diễn tả" chứa THC
Thông tin đầu tiên khi gõ từ khoá Medicated NR (viết tắt - PV ) trên một trang web của nước ngoài là câu hỏi: Bạn đã 21 tuổi hay dưới 21 tuổi? Ngay sau khi tích vào ô đã 21 tuổi, sẽ là những thông tin về loại "kẹo" dây được giới thiệu là: Một loại kẹo ngọt và dẻo rất ngon, không từ nào có thể diễn tả nổi. Kẹo có nhiều hương vị khác nhau như dâu tây, việt quất, anh đào và nho. Loại kẹo dây này chứa 400mg THC trong mỗi sợi dây. Những sợi dây kẹo dẻo được quảng cáo sẽ làm bạn hài lòng và nó rất hoàn hảo với cơ thể bạn sau một ngày dài làm việc…
Phần mô tả cũng giới thiệu các hiệu ứng của loại "kẹo" này là:
- Giảm đau
- Giảm viêm
- Thúc đẩy giấc ngủ
Ngoài ra trang này còn thông tin về một số sản phẩm có chứa THC như: G2 THC BRL 250mg ( viết tắt - PV ) được quảng cáo là loại nước thơm ngon và sảng khoái, mỗi chai đều được ngâm với chất lượng cao nhất của dầu cần sa vàng lỏng. Nước chanh tẩm cần sa G2 THC chứa 250mg THC. Theo hướng dẫn trên trang này, người dùng lắc đều và kèm với đá lạnh.
Những thông tin trên cũng được quảng cáo tương tự với loại nước có tên là nước chanh hồng PL 125mg THC (viết tắt - PV ).
... đến 9 học sinh dương tính ma tuý sau khi ăn chung gói kẹo chứa cần sa
Mới đây, báo Sức khỏe&Đời sống đã đưa tin, vào khoảng 07h45 ngày 25/10/2021 trong buổi lễ chào cờ đầu tuần có 09 học sinh Trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long, Quảng Ninh có biểu hiện ngộ độc (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay). Các em bị ngộ độc do cùng ăn chung 1 gói kẹo (màu xanh, có in chữ nước ngoài, không rõ xuất xứ) do 1 học sinh trong lớp mang đến lớp. Thông tin ban đầu cho thấy cả 9 học sinh dương tính ma túy (THC-cần sa).
Ban Giám hiệu nhà trường đã cùng tổ y tế sơ cứu ban đầu và đưa các em học sinh này đi cấp cứu tại BVĐK Hạ Long. Tại bệnh viện, các học sinh có biểu hiện kích thích, buồn nôn. Sau khi test nhanh nước tiểu các học sinh, cả 9 em đều dương tính với ma túy (THC - cần sa).
Vậy THC là gì?
Theo Wikipedia: Tetrahydrocannabinol (THC) là một trong ít nhất 113 cannabinoid được xác định có trong cần sa. THC là thành phần tạo ra tác động tâm sinh lý chính của cần sa. Với tên hóa học (-) - trans-Δ⁹-tetrahydrocannabinol, thuật ngữ THC cũng đề cập đến các đồng phân cannabinoid.
Giống như hầu hết các chất chuyển hóa thứ cấp có hoạt tính dược lý của thực vật, THC là một lipid có trong cần sa, được cho là có liên quan đến khả năng tự vệ của cây, chống lại sự xâm nhập của côn trùng, tia cực tím và căng thẳng môi trường.[
THC cùng với các đồng phân liên kết đôi và các đồng phân lập thể của chúng, là một trong ba cannabinoid được đưa vào Phụ lục của Công ước Liên hợp quốc về các chất hướng thần (hai loại còn lại là dimethylheptylpyran và parahexyl)…
Thành phần chính, hoạt chất trong cần sa là Delta-9-tetrahydrocannabinol (viết tắt là THC) được tìm thấy trong lá và hoa của cây cần sa.
THC kích thích não giải phóng một chất được gọi là dopamine, mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, thư thái, khoái cảm và tình dục. Khi vào cơ thể, THC nhanh chóng di chuyển từ phổi vào máu, lên não và các cơ quan khác trên khắp cơ thể, kích hoạt các phần của bộ não.
Nếu sử dụng THC quá liều sẽ có các triệu chứng như:
- Chóng mặt
- Tăng nhịp tim
- Khó thở
- Tái nhợt
- Lo âu, hoang tưởng
- Nôn mửa
- Không có khả năng di chuyển, mất phương hướng
- Run rẩy, sợ sệt
- Các giác quan thay đổi
Sử dụng THC gây nguy hại sức khỏe thế nào?
Tăng nhịp tim: Cần sa làm tăng nhịp tim trong 3 giờ sau khi hút thuốc dẫn đến làm tăng nguy cơ bị đau tim. Người cao tuổi và những người có vấn đề về tim mạch có thể có nguy cơ cao hơn.
Buồn nôn và nôn dữ dội: Sử dụng cần sa thường xuyên, lâu dài có thể dẫn đến một số người phát triển Hội chứng Hyperemesis Cannabinoid, khiến người dùng buồn nôn, nôn và mất nước thường xuyên.
Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần: Sử dụng cần sa lâu dài có liên quan đến bệnh tâm thần ở một số người, như: Ảo giác, hoang tưởng. Các triệu chứng nặng hơn ở bệnh nhân tâm thần phân liệt với các triệu chứng như ảo giác, hoang tưởng và rối loạn suy nghĩ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi nào học sinh các tỉnh có thể trở lại trường học? | SKĐS