Theo chuyên gia an ninh hàng không Richard Bloom, nhiều người sử dụng hộ chiếu đánh cắp hoặc hộ chiếu giả với nhiều lý do mà không phải lúc nào cũng có liên quan đến khủng bố.
"Họ có thể tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào một nước nào đó, hoặc có thể buôn lậu hàng đánh cắp, buôn người, thuốc hay vũ khí. Họ cũng dùng hộ chiếu giả để nhập khẩu hàng hóa hợp pháp mà không trả thuế", ông Bloom nói.
Không hãng hàng không nào đối chiếu
Tổng thư ký Interpol Ronald K. Noble cho biết: "Chúng tôi băn khoăn vì sao chỉ có vài quốc gia trên thế giới quan tâm đến việc đảm bảo những người dùng hộ chiếu đánh cắp không được lên các chuyến bay quốc tế".
Trước vụ mất tích của chuyến bay MH370, không nước nào đối chiếu các hộ chiếu mất cắp với danh sách của Interpol, mặc dù hai trường hợp hộ chiếu bị mất đều đã có trong khi dữ liệu này có từ năm 2012 và 2013. Các quốc gia có quyền truy cập cơ sở dữ liệu của Interpol.
Riêng năm 2013, số hành khách có thể lên máy bay mà không có giấy tờ hợp lệ được kiểm chứng với dữ liệu của Interpol là hơn một tỷ lượt. Trong khi số hành khách các hãng hàng không chở trên toàn cầu trong năm ngoái là hơn 3,1 tỷ người, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.
Theo Tom Fuentes, cựu phó giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Interpol không yêu cầu các nước truy cập cơ sở dữ liệu phải trả phí, nhưng một số trong 190 nước thành viên có thể không đủ năng lực về kỹ thuật hay nguồn lực để tiếp cận hệ thống này. "Việc thiết lập và sử dụng dữ liệu là tùy theo mong muốn của từng nước", Fuentes nói.
Cơ sở dữ liệu về giấy tờ bị mất của Interpol được tạo ra năm 2002, sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, nhằm giúp các nước bảo đảm an ninh biên giới của mình. Kể từ đó, dữ liệu đã tăng từ vài ngàn hộ chiếu và lượt tìm kiếm tới hơn 40 triệu hộ chiếu và hơn 800 triệu lượt tìm kiếm mỗi năm. Khoảng 60.000 trong số 800 triệu lượt tìm được lại giấy tờ bị mất hoặc bị đánh cắp.
Mỹ truy cập cơ sở dữ liệu hơn 250 triệu lượt mỗi năm, Anh hơn 120 triệu và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất 50 triệu lượt.
Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 300.000 hộ chiếu bị mất hoặc bị đánh cắp, theo bộ Ngoại giao Mỹ, nơi thu thập báo cáo về các hộ chiếu bị đánh cắp và gửi tới Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cũng như Interpol.
Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, tất cả các hành khách đặt vé đi, đến và đi qua Mỹ đều bị kiểm tra thông qua hệ thống thông tin hành khách tiên tiến.
"Nếu hãng Hàng không Malaysia và các hãng khác trên toàn cầu kiểm tra chi tiết hộ chiếu của các hành khách với dữ liệu của Interpol, thì chúng ta không phải nghi ngờ những hộ chiếu đánh cắp có bị những kẻ khủng bố sử dụng trên chuyến bay MH 370 hay không" , ông Noble nói.
Cầu nối Thái Lan
Hai hộ chiếu bị đánh cắp được dùng để lên chuyến bay MH 370 lần lượt bị mất ở Thái Lan năm 2012 và 2013.
Thái Lan là một thị trường màu mỡ của hộ chiếu mất cắp, Paul Quaglia, nhà phân tích an ninh và rủi ro trong khu vực cho biết. "Tình hình ở Thái Lan đã được cải thiện hơn so với 5-10 năm trước, nhưng vẫn chưa theo được các tiêu chuẩn quốc tế", Quaglia nói. Thái Lan vẫn là điểm giao dịch lý tưởng của các hộ chiếu giả trông như thật, gồm cả các hộ chiếu bị đánh cắp rồi thay đổi thông tin và các tài liệu liên quan khác.
"Không phải tất cả các hộ chiếu bị mất đều là các hộ chiếu 'bị đánh cắp'”, Quaglia nói.
Một số hộ chiếu bị mất thực tế bị chính người sở hữu bán đi. Nhiều người tới Thái Lan, rồi tiêu pha nhiều và thiếu tiền, nên có thể bán hộ chiếu. Họ dễ dàng được cấp lại ở các sứ quán theo dạng "bị mất hộ chiếu".
"Tôi thực sự hy vọng các chính phủ và các hãng hàng không trên toàn thế giới sẽ rút ra bài học từ vụ mất tích máy bay MH370 và bắt đầu quét tất cả hộ chiếu của các hành khách trước khi cho phép họ lên máy bay. Làm như vậy sẽ giúp chúng ta đảm bảo an toàn hơn", ông Noble nói.
Khánh Lynh (theo CNN)