Nhiều bậc phụ huynh vẫn vô tư cho trẻ thổi bóng bay cao su, mà ít ai biết rằng bóng bay cao su được làm từ mủ cao su cùng các chất phụ gia dễ gây độc hại cho trẻ.
Không nên cho trẻ ngậm, thổi bóng bay vì có thể gây độc. Ảnh: M.N |
Theo các chuyên gia, nguyên liệu chính để sản xuất ra bóng bay là mủ cao su lỏng, màu trắng đặc như sữa và được giữ lỏng nhờ có trộn sẵn amoniac... Khuôn làm bóng bằng gỗ hay kim loại như nhôm đồng, có hình tròn, dài, bầu dục… tùy theo ý định cho quả bóng hình gì. Để bóng không dính vào nhau, người ta dùng bột nhẹ rắc lên. Còn phẩm màu cũng được sử dụng nhằm tăng các màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Các chất màu này đều sử dụng bột màu công nghiệp và chứa các chất kim loại độc hại như màu đỏ có chất chì, màu xanh và vàng có chất crom...
Trong quá trình sản xuất bóng bay, nhà sản xuất buộc phải sử dụng thêm một số chất phụ gia bao gồm các hóa chất như chất lưu hóa, chất xúc tác, chất dẻo hóa, chất chống ôxy hóa, các chất tạo màu và chất độn. Như vậy, trong quá trình sản xuất bóng bay, ta thấy có khá nhiều hóa chất độc hại bao gồm các kim loại nặng, các acid hữu cơ, các loại màu công nghiệp. Do đó, hầu hết các loại bóng bay trên thị trường hiện nay đều rất độc cho trẻ nhỏ khi thổi, ngậm hay cầm tay. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của trẻ. Nguy hiểm nhất là những chất này còn có thể gây ung thư.
Trên thế giới, nhiều nước đã có những quy định nghiêm ngặt cho việc chơi bóng bay ở trẻ, trên mỗi loại bóng cũng ghi rõ là dành cho những đối tượng nào. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì hầu như chưa có bất cứ kiểm soát chặt chẽ nào về chất lượng, độ tổn hại cũng như màu sắc của từng loại bóng bay. Nguồn gốc các loại bóng bay ở nước ta hiện nay chủ yếu từ hai nguồn chính là nhập từ Trung Quốc và tự sản xuất. Cách sản xuất chủ yếu là tự phát và chưa có quy trình kiểm soát chặt chẽ, vì thế tính chất độc hại lại càng cao hơn.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên tránh cho trẻ ngậm, thổi hay cầm nắm trực tiếp vào bóng bay. Việc cầm trực tiếp cũng khiến chất màu thôi ra tay, rồi trẻ lại ngậm, mút tay gây độc. Đặc biệt, đối với trẻ em dưới 3 - 4 tuổi, bóng bay cũng có nguy cơ làm trẻ hóc, nuốt phải khi thổi. Nếu cần phải thổi bóng thì cần phải sử dụng các vật trung gian như bơm, ống hút hay vỏ bút bi.
Bác sĩ Duy Cường