Hiểm họa bệnh tật từ thực phẩm bẩn

28-12-2016 14:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Không hiếm thông tin về thực phẩm bẩn bị bắt, tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng...

Không hiếm thông tin về thực phẩm bẩn bị bắt, tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vượt ngưỡng… Giải quyết gốc rễ vấn đề này như thế nào? Phải chăng chúng ta thiếu chế tài xử lý?

Gánh nặng bệnh tật

Người dân ai cũng nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh tật khi sử dụng thực phẩm bẩn. Trừ một số gia đình có điều kiện thì sẽ có nhiều cách tìm thực phẩm sạch, nhưng còn một số ít gia đình điều kiện kinh tế khó khăn thì họ phải chấp nhận để ăn thực phẩm bẩn, giá rẻ. Điều đau lòng là chính người Việt lại tự hại người Việt. Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, trong 9 tháng của năm 2016, đã có hơn 345 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được kiểm tra, trong đó có gần 57 nghìn cơ sở vi phạm về ATTP, chiếm 16,51%. Ngoài việc xử phạt hơn 26 tỉ đồng, 145 cơ sở còn bị đình chỉ hoạt động, 133 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành... Đó là chưa kể hàng ngàn loại thực phẩm bị tiêu hủy do không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng... Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và thực phẩm ngâm tẩm hóa chất vẫn diễn ra phổ biến tại các chợ truyền thống và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy Chính phủ đã có quy định hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm thối, tẩm hóa chất độc hại có thể bị xử lý hình sự nhưng thực tế những vi phạm này vẫn chỉ bị xử phạt hành chính, do đó chưa đủ sức răn đe.Thực phẩm bẩn

Thực phẩm bẩn là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật.

Liên quan đến thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe, PGS.TS.  Phạm Duy Hiển - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Tỷ lệ ung thư của Việt Nam được đánh giá là cao trên thế giới mà nguyên nhân bị nghi ngờ là do các loại hóa chất độc hại có trong thức ăn hàng ngày. Chúng ta đều biết chuyện đó, nhưng bởi vì nhu cầu sinh tồn nên chúng ta không thể không ăn được. Tâm lý người dân bây giờ ai cũng sợ, nhưng họ không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận, vì có sợ thì thực phẩm vẫn bẩn, môi trường vẫn ô nhiễm. Vấn đề cơ bản nếu thực trạng nguy hiểm với sức khỏe cộng đồng, tốn kém chi phí cho điều trị thì phải có nghiên cứu, đánh giá thực sự làm rõ trong những trường hợp mắc ung thư đó thì có bao nhiêu phần trăm là do ăn phải thực phẩm bẩn. Từ đó chỉ rõ mỗi người cũng cần có trách nhiệm để ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh này trong cộng đồng.

Cũng theo PGS.TS.  Phạm Duy Hiển, chưa bao giờ căn bệnh ung thư được nhắc nhiều như trong thời gian qua. Ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Số người chết hàng năm do ung thư lên tới 82.000, chiếm 73,5% tổng số người bệnh. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trung bình do ung thư trên thế giới là 59,7%. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ tử vong trung bình là 67,8% và ở các nước phát triển, tỷ lệ này thấp hơn nhiều - chỉ có 49,4%.

Giải pháp nào để hạn chế thực phẩm bẩn?

Đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, gây ra nhiều hậu quả lớn cho xã hội nên tất cả các bộ, ban, ngành đã vào cuộc. Ngoài việc tuyên truyền “Nói không với thực phẩm bẩn” trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua, đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc dùng hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để người dân biết. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Về vấn đề này, trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội  được chia sẻ: Đã đến lúc chúng ta cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý những vụ việc vận chuyển, kinh doanh và sản xuất thực phẩm bẩn, mất an toàn, kiểm soát chặt chẽ không thể để thực phẩm bẩn giết từ từ con người. Tình trạng đầu vào trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống còn nhiều vấn đề bất cập, chưa quản lý tốt. Việc nhập khẩu chất cấm phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng tuồn ra sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng phải rõ ràng, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Có chế tài xử lý nghiêm và không để trường hợp cho phạt để tồn tại.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn