Hiểm họa từ “bút phù thủy”

30-05-2013 14:26 | Pháp luật
google news

Vừa qua, Công an Hà Nội đã bắt giữ một lô hàng với hàng chục chiếc bút có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi viết một vài giờ đồng hồ sẽ bay hết mực hoặc có loại bút viết trên giấy nhưng không hiện chữ mà nhiều người đặt cho nó cái tên rất mỹ miều “bút phù thủy”. Sự xuất hiện của loại bút này đã gây lo ngại cho rất nhiều người.

Vừa qua, Công an Hà Nội đã bắt giữ một lô hàng với hàng chục chiếc bút có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi viết một vài giờ đồng hồ sẽ bay hết mực hoặc có loại bút viết trên giấy nhưng không hiện chữ mà nhiều người đặt cho nó cái tên rất mỹ miều “bút phù thủy”. Sự xuất hiện của loại bút này đã gây lo ngại cho rất nhiều người.

Nguy cơ sập bẫy kẻ gian

Theo Trung tá Hà Thế Hùng - Đội trưởng Đội Chống xâm phạm sở hữu trí tuệ cho biết, sau khi nhận được thông tin từ quần chúng nhân dân về việc xuất hiện, mua bán loại bút bay mực trong vài giờ được một số kẻ xấu dùng để lừa đảo trong các giao dịch kinh tế, ghi chép các văn bản quan trọng, xác nhận chuyện vay nợ hay cam kết mua bán... khiến nhiều người lo lắng, Giám đốc Công an Hà Nội đã giao đơn vị nhanh chóng lập chuyên án điều tra. Trung tá Hùng cho biết, những chiếc bút tương tự hiện đang được rao bán rộng rãi trên mạng và trên thị trường với giá từ 300 - 500.000 đồng. Những chiếc bút này có xuất xứ từ Trung Quốc, tuồn vào Việt Nam qua Móng Cái rồi được tuồn lậu vào sâu trong nội địa. Bước đầu, cơ quan công an xác định, động cơ của những người này là mua bán để kiếm lời khi thời gian gần đây, nhu cầu về mặt hàng này tăng cao, hậu quả của việc dùng loại bút này là do mục đích của người sử dụng. Trước đó, nhiều người làm việc giao dịch, ký kết giấy tờ vay nợ ở Hà Nội và các tỉnh truyền nhau thông tin chỉ sau một đêm, những tờ giấy viết tay, có chữ ký của những người vay tiền hoặc thế chấp tài sản bỗng bay sạch chữ, chỉ còn giấy trắng trơn.

Hiểm họa từ  “bút phù thủy” 1Một loại “bút phù thủy” bị công an thu giữ.

Thời gian trước, chỉ cần vào một số trang web mua bán online là có thể dễ dàng tìm ra các đầu nậu bán loại bút này với những lời quảng cáo rất giật gân để lôi kéo khách hàng khi gán cho loại bút bay mực này cái tên gọi “bút phù thủy” kèm theo những miêu tả đặc tính “ưu việt” của bút đại loại như: “Bút phù thủy là loại bút có thể xóa sạch những gì đã viết ra mà không để lại một dấu vết nào. Chỉ sau 6 - 24 giờ, mực đã viết ra sẽ tự động bay hết màu, trở lại trạng thái ban đầu như khi chưa viết...” hay “Bút phù thủy có thể viết lên mọi chất liệu: lên giấy, lên da, lên tường hay bất kỳ vật dụng gì...”. Nhưng hiện nay, khi bút “phù thủy” được cơ quan công an đưa vào tầm ngắm, hoạt động mua bán trên mạng đã đi vào bí mật.

Cảnh giác như thế nào?

TS. Vũ Đức Lợi - Viện Hóa học Việt Nam cho biết, trong điều kiện bình thường, chúng ta không thể thấy chữ viết bằng loại mực này vì nó không có màu, chỉ khi dùng đèn cực tím chiếu vào, chữ viết phát quang mới đọc được. Không chỉ vậy, loại bút này còn nguy hiểm vì khi vô ý rọi đèn cực tím vào mắt có thể gây mù lòa. Với loại bút tự mất màu mực, nhà sản xuất lợi dụng tác động của CO2, hơi nước trong không khí để thay môi trường pH của mực. Khi lượng pH vừa đủ, mực sẽ hiện lên nhưng khi pH xuống thấp, mực sẽ biến mất. Với trường hợp này, khi chữ bị phai mất, có thể lấy nước vôi nhỏ lên, mực sẽ hiện trở lại - một chuyên gia hóa học cho biết. Theo Viện Khoa học hình sự, sau khi giám định một số loại bút “phù thủy” tự mất màu có nguồn gốc từ Trung Quốc, cơ quan này khẳng định chúng có thể bị sử dụng vào những mục đích xấu trong giao dịch, mua bán... Trung tá Nguyễn Quang Huy - Đội trưởng Đội Giám định tài liệu, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Hà Nội cho biết, về nguyên lý, các loại mực viết đều biến đổi theo thời gian, nhạt dần và chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, khí hậu, đặc biệt là ánh sáng. Về loại mực bay màu, bản chất là một loại hóa chất, có thể có màu xanh, đỏ hoặc đen tùy theo cách pha chế. Mặc dù bay màu nhưng đó chỉ là hiện tượng chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác.

Theo nhiều trinh sát kể, hiện rất khó phân biệt giữa bút “phù thủy” với bút viết thật. Bởi hình dáng của bút và mực nhìn giống hệt bút bình thường. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có quy định nào xử phạt hoặc cấm hành vi sử dụng bút bay mực một khi chúng chưa gây ra hậu quả.

Trong một lần trao đổi với báo chí, đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an thành phố tăng cường giám sát và phát hiện kịp thời các đối tượng buôn bán loại bút nguy hiểm này. Ông Ngọc cũng đề nghị người dân và đặc biệt là các ngành liên quan đến giao dịch hợp đồng cần lưu ý vấn đề này, tránh những thiệt hại không đáng có.

Bài và ảnh: Nguyễn Chung


Thủ đoạn lừa đảo là người đi vay tự viết giấy vay và ký nhận vay với số tiền lớn nhưng khi người cho vay kiểm tra lại thì chỉ là một tờ giấy trắng. Nhiều người đã bị lừa số tiền lớn nhưng không biết làm gì hơn vì không có bằng chứng nào trong tay. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, để phòng ngừa việc tội phạm có thể sử dụng loại bút bay mực vào các mục đích xấu, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành giao dịch, ký kết hợp đồng, cam kết và các tài liệu quan trọng khác, nhất là những giấy tờ trong lĩnh vực tài chính, kinh tế..., cần chủ động chuẩn bị bút viết sử dụng loại mực có độ bền đưa cho đối tác ký.



Ý kiến của bạn