ThS.BS. Nguyễn Lê Nhật Minh - Trưởng khoa Nội soi chẩn đoán và can thiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp cùng đồng nghiệp, kíp trực can thiệp kịp thời bệnh nhân nhập viện là cụ ông 90 tuổi ở Thái Bình, đi làm răng giả, bị sự cố rơi mất răng giả.
Theo BS. Minh, bệnh nhân đã được nội soi dạ dày tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình để tìm dị vật nhưng không thấy; được chụp phim X-quang phổi và phát hiện ra dị vật trong đường thở. Do vượt quá khả năng can thiệp nên người bệnh được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Phổi Trung ương.
Hình ảnh dị vật trong cơ thể bệnh nhân trên phim chụp X-quang.
Bệnh nhân nhập viện vào lúc 11h45 ngày 23/9/2018 trong tình trạng ho nhiều, khó thở. Các bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương đã khẩn trương tiến hành hội chẩn và quyết định nội soi phế quản cấp cứu để gắp dị vật khí quản, giải phóng tắc nghẽn đường thở, nhằm cứu sống người bệnh.
Các bác sĩ đã nhanh chóng được gắp thành công dị vật ra khỏi phế quản, giải phóng đường thở. Dị vật này là 1 cầu răng sứ 4 răng hàm dài 3,5cm đã bị rơi vào khí phế quản trong quá trình lắp răng giả cho người bệnh.
Cũng theo ThS. Minh cụ ông 90 tuổi đã ngay lập tức cảm thấy dễ chịu, dễ thở hơn sau khi được gắp cầu răng giả ra khỏi phế quản phổi. Đây là 1 kỹ thuật y khoa khó vì dị vật quá to và trơn nhẵn do răng giả làm bằng sứ. Tuy nhiên với những trang thiết bị hiện có tại Bệnh viện Phổi Trung ương có thể loại bỏ hoàn toàn các loại dị vật đường thở.
Các bác sĩ tiến hành nội soi lấy ra 4 chiếc răng trong phế quản bệnh nhân.
Cẩn thận kẻo vỡ răng, răng rơi vào phế quản
Nói về vấn đề đảm bảo an toàn trong quá trình lắp răng sứ, răng giả tránh những tai nạn đáng tiếc cho người bệnh, ThS.BS Nguyễn Vũ Trung - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt, BVĐK Hà Đông cho biết, việc đảm bảo an toàn khi lắp răng giả, răng sứ phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm và tay nghề của nha sĩ. Bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện lắp răng.
Với quy trình bọc răng sứ thông thường, bệnh nhân trước tiên sẽ được bác sĩ chuyên ngành nha khoa có kinh nghiệm khám và tư vấn sau đó bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp phụ hình răng cố định cho bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân đồng ý với phương pháp bác sĩ đưa ra sẽ tiến hành mài răng, thời gian mài khoảng 20 – 30 phút/01 răng, tùy vào độ khó của răng, răng còn tủy sống hay tủy răng đã chết, răng vỡ to hay nhỏ, răng hàm hay răng cửa, sự hợp tác của bệnh nhân…
Theo BS Trung, khi bọc răng sứ cũng có thể gặp một số biến chứng như viêm lợi nếu không mài răng đúng cách, đúng giải phẫu răng, đúng các khoảng sinh học. Kênh giữa 2 hàm không thể ăn nhai – lúc này bác sĩ phải mài chỉnh lại nếu không có thể gây vỡ răng sứ hoặc vỡ răng đối diện. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể dị ứng với thành phần kim loại của răng sứ kim loại, răng titan… Dắt thức ăn vào kẽ giữa răng giả và răng thật.
Trong quá trình lắp răng, nếu chẳng may bị răng giả, răng sứ rơi vào họng bệnh nhân gây sặc, khó thở thì cần nhanh chóng sơ cứu bằng nghiệm pháp Heimlich:
- Đứng ở phía sau nạn nhân, dùng 2 tay ôm xung quanh eo của nạn nhân. Hãy đảm bảo rằng 2 tay bạn ôm qua eo ở bên dưới khung xương sườn nạn nhân.
- Dùng mặt dưới của nắm tay đặt lên gần trung tâm bụng của nạn nhân (cạnh của ngón tay cái tỳ vào bụng) ở ngay phía trên rốn và dưới mũi ức (vùng thượng vị).
- Nắm tay được bọc trong bàn tay bên kia.
- Tiến hành những lần đẩy bụng riêng rẽ và dứt khoát theo hướng vào trong và lên trên. Tiếp tục cho tới khi dị vật gây tắc nghẽn được đánh bật ra – kiểm tra sau mỗi lần đẩy bụng. Dừng lại nếu nạn nhân bị bất tỉnh.
Nếu tình trạng tắc nghẽn đường thở chưa cải thiện thì tiếp tục luân phiên 5 lần vỗ lưng và 5 lần đẩy bụng cho tới khi dị vật được đánh bật ra.
Trường hợp sơ cứu thông thường không có tác dụng thì cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng hoặc tiêu hóa để tiến hành nội soi gắp dị vật ra.
Một số trường hợp hóc dị vật khác thì tùy trường hợp có thể trôi theo đường tiêu hóa và ra ngoài cơ thể mà không ảnh hưởng gì.