Hiểm họa do bệnh than

13-11-2008 12:10 | Bệnh thường gặp
google news

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn Bacillus anthracis lây từ động vật ăn cỏ sang người chủ yếu qua đường hô hấp, số ít qua đường tiêu hóa. Tại các vùng lũ lụt do môi trường đất và nước bị ô nhiễm, vi khuẩn khuếch tán ra nhiều nơi nên nguy cơ mắc bệnh cao, bà con cần cảnh giác đề phòng.

Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn Bacillus anthracis lây từ động vật ăn cỏ sang người chủ yếu qua đường hô hấp, số ít qua đường tiêu hóa. Tại các vùng lũ lụt do môi trường đất và nước bị ô nhiễm, vi khuẩn khuếch tán ra nhiều nơi nên nguy cơ mắc bệnh cao, bà con cần cảnh giác đề phòng.

Bệnh than từ động vật ăn cỏ lây sang người do tiếp xúc với súc vật bị bệnh hoặc ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn, do côn trùng cắn, do hít hoặc nuốt phải vi khuẩn.

 Tổn thương da do bệnh than.
Đặc điểm của vi khuẩn than và dịch bệnh

Bacillus anthracis còn gọi là vi khuẩn than (VKT), là loại vi khuẩn gram dương, lớn, ái khí, tạo bào tử, có vỏ, không di động và phát triển tạo thành chuỗi. Nhưng trong cơ thể động vật sống không xảy ra quá trình bào tử hóa. Do vi khuẩn có dạng hình vuông nên chuỗi các VKT nhìn trên kính hiển vi có hình dáng như đoàn tàu hỏa. Tuy bào tử của VKT có thể tồn tại nhiều năm trong đất khô nhưng chúng lại bị tiêu diệt khi nước đun sôi 10 phút, hoặc bị diệt bởi thuốc tím, nước ôxy già hay formaldehyd loãng. Bệnh than có ở khắp nơi trên thế giới, phổ biến nhất ở các động vật ăn cỏ hoang dã và súc vật nuôi như trâu, bò, cừu, ngựa, dê... Động vật ăn cỏ bị bệnh do ăn phải thức ăn có nhiễm bào tử của VKT. Động vật mắc bệnh thường nặng và tỷ lệ tử vong cao. Giai đoạn cuối của bệnh do nhiễm khuẩn máu nặng, động vật bị xuất huyết từ mũi, miệng và đường tiêu hóa, cùng với xác chết của động vật bị nhiễm bệnh làm ô nhiễm vào đất và nước. Trong môi trường đất và nước VKT chuyển sang dạng bào tử và tồn tại nhiều năm.

Người mắc bệnh là do: tiếp xúc với động vật mắc bệnh than trong công việc lúc lột da, mổ xẻ thịt; do vết cắn của ruồi bị nhiễm khuẩn, trường hợp hiếm gặp là ăn thịt động vật mắc bệnh; tiếp xúc với da thú, lông cừu, len hoặc xương.

Biểu hiện của các thể bệnh

Bệnh than có các thể bệnh như sau:

 Tổn thương mắt do bệnh than.
- Bệnh than da: Sau khi nhiễm khuẩn vài ngày xuất hiện một số nốt sần đỏ nhỏ trong da; tuần tiếp theo, tổn thương tiến triển qua các giai đoạn mụn, phồng nước hoặc bọng nước và tạo thành ổ loét có vảy hoại tử màu đen, xung quanh ổ loét bao bọc bởi vùng phù nề rộng, màu nâu. Tổn thương ở giai đoạn đầu gây ngứa, ở giai đoạn toàn phát thì gây đau. Viêm hạch không đặc hiệu gây đau ở các vùng lân cận tổn thương da. Hầu hết bệnh nhân không sốt, ít hay không có dấu hiệu toàn thân. Tuy nhiên trong những ca nặng có phù kèm theo sốc. Tổn thương tự liền sẹo trong 80 - 90% các ca không điều trị, nhưng phù nề vẫn kéo dài trong vài tuần. Khoảng 10 - 20% bệnh nhân không điều trị, bệnh tiến triển nặng dần, gây nhiễm khuẩn huyết, sốt cao và tử vong nhanh chóng.

- Bệnh than hô hấp: Các bào tử VKT thâm nhập thẳng vào phế nang hoặc các ống phế nang, nhưng chúng bị các đại thực bào phế nang diệt. Tuy nhiên số ít vi khuẩn đến các hạch trung thất và phát triển nhanh chóng gây hoại tử chảy máu hạch, viêm trung thất chảy máu, nhiễm VKT nặng trong máu. Triệu chứng giai đoạn cấp tính với các biểu hiện sốt tăng dần, khó thở, thở rít, thiếu ôxy và tụt huyết áp, thường tử vong trong vòng 24 giờ. Dấu hiệu Xquang đặc trưng của viêm trung thất xuất huyết là giãn rộng cân đối vùng trung thất có giá trị chẩn đoán sớm bệnh than hô hấp.

- Bệnh than tiêu hóa: Xảy ra do ăn thịt động vật bị bệnh nấu chưa chín kỹ. Triệu chứng đa dạng gồm sốt, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy ra máu, có thể phát triển nhanh chóng thành cổ trướng; một số ca tiêu chảy rất nặng. Bệnh than thể hầu họng có các triệu chứng chính là sốt, đau họng, nuốt khó, viêm đau hạch vùng chung quanh, nhiễm độc máu, có thể rối loạn hô hấp.

Điều trị và phòng bệnh như thế nào?

Thuốc penicillin có tác dụng diệt hầu hết các chủng VKT nên việc điều trị có nhiều thuận lợi. Đối với người dị ứng với penicillin, có thể dùng ciprofloxacin, erythromycin, tetracylin hoặc chloramphenicol. Trường hợp bệnh nặng có thể dùng kháng độc tố bệnh than kết hợp với kháng sinh.

Biện pháp phòng bệnh lâu dài đối với cộng đồng là sử dụng vaccin phòng bệnh than. Xác của súc vật chết do bệnh than phải được chôn sâu hoặc thiêu cháy. Nên tránh mổ thịt các súc vật nhiễm bệnh vì quá trình bào tử hóa của VKT chỉ xảy ra khi có ôxy. Xử lý phân, nước rác hợp vệ sinh. Dùng thuốc khử khuẩn ở đất và nước có súc vật bị chết. Sử dụng găng tay, đi ủng khi cần tiếp xúc với gia súc, khi vệ sinh chuồng trại gia súc. Thực hiện ăn chín uống sôi. Nấu chín kỹ thức ăn là thịt gia súc. Không ăn tái sống thịt trâu, bò, dê, cừu...

BS. Ninh Hồng


Ý kiến của bạn