TS.BS Nguyễn Hoài Bắc - Trường khoa Nam học và Y học Giới tính, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, trước Tết, bác sĩ nam khoa điều trị cho bệnh nhân T. (nam, 57 tuổi) đến khám với một lý do hết sức đặc biệt, đó là chảy máu từ đường tiểu mỗi khi dương vật cương.
Bệnh nhân kể trong khoảng 20 năm nay, bệnh nhân xuất hiện tiểu ra máu ngay sau khi quan hệ tình dục với vợ. Có lúc là máu đỏ tươi, có lúc là máu cục, không đau đớn. Tiểu những lần sau đó lại hoàn toàn bình thường.
Bệnh nhân đã đi khám và điều trị 7 bệnh viện trong suốt 20 năm qua, cả thuốc tây y và đông y nhưng không khỏi. Khoảng 2 tháng nay, mức độ của bệnh tăng lên, xuất hiện chảy máu cả khi dương vật cương tự nhiên không liên quan đến quan hệ tình dục, tần suất 2-3 lần/1 tuần. Bệnh nhân thực sự lo lắng và quyết định đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Sau khi làm một số xét nghiệm chuyên sâu, cộng với chụp công hưởng từ, bác sĩ nam khoa đã loại trừ được các nguyên nhân ác tính hay nhiễm khuẩn; và qua nội soi niệu đạo ngược dòng để chẩn đoán. Các bác sĩ đã phát hiện nguyên nhân gây chảy máu là do có nhiều mạch máu nông ở bề mặt niệu đạo giãn mỏng thành từng đám và rất dễ chảy máu.
Bệnh nhân được chẩn đoán là giãn vỡ mạch máu niệu đạo/ theo dõi u máu niệu đạo. Sau đó được chỉ định phẫu thuật nội soi đốt các mạch máu giãn bằng laser holmium.
Kết quả là 1 tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể quan hệ tình dục bình thường mà không có bất kì dấu hiệu nào của chảy máu đường tiểu.
Nguyên nhân và đặc điểm tiểu ra máu khi cương
BS. Hạ Hồng Cường - Khoa Nam học và Y học Giới tính, BV Đại học Y Hà Nội cho hay, tiểu máu khi cương là một tình trạng lâm sàng rất hiếm gặp, liên quan chủ đến những dị dạng bất thường của mạch máu trong niệu đạo. Theo y văn trên thế giới, phần lớn các dị dạng bất thường đó là của bệnh lý u máu niệu đạo. Đây là một bệnh lý hoàn toàn lành tính, có thể gặp ở cả nam và nữ, nhưng chủ yếu là nam giới.
Vị trí của u máu thường ở niệu đạo sau, và thường ở giữa ụ núi và cơ thắt ngoài niệu đạo. Do là dị dạng mạch máu, nên thành của u máu niệu đạo rất mỏng và dễ rách vỡ khi áp lực dòng máu tăng lên, đặc biệt khi dương vật cương.
Kích thước u máu rất thay đổi, có thể chỉ khoảng 2-3mm, cũng có thể lên vài cm.
U máu niệu đạo cũng có thể nằm ngay bề mặt nông của niệu đạo hoặc sâu bên dưới, có thể phẳng hoặc có cuống.
U máu niệu đạo chỉ điều trị khi nó gây nên triệu chứng cho người bệnh như tiểu khó, tiểu máu khi cương.
Điều trị thế nào?
Về điều trị cho u máu niệu đạo, TS. Bắc cho biết, ưu tiên điều trị ngoại khoa, trong trường hợp bệnh nhân không muốn phẫu thuật hoặc không đủ điều kiện phẫu thuật, có thể điều trị nội khoa (nhưng thường tỷ lệ tái phát cao).
Điều trị ngoại khoa cho u máu niệu đạo hiện nay chủ yếu sử dụng phương pháp nội soi ngược dòng đốt vùng có u máu. Năng lượng sử dụng đốt u máu có thể là dòng điện đơn cực, hoặc sử dụng laser, đều cho hiệu quả điều trị rất khả quan.
Một nghiên cứu trên thế giới với 39 bệnh nhân sau nội soi đốt u máu niệu đạo bằng điện đơn cực với thời gian theo dõi sau mổ trung bình 16 tháng cho thấy tỉ lệ tái phát khoảng 5%.
Xem thêm video đang được quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C