Hiểm họa... lục bình

10-05-2012 16:01 | Xã hội
google news

Ai cũng nghĩ, về miền Tây sông nước, xuôi thuyền, ngắm những dề lục bình trôi lững lờ là một cảm giác lãng mạn, nên thơ.

Ai cũng nghĩ, về miền Tây sông nước, xuôi thuyền, ngắm những dề lục bình trôi lững lờ là một cảm giác lãng mạn, nên thơ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, lục bình lại đang là một vấn nạn, một nỗi ám ảnh khôn nguôi với người dân nơi đây bởi đơn giản, lục bình có ở khắp nơi, sinh trưởng nhanh đến chóng mặt gây ảnh hưởng lớn với việc đi lại, sinh hoạt, kinh tế của người dân.      

Nạn kẹt... lục bình

Có anh bạn ở Đồng Tháp Mười nói vui, ở thành phố, các anh phải đối mặt với nạn kẹt xe hàng giờ đồng hồ, còn ở đây, chúng tôi có nạn... kẹt lục bình. Kẹt lục bình còn nguy hại hơn kẹt xe nhiều vì nếu không khéo phải ở giữa sông cả ngày chứ chẳng chơi. Vậy là loài cây thơ mộng ấy đang trở thành một đại họa với nhiều bà con nông dân ở đây.

Chuyện lục bình phủ kín mặt sông bắt đầu xuất hiện ở miền Tây chừng 5 năm nay và ngày càng trở nên nhức nhối. Ngồi trên chuyến đò chạy dọc sông Vàm Cỏ Tây chừng hơn 10 cây số, có đến gần chục lần người lái đò phải dừng lại để dùng sào đẩy lục bình ra hòng tìm một lối thoát nhỏ cho con đò.
 
Chiếc đầu máy đuôi tôm đằng sau chạy è è hết công suất mới đẩy thuyền nhích lên được chút đỉnh. Nhìn những dề lục bình xanh thẫm kín cả dòng sông, anh bạn tôi ngao ngán bảo: Cứ bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, lục bình lại đặc kín như vậy. Không hiểu sao chúng sinh sản nhanh đến thế.
 
 Người lái đò này phải rất khó khăn để tìm lối thoát cho con đò.
Ngồi bên bờ sông Vàm Cỏ Tây thơ mộng, mắt dõi ra phía xa xa, ông Trần Văn Hai ở xã Bình Thạnh (Mộc Hóa, Long An) một nông dân đã sống ở đây từ mấy đời tâm sự: Lục bình có ở sông hay kênh rạch xung quanh đây là chuyện bình thường, từ bao đời nay vẫn vậy chứ không phải bây giờ.
 
Chỉ khác cái là những năm gần đây chúng bỗng nhiều và sinh sản nhanh bất thường gây vô vàn khó khăn cho cuộc sống người dân mà thôi. Trước kia, muốn đi từ đây xuống bến đò ở ven quốc lộ 62 mua bán trái cây, nông sản chỉ cần 30 phút chạy ghe là tới. Vậy mà giờ có lúc đi hơn 2 tiếng chưa tới bến vì lục bình dày đặc, chẳng biết len lối nào mà lên nữa.

Khốn khổ hơn nữa là các cháu nhỏ đi học. Bác Phạm Duy Hòa, một người chèo đò ở Bình Thạnh bảo, khi chở các cháu đi đò sang bờ bên kia đi học, tôi cứ lo lo vì mùa này lục bình quá dày, lơ là một chút mà lật thuyền là hậu quả khôn lường ngay. Sẵn chuyện vì lục bình mà lật thuyền, bác Hòa nói luôn: Mấy năm trước ở xã cũng có mấy trường hợp, chủ yếu là phụ nữ khi đi thuyền vì lục bình dày quá nên cúi xuống để đẩy chúng ra, ai ngờ ngã xuống sông mà thiệt mạng.

Dòng sông Vàm Cỏ Tây hiện nay đang dần trở lên xa lạ với nhiều bà con nông dân sống ngay ven bờ vì nỗi ám ảnh lục bình ngăn cách. Tuy nhiên, không chỉ riêng dòng Vàm Cỏ Tây đang bị thế giới lục bình thôn tính mà cả dòng Vàm Cỏ Đông rộng lớn cũng bị loài thực vật thơ mộng tưởng như chỉ có trong thơ nhạc này nuốt chửng. Tại địa bàn xã Long Thành (Châu Thành, Tây Ninh) nơi dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua, người dân hai bên bờ cũng lắc đầu chán nản vì lục bình phủ kín cả mặt sông, có nơi dài cả cây số.
 
Theo anh Nguyễn Văn Ly, cán bộ nông nghiệp của xã, hiện nay đang mùa thu hoạch lúa nên tình trạng lục bình phủ kín sẽ khiến nhiều người lo lắng vì không đưa lúa về nhà được. Nhiều hộ nông dân trong xã phải chịu cảnh hụt giá, mất mùa oan vì chậm trong khâu vận chuyển.

Thất bát vì lục bình

Không chỉ gây khó khăn trong đi lại giao thông mà lục bình còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bà con nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tây Ninh rộng lớn. Theo ông Nguyễn Văn Hùng ở Bình Phong Thạnh, Mộc Hóa, Long An thì nhà ông vừa mất mùa thơm (dứa) vì lục bình kẹt cứng khiến không còn cách gì vận chuyển thơm sau khi thu hoạch được. Thương lái cũng ngao ngán lắc đầu khi không thể vượt hơn chục cây số kênh rạch toàn lục bình như thế. Mà ở vùng này, không chở bằng thuyền thì chẳng còn cách nào khác. Thế là công sức của gia đình cả một mùa vụ đành nằm đó chờ... héo.

Không chỉ các hộ thu hoạch lúa, thơm và các cây trồng khác mà cả ngành nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng vì theo ông Lê Văn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh thì lục bình ở đây đã là một vấn nạn khiến nhiều người phải đau đầu. Ngoài khó khăn trong việc đi lại, lưu thông thì lục bình còn làm nhiều hộ nuôi trồng thủy hải sản trên sông Vàm Cỏ Đông đoạn thượng nguồn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chúng lấn chiếm diện tích mặt nước, không gian và sản sinh ra nhiều loại vi khuẩn, tảo không có lợi cho việc nuôi thủy sản lồng bè ở khu vực này.

Quá búc xúc vì nạn lục bình, thời gian vừa qua tỉnh Tây Ninh, Long An đã có kế hoạch chi tới hàng chục tỉ đồng để vớt và xử lý nhằm giúp người dân dễ sống hơn. Trước đó, lãnh đạo các địa phương này đã kêu gọi người dân, bộ đội, tình nguyện viên tham gia vớt lục bình nhưng không xuể với đà tăng trưởng của chúng bởi chỉ sau một đêm ngủ dậy, lục bình lại kín đặc. Hy vọng với sự đầu tư mạnh mẽ này, nỗi ám ảnh lục bình sẽ được giảm bớt với bà con nông dân ở hai bên bờ Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông.  

Bài và ảnh:Đoàn Xá


Ý kiến của bạn