Hiểm họa do nhiễm khuẩn Listeria monocytogenes

30-10-2008 10:04 | Tin nóng y tế
google news

Người bị bệnh ăn phải thức ăn đã nhiễm L.monocytogenes, nhưng không giống như hầu hết nguồn thức ăn truyền bệnh khác gây bệnh ở đường ruột, L.monocytogenes gây ra viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng đệm và màng ối, tử vong ở trẻ sơ sinh.

Người bị bệnh ăn phải thức ăn đã nhiễm L.monocytogenes, nhưng không giống như hầu hết nguồn thức ăn truyền bệnh khác gây bệnh ở đường ruột, L.monocytogenes gây ra viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng đệm và màng ối, tử vong ở trẻ sơ sinh.

Đặc điểm mầm bệnh và yếu tố nguy cơ

 Trực khuẩn Listeria monocytogenes dưới kính hiển vi.
Listeria monocytogenes (LC) là trực khuẩn gram dương, ái khí hoặc kị khí phát triển ở nhiệt độ từ 1 - 45oC, không tạo bào tử nhưng có chuyển động điển hình khi được cấy ở nhiệt độ 20 - 25oC. LC gây bệnh nội bào ở những người mà hệ thống miễn dịch qua trung gian tế bào bị suy giảm. Phụ nữ mang thai gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn có lẽ do sự thay đổi về miễn dịch tại chỗ và toàn thân trong thai kỳ. LC gây ra viêm màng não nền, người bị nhiễm bệnh do thức ăn nhiễm khuẩn, bệnh xảy ra ở khoảng 5/1.000.000 dân hằng năm ở Hoa Kỳ. Thời gian ủ bệnh từ sau khi dùng thức ăn nhiễm khuẩn khuẩn 2 - 6 tuần. Những thực phẩm bị nhiễm khuẩn làm lây bệnh thường là: xà lách trộn, sữa tiệt trùng, pho mát mềm, patê, thịt lợn đóng gói và xúc xích kẹp bánh mì. Do thời gian ủ bệnh lâu dài nên đã gây khó khăn trong việc xác định nguồn thực phẩm gây dịch bệnh. Người ta cho rằng một vài nhóm nhiễm LC ở trẻ sơ sinh bắt nguồn từ bệnh viện do sử dụng những dụng cụ bị nhiễm khuẩn. Những người trồng rau và tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm khuẩn cũng dễ mắc bệnh.

Biểu hiện của bệnh

Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn đều xảy ra vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Đa số phụ nữ mang thai bị nhiễm LC có dấu hiệu sốt, mệt mỏi và đau lưng, có khi thấy tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn trong suốt thời kỳ nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể lây truyền qua rau thai dẫn đến nhiễm khuẩn tử cung, viêm màng đệm và màng ối, sinh non, hoặc bệnh khởi phát ở giai đoạn sớm ở những trẻ mới sinh. Phụ nữ nhiễm bệnh dễ bị sảy thai tự nhiên. Trẻ sơ sinh tuần lễ đầu tiên khởi phát bệnh với những dấu hiệu nhiễm khuẩn, khó thở những tổn thương ở da, hội chứng u hạt nhiễm khuẩn đặc trưng bởi những ổ áp-xe rải rác ở gan, lách, tuyến thượng thận, phổi và những cơ quan khác. Một số trẻ sơ sinh phát bệnh ở giai đoạn muộn thường bị viêm màng não nhiều hơn so với trẻ khởi phát ở giai đoạn sớm. Nếu nhiễm khuẩn bào thai ở giai đoạn sớm thường đi kèm với những biến chứng sản khoa như sinh non và viêm màng đệm và màng ối.

Nhiễm khuẩn LC còn xảy ra ở những người suy giảm miễn dịch, nhất là những người điều trị lâu dài bằng glucocorticoid, có khối u ác tính hoặc bệnh lý máu ác tính, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh gan và AIDS.

Nhiễm khuẩn huyết là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất ở những người bị tổn thương hệ miễn dịch, và nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương đứng hàng thứ nhì. Triệu chứng nhiễm khuẩn huyết do LC không thể phân biệt với nhiễm khuẩn huyết do những vi khuẩn khác gây ra. Bệnh nhân thường bị sốt, mỏi cơ, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.

      Một số nghiên cứu cho thấy 20% bệnh nhân mắc bệnh tử vong hoặc chết chu sinh. Hầu hết trường hợp mắc bệnh do L.monocytogenes riêng lẻ, nhưng cũng có một vài trận dịch bùng phát bệnh do nguồn thực phẩm nhiễm khuẩn gây ra. Trận dịch lớn nhất xảy ra tại Los Angeles năm 1985 có hơn 100 ca mắc bệnh, trong đó 48 trường hợp tử vong hoặc chết chu sinh. Trận dịch khắp nước Pháp vào năm 1992 có 279 trường hợp mắc bệnh có 63 người chết.

Viêm màng não cấp tính hoặc bán cấp gồm các triệu chứng: sốt, đau đầu, suy giảm trí tuệ; xét nghiệm dịch não tủy có thể cho thấy tăng tế bào bạch huyết, tăng nồng độ protein, nồng độ glucose bình thường, hiếm khi tăng bạch cầu đơn nhân; viêm não, màng não, áp-xe trong não, tủy sống và nội sọ; liệt dây thần kinh nội sọ không đối xứng, suy giảm trí tuệ, các dấu hiệu tiểu não, mất cảm giác và vận động; sốt, mất điều vận, động kinh, thay đổi nhân cách, hôn mê, cứng gáy.

Viêm màng trong tim xảy ra trên các van tim đã có tổn thương từ trước, hay gây tình trạng nghẽn mạch hệ thống.

Nhiễm khuẩn khác có thể gặp là: nhiễm khuẩn mắt, viêm phúc mạc, viêm xương tủy xương, áp-xe nội tạng, viêm phổi - màng phổi, viêm túi mật, viêm da ở người trồng rau, người chế biến thịt gia cầm.

Viêm dạ dày ruột cấp tính gây tiêu chảy ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Phương pháp chữa trị

Có thể sử dụng một hay kết hợp vài loại kháng sinh sau đây để điều trị bệnh: ampicillin, penicillin uống hay tiêm tĩnh mạch, dùng thêm aminoglycosid để hỗ trợ. Lưu ý là vi khuẩn không nhạy cảm với cephalosporin vì vậy không nên sử dụng đơn độc để điều trị. Ở những bệnh nhân bị viêm màng não kèm suy giảm miễn dịch nên sử dụng thêm gentamicin để hỗ trợ.

Điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn trong các ca viêm não, màng não, nhiễm khuẩn huyết...

ThS. Đỗ Ngọc Lân


Ý kiến của bạn