Video 1 số lối đi tự mở cắt ngang đường sắt, tiềm ẩn nguy hiểm chết người:
Hiểm họa từ những lối đi tự mở cắt ngang đường sắt.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lối đi tự mở qua đường sắt nhất cả nước. Cụ thể, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài khoảng 162,11km, nhưng có đến 545 vị trí giao cắt đường bộ - đường sắt, trong đó có 183 đường ngang hợp pháp và 362 lối đi tự mở.
Hà Nội cũng có tới hơn 200 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt, hơn 800 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.
Ghi nhận của PV Báo Sức khỏe & Đời sống, dọc tuyến đường Lê Duẩn - Giải Phóng, xuất hiện rất nhiều lối đi tự mở cắt ngang đường sắt tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông qua khu vực này.
Nhiều đường ngang do người dân tự mở trái phép, theo thời gian, những lối đi tắt này trở thành đường đi cố định, trở thành tiền lệ xấu. Những lối đi tự mở cắt ngang đường sắt sẽ là rào cản cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, dẫn đến nhiều bất cập trong tổ chức giao thông.
Mặt khác, do mở chui, tạm bợ nên chỗ tiếp giáp đường sắt thường lồi lõm, xe qua lại rất dễ bị đổ, ngã hoặc chết máy, chỉ trong tích tắc có thể gặp “tử thần” khi tàu hỏa tới.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có đề xuất tới Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn ngân sách để nâng cấp lối đi tự mở thành đường ngang.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, theo Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt giai đoạn 2021-2025 thì đơn vị sẽ xây dựng mới 297 đường ngang hiện đang là các lối đi tự mở.
Để sớm đảm bảo ATGT tại 297 lối đi tự mở này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đơn vị hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo, lắp đặt thiết bị tín hiệu tại 297 lối đi tự mở thành đường ngang. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 750 tỉ đồng.
Liên quan đến việc chi phí dùng để nâng cấp 297 lối đi tự mở lên đến 750 tỉ đồng, ông Trần Thiện Cảnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, việc nâng cấp các lối đi tự mở thành đường ngang sẽ cần lắp đặt các thiết bị đèn cảnh báo, đèn chiếu sáng, thanh chắn tàu,... và nhiều chi phí về vật liệu, trang thiết bị khác nên cũng rất tốn kém...
Hình ảnh những lối đi tự mở cắt ngang đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT:
Căn cứ điểm a, khoản 4, Điều 51 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình đường sắt:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tự mở lối đi qua đường sắt; Khoan, đào, xẻ đường sắt trái phép; Tháo dỡ, làm xê dịch trái phép ray, tà vẹt, cấu kiện, phụ kiện, vật tư, trang thiết bị, hệ thống thông tin tín hiệu của đường sắt; Kéo đường dây thông tin, đường dây tải điện, xây dựng cầu, cầu vượt, hầm, hầm chui, cống, cột điện, cột viễn thông, hệ thống dẫn, chuyển nước, đường ống cấp nước, thoát nước, viễn thông (bao gồm cả công trình phục vụ quốc phòng, an ninh) trái phép qua đường sắt hoặc trong phạm vi đất dành cho đường sắt".
Như vậy, hành vi tự mở lối đi qua đường sắt sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Xem thêm video được độc giả quan tâm:
Dự Báo Thời Tiết Trong Ngày 4/7: Hà Nội Ngày Nắng Nóng Lên Tới 36 Độ C, Chiều Tối Có Thể Có Mưa Dông | SKĐS