Mỗi dịp hè lại có rất nhiều vụ chết đuối thương tâm xảy ra. Tuy diễn ra theo những tình huống khác nhau, nhưng số lượng người tử vong mỗi vụ qua mỗi năm lại thường nhiều hơn, càng thêm cảnh tang thương. Đáng chú ý hơn cả là trong một số vụ gần đây, tai nạn chết đuối lại diễn ra ngay ở những ao, hồ được coi là vô cùng “an toàn”, thậm chí người lớn cũng cho phép con em mình tắm…
Một vụ đuối nước náo động thành phố
Đó chính là vụ việc thương tâm vừa diễn ra tại xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Dư luận vô cùng tiếc thương cho những con người xấu số nhưng cũng vô cùng tò mò về nguyên nhân.
Ngày 9/7, sau 5 ngày cấp cứu, cháu Nguyễn Bảo Hưng (13 tuổi) - một trong 3 bé trai tắm dưới ao làng ở xã Ninh Sở (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã tử vong. Đây là nạn nhân thứ 5 trong vụ đuối nước dưới ao làng ở thôn Sở Hạ đầy thương tâm.
Một góc ao xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội nơi vừa xảy ra tai nạn thương tâm.
Trước đó, chiều ngày 2/7, một nhóm trẻ nhỏ rủ nhau đến chiếc ao của thôn Sở Hạ để tắm. Không may có 3 cháu nhỏ (khoảng 13 tuổi) có dấu hiệu đuối nước, những đứa trẻ khác hô hoán mọi người đến trợ giúp. Nhiều người đã cùng nhảy xuống ao cứu 3 cháu nhỏ nói trên, trong đó có 2 người đàn ông đều là họ hàng của các cháu. Ngay sau đó, 2 cháu nhỏ đã tử vong tại bệnh viện. Còn cháu Hưng (nói trên) được cấp cứu tích cực tại BV Bạch Mai. Người nhà tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm 2 người đàn ông nhảy xuống cứu các nạn nhân trước đó cũng đã tử vong dưới lòng ao.
Điều đáng nói là người dân địa phương cho biết, ao này rộng khoảng 1.700m2, hàng ngày vẫn có các cháu nhỏ đến đây tắm. Khu vực gần bờ chỉ sâu khoảng 1m. Và họ cũng tỏ ra khó hiểu khi nhiều nạn nhân cùng gặp tai nạn nặng như vậy.
Một số người cho rằng có thể trong ao lắng đọng một lượng bùn lớn lâu ngày, tạo ra khí độc tích tụ. Một số người lại nghi vấn có rò rỉ điện của các hộ dân xung quanh xuống khu vực vì khi đó các cháu đang bơi sát một mép nhà lấn ra ao.
Dẫu sao đi nữa, tai nạn đã xảy ra. Vậy thì đâu là cách để phòng chống những tai nạn thương tâm tương tự?
Cần có môi trường an toàn
Một nguyên nhân có thể là nguy cơ lớn nhưng ít người chú ý, đó là sự tích tụ ô nhiễm của nước. Hiện nay, rất nhiều ao, hồ ở Hà Nội được người dân coi là... sọt rác lộ thiên để họ đổ rác, các chất thải sinh hoạt, nước thải sản xuất xuống.
Theo các chuyên gia phân tích mặt nước, ao hồ vốn là một hệ sinh thái vận động liên tục, trong đó lớp bùn phía dưới đáy hồ chứa rất nhiều vi khuẩn. Các vi khuẩn này có nhiệm vụ phân hủy bất cứ thứ gì chìm xuống đáy: xác chết động vật, lá cây và các chất hữu cơ khác. Trong điều kiện yếm khí - thiếu oxy, những vật liệu này sẽ bị phân hủy, sinh ra khí methane. Chính vì thế, methane còn có một tên gọi khác là “khí ao hồ” hoặc khí đầm lầy/khí bùn, chúng đôi khi tạo ra các bong bóng nhỏ trên mặt nước. Đây là loại khí rất độc, có thể gây bỏng rát khi tiếp xúc. Nếu những người tắm ở ao, hồ nhỡ khuấy đúng vào “ổ khí”, chúng có thể khiến con người nhanh chóng hôn mê.
Bởi vậy, các chuyên gia về an toàn và phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ cho rằng, điều cần thiết hơn cả cho trẻ để đối phó với những nguy cơ chết đuối, đó chính là kỹ năng an toàn, môi trường an toàn và sự giám sát của người lớn. Đặc biệt là đối với thành thị thì những bể chứa nước, ao, hồ công trình, giếng nước, ở nông thôn là những hố vôi, mương… đều tiềm ẩn những nguy cơ đuối nước với trẻ em.